Cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước đạt những kết quả nổi bật
Một trong những kết quả nổi bật trong thực hiện nghị quyết của Quốc hội đối với lĩnh vực nội vụ thời gian qua là việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hiệu quả.
Quốc hội sẽ công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm 44 cá nhân. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Từ ngày 6-8/11 tới, Quốc hội sẽ tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Đầu phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang sẽ trình bày Báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4.
Một trong những kết quả nổi bật trong thực hiện nghị quyết của Quốc hội đối với lĩnh vực nội vụ thời gian qua là việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước.
Tinh gọn bộ máy
Thực hiện chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 56/2017/QH14, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chủ động rà soát, sắp xếp các tổ chức bên trong bộ, ngành như tổng cục, cục, vụ và các tổ chức bên trong tổng cục bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Theo đó, đã giảm được 17 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục; giảm 8 cục thuộc tổng cục và thuộc bộ; giảm 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ; giảm cơ bản phòng trong vụ.
Việc sắp xếp, kiện toàn cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện cũng được chú trọng. Bên cạnh ban hành các nghị định liên quan, Chính phủ chỉ đạo các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện chủ động thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, số lượng cấp phó thuộc sở, phòng theo hướng tinh gọn, giảm cấp trung gian, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng tiêu chí thành lập tổ chức, số lượng cấp phó theo quy. Theo đó, đã giảm được 7 sở, 2.159 phòng thuộc sở và thuộc Ủy ban Nhân dân cấp huyện.
Về số lượng cấp phó, căn cứ quy định của Chính phủ về tiêu chí xác định số lượng cấp phó trong tổ chức hành chính, sau khi sắp xếp tổ chức của các bộ, ngành sẽ phải thực hiện giảm theo lộ trình đối với 61 lãnh đạo cấp tổng cục (14 tổng cục trưởng và 47 phó tổng cục trưởng), 17 lãnh đạo cấp cục thuộc bộ, 63 lãnh đạo cấp vụ thuộc bộ, 404 lãnh đạo cấp cục, vụ thuộc tổng cục. Từ kết quả sắp xếp tổ chức hành chính, các địa phương đã rà soát, cơ cấu lại nhân sự lãnh đạo quản lý các cấp thuộc phạm vi quản lý. Đối với các tổ chức do sáp nhập, hợp nhất làm tăng số lượng cấp phó sẽ phải sắp xếp theo lộ trình quy định.
Về sắp xếp đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập, tính đến thời điểm 30/6/2022, các bộ, ngành còn 1.035 đơn vị, giảm 98 đơn vị (8,6%); các địa phương còn 46.653 đơn vị, giảm 7.631 đơn vị (14,05%).
Thực hiện các quy định của Chính phủ về tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động rà soát, phê duyệt Đề án tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý để làm cơ sở thực hiện mục tiêu có 10% đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính theo yêu cầu tại Nghị quyết số 19-NQ/TW.
Bộ Nội vụ cho biết đã có 23 bộ, ngành, địa phương thực hiện thành công việc chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần; trong đó 2 địa phương hoàn thành chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần nhiều nhất là Hậu Giang (6 đơn vị), Quảng Nam (9 đơn vị). Tuy nhiên, việc chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần còn chậm, chỉ chiếm 24,2% số lượng đơn vị sự nghiệp công lập được phê duyệt danh mục chuyển đổi thành công ty cổ phần giai đoạn 2017-2020.
Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện, một số địa phương chưa bám sát với các quy định (7 địa phương ban hành Quyết định phê duyệt phương án chuyển đổi khi chưa nhận được văn bản ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ).
Tinh giản biên chế
Cùng với việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, biên chế công chức và biên chế sự nghiệp cũng giảm đáng kể. Biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính Nhà nước thuộc khối Chính phủ quản lý năm 2021 là 247.722, giảm 10,01% so với năm 2015, đạt mục tiêu theo Nghị quyết của Đảng.
Cán bộ UBND phường Hiệp Bình Chánh, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh giải quyết hồ sơ cho người dân. (Ảnh: Xuân Tình/TTXVN) |
Biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập năm 2021 là gần 1,79 triệu người, giảm 11,67% (trong đó, bộ, ngành giảm 25,19%; địa phương giảm 10,51%), vượt mục tiêu giảm tối thiểu 10% theo Nghị quyết của Đảng. Đây là nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị và kết quả đạt được cao nhất từ trước đến nay.
Để bảo đảm thực hiện mục tiêu đến năm 2026 giảm 5% biên chế công chức và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021, Bộ Chính trị đã ban hành các quyết định để giao biên chế giai đoạn 5 năm từ năm 2022-2026 cho các cơ quan của hệ thống chính trị; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước của các cơ quan, tổ chức hành chính Nhà nước thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập, biên chế hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương.
Theo Quy định số 70-QĐ/TW về quản lý biên chế của hệ thống chính trị, Bộ Chính trị đã giao thẩm quyền quản lý biên chế cho Ban Tổ chức Trung ương là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế các tỉnh ủy, thành ủy; Ban cán sự đảng Chính phủ trực tiếp quản lý biên chế các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập; cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; đơn vị sự nghiệp ở Trung ương; hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương; viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế xem xét, quyết định sử dụng biên chế dự phòng (cơ quan có thẩm quyền giao, quản lý biên chế của các khối, ngành của hệ thống chính trị không quản lý biên chế dự phòng như giai đoạn trước).
Tinh giản biên chế chưa gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ
Tuy nhiên, Chính phủ chỉ ra rằng việc sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập, quản lý biên chế còn những tồn tại, hạn chế. Một số ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật chuyên ngành còn cần có sự phối hợp quản lý của nhiều bộ. Song, công tác phối hợp còn hạn chế nên hiệu lực, hiệu quả quản lý đối với những ngành, lĩnh vực này chưa cao. Cần tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bảo đảm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân. (Ảnh minh hoạ: Minh Sơn/Vietnam+) |
Việc sắp xếp, thu gọn đầu mối các đơn vị sự nghiệp công lập ở một số ngành, lĩnh vực có mặt còn cơ học; chưa thực sự có sự thay đổi về cơ chế hoạt động và chất lượng dịch vụ cung ứng. Việc chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập có tính chất cung cấp dịch vụ sự nghiệp công của bộ, ngành về chính quyền địa phương quản lý triển khai còn chậm.
Tiến độ chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế tự chủ còn chậm, mức độ tự chủ trong các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công không đồng đều. Việc thực hiện xã hội hóa trong các ngành, lĩnh vực sự nghiệp công chưa đồng đều, thường chỉ tập trung ở một số ngành, lĩnh vực, loại hình dễ thu lợi nhuận và tập trung tại các địa bàn có điều kiện kinh tế phát triển do chính sách chưa đồng bộ và chưa đủ hấp dẫn để thu hút nguồn lực xã hội hóa đầu tư vào khu vực dịch vụ sự nghiệp công, nhất là những địa bàn khó khăn.
Việc chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần còn chậm, chủ yếu mới dừng lại ở mức rà soát, lập danh mục các đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện chuyển thành công ty cổ phần. Nhiều đơn vị sự nghiệp công lập có quy mô rất nhỏ, tài sản không đáng kể, giá trị thương hiệu hầu như không có làm cho công tác chuyển đổi thành công ty cổ phần không hiệu quả, ngân sách thu được sau chuyển đổi không đáng kể.
Vấn đề đáng chú ý trong quản lý biên chế là định mức biên chế sự nghiệp lạc hậu, ban hành từ trước Hội nghị Trung ương 6 khóa XII nhưng chưa được các bộ quản lý ngành, lĩnh vực sửa đổi, đặc biệt lĩnh vực giáo dục và đào tạo khi đang chiếm tỷ trọng gần 80% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Một số cơ quan, tổ chức đang thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo cơ chế đặc thù (người làm việc chưa được tính trong chỉ tiêu biên chế công chức được cấp có thẩm quyền giao), nên cần báo cáo cấp có thẩm quyền để có giải pháp thống nhất quản lý. Ngoài ra, kết quả thực hiện chính sách tinh giản biên chế cũng chưa thực sự gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức./.
Nguồn: Báo xây dựng