Hà Nội: Kết nối và phát huy giá trị văn hóa lịch sử, kiến trúc trên địa bàn các quận theo trục sông Hồng
(Xây dựng) – Nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh của quận Bắc Từ Liêm, nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, cộng đồng xã hội về ngành thiết kế và công nghiệp sáng tạo, đồng thời kết nối và phát huy giá trị văn hóa lịch sử, kiến trúc trên địa bàn các quận theo trục sông Hồng, ngày 10/11, UBND quận Bắc Từ Liêm phối hợp với Báo Tuổi trẻ Thủ đô tổ chức Gặp mặt báo chí thông tin về Chương trình nghệ thuật “Linh thiêng đình Chèm – Dòng chảy tinh hoa”.
Bà Lê Thị Thu Hương – Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm phát biểu tại buổi gặp mặt báo chí. |
Theo đó, UBND quận Bắc Từ Liêm phối hợp với Báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ tổ chức Chương trình nghệ thuật “Linh thiêng đình Chèm – Dòng chảy tinh hoa” vào ngày 18/11/2023 tại Di tích quốc gia đặc biệt đình Chèm, phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, bà Lê Thị Thu Hương – Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm cho biết: Chương trình nghệ thuật “Linh thiêng đình Chèm – Dòng chảy tinh hoa” sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh HanoiTV1 (H1) của Đài truyền hình Hà Nội và tiếp sóng các đài truyền hình Đà Nẵng, đài truyền hình Bắc Ninh và các nền tảng xã hội, báo chí khác…
Sau phần nghệ thuật mở màn là chương trình nghệ thuật sẽ kể câu chuyện về hành trình của Dòng chảy tinh hoa: Bắt đầu từ “Mạch nguồn văn hiến”; những di sản tinh hoa của dân tộc được thế giới công nhận. Từ “mạch nguồn” đó đã hội tụ tại Thủ đô Hà Nội, nơi lắng hồn sông núi ngàn năm, tạo nên những kiệt tác như ngôi đình Chèm thiêng liêng, cùng các loại hình truyền thống. Dòng chảy tinh hoa liên tục chuyển biến trong niềm tự hào tự tôn, vang lên đầy màu sắc, toả sáng rạng ngời.
Thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030 và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 05 năm 2021-2025, quận Bắc Từ Liêm đã xây dựng và triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn của quận với tổng số 332 dự án, tổng mức đầu tư trên 10.482 tỷ đồng. Trong đó, tập trung đầu tư hạ tầng giao thông khung, đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đô thị với 64 dự án với tổng mức đầu tư trên 2.300 tỷ đồng; phát triển đô thị Bắc Từ Liêm theo hướng đô thị xanh, sinh thái phù hợp với định hướng phát triển hành lang xanh của quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và gắn với bảo tồn quỹ di sản, văn hóa truyền thống. Từ nay đến năm 2025, quận sẽ thực hiện và hoàn thành các tuyến đường giao thông với 20 tuyến khung lớn như: Tuyến đường Tây Thăng Long đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến đường Văn Tiến Dũng; đường từ đường vành đai 3,5 đến đường nối từ đường Hoàng Quốc Việt kéo dài đến Khu công nghiệp Nam Thăng Long.
“Thời gian qua, quận Bắc Từ Liêm đã quan tâm làm tốt công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn. Đặc biệt, quận đã đề xuất Thành phố đưa vào danh mục đầu tư theo Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 08/4/2022 của HĐND Thành phố Hà Nội, quận Bắc Từ Liêm có 01 Dự án Tu bổ tôn tạo di tích đình Chèm và xây dựng điểm đến phục vụ du lịch, phường Thụy Phương có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 144,8 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách Thành phố” – Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm thông tin.
Đình Chèm là một ngôi đình thuộc loại cổ nhất ở Việt Nam, có lịch sử cách đây hàng nghìn năm. Đình Chèm thờ chính Đức Hy Khang Thiên Vương Lý Ông Trọng, cùng Hoàng phi Bạch Tĩnh Cung sinh vào thời vua Hùng Vương thứ 18 tức Hùng Duệ Vương (khoảng năm 260 TCN). |
Chương trình nghệ thuật “Linh thiêng đình Chèm – Dòng chảy tinh hoa” nhằm quảng bá giới thiệu về việc Hà Nội tham gia mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO; góp phần xây dựng “Lễ hội Thiết kế sáng tạo Thành phố Hà Nội” trở thành sự kiện thường niên mang tầm quốc tế và khu vực, tạo thành sự kiện điểm nhấn trong năm thu hút đông đảo nhà thiết kế, doanh nghiệp và khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham dự.
Chương trình cũng được tổ chức với mục đích phát huy tiềm năng thế mạnh của quận Bắc Từ Liêm, nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, cộng đồng xã hội về ngành thiết kế và công nghiệp sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của quận; góp phần tuyên truyền, giới thiệu về định hướng phát triển mới của Thành phố Hà Nội, các tiềm năng, cơ hội hợp tác trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo.
Góp phần kết nối và phát huy giá trị văn hóa lịch sử, kiến trúc trên địa bàn các quận theo trục sông Hồng trong quá trình tái thiết đô thị gắn với phát triển không gian sáng tạo, phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa.
Từ ngàn năm nay, đình Chèm – ngôi đình cổ nằm bên bờ sông Hồng, phủ lên mình lớp rêu phong của lịch sử, là chốn linh thiêng thờ cúng tín ngưỡng của người dân ba làng: Làng Hoàng, làng Mạc và làng Chèm. Đình Chèm là nơi thờ Đức Thánh Chèm (hay còn gọi là đức Hy Khang Thiên Vương Lý Ông Trọng).
Không chỉ mang những giá trị văn hóa lịch sử, tín ngưỡng tâm linh, đình Chèm còn được biết đến với thiết kế độc đáo, được xây dựng theo lối kiến trúc nội công ngoại quốc, chắc chắn và công phu. Nằm bên sông Hồng, dòng sông biểu tượng của nền văn minh lúa nước, dòng sông chuyên chở những tinh hoa của cư dân hai bên dòng sông, đình Chèm chứng kiến những biến thiên thăng trầm của lịch sử, cất giữ những lớp tầng phù sa bồi tụ ngàn năm, nơi hội tụ của dòng chảy tinh hoa từ muôn nơi về hội tụ.
Chính vì thế, chương trình nghệ thuật “Linh thiêng đình Chèm – Dòng chảy tinh hoa” còn nhằm giới thiệu về ngôi đình linh thiêng bên sông Hồng, tôn vinh các loại hình nghệ thuật truyền thống, những tinh hoa dân tộc, là hơi thở, tiếng lòng người Việt qua nhiều thế hệ, thể hiện trí tuệ, phẩm chất trong tư duy, lối sống của Nhân dân trong hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước.
Một số hình ảnh tại buổi gặp mặt báo chí:
Bà Lê Thị Thu Hương – Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm tặng hoa và quà cho Ban tổ chức chương trình.
Ban tổ chức giải đáp những câu hỏi của các phóng viên, nhà báo tham dự.
Nhiều phóng viên, nhà báo đặt câu hỏi cho Ban tổ chức.
Quang cảnh buổi gặp mặt báo chí.
Đình Chèm được biết đến với thiết kế độc đáo, được xây dựng theo lối kiến trúc nội công ngoại quốc, chắc chắn và công phu.
Nguồn: Báo xây dựng