Khám phá vẻ đẹp Chùa Thiên Mụ – “Đệ nhất cổ tự” của cố đô Huế

Xây dựng năm 1601, dưới đời vua Nguyễn Hoàng, Chùa Thiên Mụ – ngôi chùa cổ nhất ở Huế, từng được đưa vào danh sách 20 cảnh đẹp đất Thần Kinh ngày ấy giờ vẫn là điểm đến không thể bỏ lỡ với du khách.

Khám phá vẻ đẹp Chùa Thiên Mụ - “Đệ nhất cổ tự” của cố đô Huế
Chùa Thiên Mụ được xây dựng vào năm 1601, được coi là ngôi chùa cổ nhất ở Huế. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

“Gió đưa cành trúc la đà

Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương”

Câu ca dao quen thuộc được truyền tụng ở Huế như thách thức với tạo hóa về vẻ đẹp và sự trường tồn của ngôi cổ tự Thiên Mụ.

Chắc cũng chính vì lẽ đó mà vua Thiệu Trị (1807-1847), vị hoàng đế thứ ba của triều Nguyễn) trong bài thơ đề là Thiên Mụ Chung Thanh đã liệt Chùa Thiên Mụ vào danh sách 20 cảnh đẹp của đất Thần Kinh hồi ấy mà đến ngày nay vẫn còn nguyên vẹn.

Là cái tên không thể không nhắc đến khi nói về xứ Huế mộng mơ, Chùa Thiên Mụ là một trong những địa danh được du khách tìm đến và quan tâm nhiều nhất trong hành trình khám phá cố đô Huế.

Nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5km về phía tây, Chùa Thiên Mụ là ngôi chùa cổ nhất của Huế, tọa lạc trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương.

Trước mặt chùa là dòng Hương Giang nước trong xanh uốn lượn, xa xa ẩn hiện dãy Trường Sơn. Sau lưng chùa có hồ nước và dãy đồi thấp che chắn, địa thế ngôi cổ tự đúng là “sơn trường thủy tự” thanh tịnh mà nên thơ.

Đứng nhìn từ xa, khuôn viên chùa có hình dáng như một con rùa khổng lồ cõng trên lưng ngôi chùa cổ kính đang uống nước sông Hương.

Với địa thế và dáng hình đó, Chùa Thiên Mụ được chia làm hai khu vực: khu vực phía trước tượng trưng cho đầu rùa, được sắp xếp các kiến trúc mang tính kỷ niệm như bia đá, chuông đồng… còn ở phía sau mang dáng hình thân rùa là các kiến trúc điện thờ, nhà tăng… Hai khu vực này được ngăn cách nhau bởi cánh cửa tam quan.

Khám phá vẻ đẹp Chùa Thiên Mụ - “Đệ nhất cổ tự” của cố đô Huế
Tháp Phước Duyên. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Một biểu tượng gắn liền với chùa không thể không nhắc đến chính là tháp Phước Duyên, tháp cao 21 mét, gồm 7 tầng, mỗi tầng đều có thờ tượng Phật, bên trong có cầu thang hình xoắn ốc dẫn lên tầng trên cùng, nơi trước đây có thờ tượng Phật bằng vàng.

Bên cạnh đó, ở mỗi tầng tháp đều có cửa sổ trang trí bằng các thanh đồng uốn dẹp giúp ánh sáng lan tỏa trong lòng tháp. Đứng trên tầng cao của tháp có thể nhìn hướng tầm mắt bao quát một khúc sông Hương và dãy Trường Sơn ẩn hiện xa xa.

Hai bên tháp còn có nhà bia và lầu chuông, trong lầu chuông có treo quả đại hồng chuông với nhiều đường nét độc đáo. Chính vì vậy đã tạo nên những nét riêng vừa hấp dẫn vừa bí ẩn cho Chùa Thiên Mụ.

Truyền thuyết kể rằng khi chúa Nguyễn Hoàng vào làm Trấn thủ xứ Thuận Hóa kiêm trấn thủ Quảng Nam, ông đã đích thân đi xem xét địa thế ở đây nhằm chuẩn bị cho mưu đồ mở mang cơ nghiệp, xây dựng giang sơn cho dòng họ Nguyễn sau này.

Trong một lần rong ruổi vó ngựa dọc bờ sông Hương ngược lên đầu nguồn, ông bắt gặp một ngọn đồi nhỏ nhô lên bên dòng nước trong xanh uốn khúc, thế đất như hình một con rồng đang quay đầu nhìn lại, ngọn đồi này có tên là đồi Hà Khê.

Người dân địa phương cho biết nơi đây ban đêm thường có một bà lão mặc áo đỏ quần lục xuất hiện trên đồi, nói với mọi người: “Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh.” Vì thế, nơi đây còn được gọi là Thiên Mụ Sơn.

Tư tưởng lớn của chúa Nguyễn Hoàng dường như cùng bắt nhịp được với ý nguyện của dân chúng. Nguyễn Hoàng cả mừng, vào năm 1601 đã cho dựng một ngôi chùa trên đồi, ngoảnh mặt ra sông Hương, đặt tên là “Thiên Mụ.”

Với quy mô được mở rộng và cảnh đẹp tự nhiên, Chùa Thiên Mụ đã trở thành ngôi chùa đẹp nhất xứ Đàng Trong.

Trải qua bao sóng gió lịch sử, Chùa Thiên Mụ từng được dùng làm đàn Tế Đất dưới triều Tây Sơn (khoảng năm 1788), rồi được trùng tu tái thiết nhiều lần dưới triều vua nhà Nguyễn.

Năm 1884, nhân dịp mừng lễ “bát thọ” (mừng sinh nhật thứ 80) của bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu (vợ vua Gia Long, bà nội của vua Thiệu Trị), vua Thiệu Trị kiến trúc lại ngôi chùa một cách quy mô hơn: Xây thêm tháp Từ Nhân (sau đổi là tháp Phước Duyên), đình Hương Nguyện và dựng hai tấm bia ghi chép thơ văn của nhà vua.

Khám phá vẻ đẹp Chùa Thiên Mụ - “Đệ nhất cổ tự” của cố đô Huế
Toàn cảnh chùa Thiên Mụ. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Khuôn viên Chùa Thiên Mụ được chia làm hai khu vực: Khu vực trước cửa Nghi Môn gồm có các công trình kiến trúc: Bến thuyền có 24 bậc tam cấp lên xuống, cổng tam quan là bốn trụ biểu xây sát đường cái, từ cổng tam quan bước lên 15 bậc tam cấp là đình Hương Nguyện (nay chỉ còn lại nền đất và bộ móng xây bằng đá thanh).

Sau đình Hương Nguyện là tháp Phước Duyên xây bằng gạch vồ bảy tầng cao vòi vọi, hai bên đình Hương Nguyện có hai lầu bia hình tứ giác (dựng thời Thiệu Trị), lui về phía trong có hai lầu hình lục giác một lầu để bia và một lầu để chuông (dựng thời Nguyễn Phúc Chu). Đây là những công trình có tính chất lưu niệm (bia, tháp).

Khu vực phía trong cửa Nghi Môn gồm các điện Đại Hùng, điện Địa Tạng, điện Quan âm, nhà Trai, nhà Khách, vườn hoa, phía sau cùng là vườn thông tĩnh mịch.

Trong phạm vi Chùa Thiên Mụ đâu đâu cũng toát lên một chút thơ, một chút mộng của xứ Huế. Mỗi công trình, kiến trúc dù được xây dựng dưới triều đại nào cũng đều thể hiện sự tín ngưỡng, trang trọng và hài hòa với những công trình trước đó.

Thiên Mụ là ngôi chùa cổ nhất, kiến trúc đồ sộ nhất và cũng là ngôi chùa đẹp nhất của xứ Huế. Năm 1695, Chúa Nguyễn Phúc Chu đã mở đại giới đàn rất long trọng tại Chùa Thiên Mụ. Lịch sử huy hoàng của các Chúa Nguyễn trong quá trình khai phá, lập nghiệp ở Đàng trong có thể nói được mở đầu bằng công trình xây dựng Chùa Thiên Mụ.

Tọa lạc bên bờ sông Hương thơ mộng, Chùa Thiên Mụ với kiến trúc cổ kính đã góp phần điểm tô cho bức tranh thiên nhiên nơi đây càng thêm duyên dáng, thi vị.

Tiếng chuông chùa như linh hồn của Huế, vang vọng mãi trong dòng nước sông Hương chảy qua trước Kinh Thành, xuôi về cửa biển, đọng lại trong lòng khách phương xa khi đến Huế một nỗi niềm vương vấn chốn Thần Kinh. Có lẽ vì thế mà du khách thập phương đã xem Chùa Thiên Mụ như là một điểm đến trang nghiêm khó lòng mà bỏ qua.

Vãn cảnh chùa, du khách như đang đi vào không gian của trăm năm, thanh tịnh và thơ mộng. Khách bước qua khỏi cổng chùa đã thấy lòng lắng lại, tĩnh tâm, bỏ lại đằng sau những phiền muộn, lo âu.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích