Indonesia: Khánh thành nhà máy điện mặt trời nổi lớn nhất Đông Nam Á

Indonesia: Khánh thành nhà máy điện mặt trời nổi lớn nhất Đông Nam Á

Ngày 9/11, Indonesia đã khánh thành và đưa vào khai thác nhà máy điện điện mặt trời nổi Terapung Cirata, lớn nhất Đông Nam Á và lớn thứ ba thế giới với công suất 192 MWp đặt tại tỉnh Tây Java.

Trang trại điện mặt trời nổi mới khánh thành mang tên Cirata, dự kiến sản xuất đủ điện cho 50.000 hộ gia đình. Công trình được xây dựng trên hồ nước rộng 200 ha ở Tây Java, cách thủ đô Jakarta khoảng 130 km.

Dự án là sự hợp tác giữa công ty điện quốc gia Indonesia Perusahaan Listrik Negara (PLN) và công ty năng lượng tái tạo Abu Dhabi Masdar, hoàn thành trong 3 năm với chi phí khoảng 100 triệu USD. Nằm ở một khu vực xanh mát với những cánh đồng lúa bao quanh, trang trại điện mặt trời gồm khoảng 340.000 tấm pin.

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) nhấn mạnh rằng Terapung Cirata là “giấc mơ lớn” của Indonesia trong việc xây dựng các nhà máy năng lượng tái tạo mới trên quy mô lớn nhằm cung cấp nguồn điện sạch cho đất nước.

Theo ông Jokowi, việc khánh thành và đưa vào hoạt động nhà máy Terapung Cirata sẽ bổ sung cho công suất thủy điện tại chỗ, hiện đạt 1.000 MW. Dự kiến, công suất của nhà máy sẽ được nâng lên 500 MWp, thậm chí có thể đạt tối đa 1.000 MWp trong tương lai.

tm-img-alt
Nhà máy điện mặt trời nổi mới được xây dựng trên hồ nước ở Tây Java. Ảnh: Bay Ismoyo/AFP

Ông Jokowi cho rằng Indonesia có thể khai thác tiềm năng năng lượng tái tạo mới từ một số công nghệ sẵn có trong nước, khẳng định rằng các thách thức về thời tiết và địa lý có thể khắc phục được bằng cách xây dựng lưới điện thông minh kết nối từng nguồn năng lượng với các trung tâm kinh tế.

Người đứng đầu chính phủ Indonesia bày tỏ hy vọng rằng mô hình nhà máy Terapung Cirata sẽ khuyến khích các doanh nghiệp khác đầu tư vốn để phát triển các nguồn năng lượng mới và tái tạo như Nhà máy điện mặt trời, nhà máy thủy điện, nhà máy địa nhiệt và nhà máy điện gió.

Tổng thống Jokowi khẳng định rằng các công trình như Nhà máy điện mặt trời nổi Terapung Cirata sẽ giúp gia tăng tỷ lệ năng lượng mới và tái tạo trong cơ cấu năng lượng quốc gia lên mức 23% vào năm 2025, đồng thời cam kết tiếp tục theo đuổi mục tiêu đề ra.

Theo Tổng thống Jokowi, nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng mới và tái tạo đang “xếp hàng dài” để vào Indonesia. Trong số các nhà đầu tư tiềm năng, có những doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực thủy điện đang trong quá trình hoàn thiện kế hoạch và thủ tục đầu tư.

Được xây dựng trên tổng diện tích mặt nước 200ha, Nhà máy điện mặt trời nổi Terapung Cirata dự kiến đạt tổng sản lượng 245 GWh với mức giá cạnh tranh là 5,8 cent/kWh, và sẽ góp phần giảm 214.000 tấn CO2 mỗi năm.

Dự án chiến lược quốc gia này do Tổng công ty Điện lực Nhà nước PLN và Công ty Năng lượng Tái tạo Masdar của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) triển khai với sự hỗ trợ từ 3 tổ chức cho vay hàng đầu là Ngân hàng Sumitomo Mitsui, Société Générale, và Ngân hàng Standard Chartered.

Indonesia đang nỗ lực đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060. Nước này cũng đang cố gắng đạt mức phát thải ròng ngành điện bằng 0 vào năm 2050 để đổi lấy khoản tài trợ cho kế hoạch chuyển đổi năng lượng Just Energy Transition Partnership (JETP) 20 tỷ USD. Theo kế hoạch, Jakarta cam kết cắt giảm mức phát thải carbon ngành điện xuống tối đa 250 triệu tấn vào năm 2030 (mức tối đa trước đó là 290 triệu tấn).

Indonesia đặt mục tiêu tăng mức năng lượng tái tạo lên 23% trong cơ cấu năng lượng vào năm 2025, nhưng Widodo thừa nhận nước này có thể không đạt được mục tiêu đó vì những sự chậm trễ do Covid-19.

Indonesia đã cam kết ngừng xây nhà máy nhiệt điện than mới nhưng vẫn tiếp tục xây những nhà máy được lên kế hoạch từ trước. Nước này cũng đang cố gắng trở thành quốc gia quan trọng trên thị trường xe điện với tư cách là nhà sản xuất niken lớn nhất thế giới, một thành phần thiết yếu trong pin lithium-ion. Tuy nhiên, một số khu công nghiệp với các lò luyện nickel tiêu tốn nhiều năng lượng lại vận hành bằng than.

Trong khi đó, một báo cáo của Viện Kinh tế năng lượng và phân tích tài chính (IEEFA) cho thấy ngày càng nhiều các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á tiến hành xây dựng các trang trại năng lượng mặt trời nổi để sản xuất điện với giá có thể cạnh tranh với nhiệt điện than.

Hồi giữa tháng 7 vừa qua, Singapore đã khánh thành một trong những nhà máy điện mặt trời nổi lớn nhất thế giới hiện nay, trải rộng trên diện tích 45ha, có thể sản xuất đến 60MW điện, giúp giảm lượng khí thải CO2 khoảng 32 kiloton hàng năm.

Hai năm trước, tập đoàn Điện lực Thái Lan (Egat) cũng đã đưa vào vận hành trang trại năng lượng mặt trời nổi với quy mô công suất 45MW.

IEFFA nhận định, việc tăng tốc triển khai các dự án năng lượng nổi tại Đông Nam Á là một bước tiến lớn nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững về môi trường khu vực nói riêng và trên thế giới nói chung, đồng thời giúp các nước phụ thuộc vào nhập khẩu than của khu vực có thể thoát khỏi nguy cơ giá nhiên liệu biến động.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích