Tổng hội Xây dựng Việt Nam góp ý hàng loạt vấn đề về dự án cầu Trần Hưng Đạo
Tổng hội Xây dựng Việt Nam góp ý hàng loạt vấn đề về dự án cầu Trần Hưng Đạo
Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng công trình này phải thực sự trở thành điểm nhấn đô thị về kiến trúc, biểu tượng của văn hóa và việc đặt tên gọi cho cầu cũng cần tham khảo dư luận xã hội…
Hôm nay (27.9), Tổng hội Xây dựng Việt Nam – tổ chức xã hội nghề nghiệp, tập hợp đội ngũ trí thức, chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng – đã có công văn đóng góp ý kiến về Dự án xây dựng cầu Trần Hưng Đạo (Hà Nội), gửi tới Thành ủy và UBND thành phố Hà Nội.
Công văn do TS Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam ký, được gửi đi sau khi thành phố Hà Nội đang có kế hoạch đầu tư xây dựng một cây cầu mới (cầu Trần Hưng Đạo) nối từ khu phố cũ thuộc quận Hoàn Kiếm với khu vực phát triển mới thuộc quận Long Biên nhằm kết nối các tuyến đường của Hà Nội với các tỉnh thành phía Bắc, phía Đông, giải tỏa ắch tắc giao thông nội đô, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế thành phố.
Hoan nghênh và tán thành chủ trương của thành phố Hà Nội về việc xây dựng cầu mới bắc qua sông Hồng, tuy nhiên Tổng hội Xây dựng Việt Nam cũng kiến nghị nhiều vấn đề về dự án xây dựng công trình này.
Cụ thể, về thi tuyển phương án kiến trúc của cầu, theo Tổng hội Xây dựng Việt Nam thì công trình cầu Trần Hưng Đạo có kế hoạch tổ chức tuyển chọn phương án kiến trúc từ tháng 3.2020 (văn bản 728/UBND-DT ngày 4.3.2020 của UBND Thành phố Hà Nội) và đến tháng 8.2021 Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông trình UBND TP Hà Nội kết quả phê duyệt phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo, mặc dầu phù hợp với các quy định của pháp luật, tuy nhiên với tính chất hết sức đặc biệt của công trình Tổng hội kiến nghị lãnh đạo thành phố cho thực hiện phương án thi tuyển nhằm huy động nhiều nhất các năng lực sáng tạo, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho tác phẩm xứng đáng với tầm vóc Thủ đô phát triển văn minh, hiện đại.
Tổng hội Xây dựng Việt Nam viện dẫn: Điều 81 Luật Xây dựng năm 2014 quy định “Công trình công cộng quy mô lớn, có yêu cầu kiến trúc đặc thù phải tổ chức thi tuyển hoặc tuyển chọn thiết kế kiến trúc công trình xây dựng trước khi lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng” và “Người quyết định đầu tư quyết định việc thi tuyển hoặc tuyển chọn thiết kế kiến trúc công trình xây dựng”. Đồng thời điều 17 luật kiến trúc 2019 quy định “ 2. Công trình phải thi tuyển phương án kiến trúc bao gồm:a) Công trình công cộng có quy mô cấp đặc biệt, cấp I;b) Nhà ga đường sắt trung tâm cấp tỉnh, nhà ga hàng không dân dụng; cầu trong đô thị từ cấpIItrở lên, ga đường sắt nội đô từ cấp IItrở lên;…”
Về quy hoạch kiến trúc và yêu cầu kỹ thuật, để tổ chức thành công việc thi tuyển tránh những đáng tiếc như việc lựa chọn phương án thời gian qua, Tổng hội xây dựng Việt Nam kiến nghị nhiệm vụ thiết kế làm rõ một số nội dung. Trong đó, về quy hoạch, việc giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa các lĩnh vực quy hoạch giao thông Thủy bộ, quy hoạch đô thị nhất là khu vực đô thị hai bên bờ sông Hồng và quy hoạch thủy lợi, đảm bảo tính bền vững phù hợp với biến đổi khí hậu và phù hợp với trị thuỷ sông Hồng.
Về hình thức kiến trúc, cụ thể là nguyên tắc thiết kế, công trình cần có phong cách kiến trúc và kết cấu hiện đại, công nghệ, vật liệu tiên tiến mang dấu ấn thời đại, hình thức tiêu biểu của Thủ đô – Thành phố sáng tạo và thời kỳ cách mạng 4.0. Không sao chép hình ảnh không thuộc về kiến trúc truyền thống Việt Nam.
Về không gian cảnh quan phải phù hợp với kiến trúc cảnh quan hai đầu cầu, tỷ lệ vừa phải, đặc biệt là tại các vị trí đấu nối tiếp cận với khu phố cũ (đường Trần Hưng Đạo – quận Hoàn Kiếm), đặc biệt lưu ý tạo hình mang ý nghĩa, quan trọng có thể quan sát được của không gian cầu đi qua sông Hồng đoạn có mặt nước, phục vụ việc chiêm ngưỡng kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo từ du lịch trên sông và từ các cây cầu lân cận khác nhìn sang.
Công trình cần nghiên cứu các hình tượng thể hiện khát vọng vươn lên, độc lập tự cường của dân Việt, kết hợp cả kiến trúc và điêu khắc những hình tượng giao thoa giữa kiến trúc cổ Việt Nam và vật liệu hiện đại, thậm chí các hình ảnh thể hiện quá trình phát triển Hà Nội từ khu phố cổ, phố cũ của trung tâm nội đô lịch sử (quận Hoàn Kiếm) sang khu phát triển mới (quận Long Biên), giữa Quá khứ và Hiện tại với những hình ảnh không nhất thiết phải giống nhau.
Cầu Trần Hưng Đạo phải thực sự trở thành điểm nhấn đô thị về kiến trúc, biểu tượng của văn hóa, thẩm mỹ đương đại. Hình thức, khối tích, ánh sáng trên cầu hài hòa với không gian đô thị.
Về các yêu cầu kỹ thuật, Tổng hội Xây dựng Việt Nam kiến nghị cần áp dụng các vật liệu hiện đại, công nghệ tiên tiến và các tiến bộ khoa học mới về kết cấu mang dấu ấn của thời đại. Cần Trần Hưng Đạo cần đảm bảo khoảng cách tĩnh không của cầu thống nhất và tương đương với các cây cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy… để thuận lợi cho giao thông đường thủy; Thỏa mãn các yêu cầu của các phương tiện giao thông nội đô, đặc biệt nút giao thông đầu mối, các điểm vượt đường bộ.
Về hình thức đầu tư, theo Tổng hội Xây dựng Việt Nam vì đây là công trình giao thông nội đô, phục vụ chủ yếu cho sự đi lại của nhân dân khu vực các quận nội thành vì vậy cần nghiên cứu thêm về tính khả thi khi vận dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Khi áp dụng hình thức hợp đồng BOT, thu phí để hoàn vốn trong vòng 20 năm, cần tính toán kỹ phương án tài chính của dự án, do tất cả các cầu trong khu vực đều không thu phí và do ảnh hưởng bởi việc phân lưu giao thông sang hai cầu Chương Dương và Vĩnh Tuy.
Về tên cầu, công trình cầu mới qua sông Hồng (cầu Trần Hưng Đạo) là một trong những công trình giao thông quan trọng của Thủ đô, được sự quan tâm sâu sắc của nhân dân cả nước, việc đặt tên gọi cho cầu cũng cần tham khảo dư luận xã hội và phảỉ được Hội đồng Nhân dân Thành phố thông qua theo quy định. Vì vậy trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, đề nghị Thành phố cân nhắc sử dụng tên gọi để thuận lợi cho công việc và phù hợp với giai đoạn xây dựng công trình.
Theo Tổng hội Xây dựng Việt Nam đây là một công trình có ý nghĩa hết sức quan trọng, phù hợp với định hướng quy hoạch chung, quy hoạch giao thông Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông và tương lai sẽ trở thành một trong các điểm nhấn kiến trúc quan trọng, là biểu tượng cho tầm vóc Thủ đô ngàn năm văn hiến, Thủ đô vì hòa bình, Thành phố sáng tạo của thời kỳ cách mạng 4.0. Tổng hội mong nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội để công trình giao thông trọng điểm này được xây dựng theo đúng quy định của pháp luật, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân giúp cho Hà Nội có được một công trình mang hơi thở thời đại, hiện đại, một kiệt tác kiến trúc, mang bản sắc Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Ngoài ra, với lực lượng hội viên hơn 10 ngàn người, trong đó có nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý cao cấp dày dạn kinh nghiệm, đã từng đảm đương nhiều vị trí quan trọng trong các Bộ ngành Trung ương và địa phương, Tổng hội Xây dựng Việt Nam bày tỏ việc sẵn sàng hợp tác chia sẻ kinh nghiệm với Hà Nội để góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng hiện đại…
Nằm trong Quy hoạch chung của Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 1259, cầu đề xuất có tên Trần Hưng Đạo là một trong 18 cây cầu bắc qua sông Hồng có tổng vốn đầu tư khoảng 9.000 tỉ đồng vừa được UBND TP. Hà Nội chấp thuận dự án đầu tư theo phương thức BOT theo tỉ lệ 50/50 và dự kiến thời gian hoàn vốn là 20 năm.
Về kiến trúc, ba phương án thiết kế đưa ra chọn một đều thuộc Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) nghiên cứu thực hiện với tên gọi phương án 1: Người chủ soái; Phương án 2: Cánh hạc bay và Phương án 3: Xứ Đông Dương. Cụ thể, phương án 1 được 1/15 thành viên Hội đồng tuyển chọn; phương án 2 được 1/15 thành viên Hội đồng tuyển chọn và phương án 3 được 13/15 thành viên hội đồng tuyển chọn và đang chờ thành phố phê duyệt.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị