Bất động sản khu công nghiệp: “Điểm sáng” duy nhất trong dịch Covid-19
Ảnh minh họa
Số liệu tổng hợp từ Bộ Xây dựng, từ đầu năm đến nay thị trường BĐS tiếp tục có sự sụt giảm mạnh về nguồn cung và giao dịch ở hầu hết các phân khúc. Nhưng hoạt động kinh doanh BĐS KCN vẫn duy trì được ổn định về cả giá thuê, tỷ lệ lấp đầy. Tỷ lệ lấp đầy trung bình tại các tỉnh, thành phố công nghiệp chính miền Bắc (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng…) đạt khoảng 80%. Nếu tính thêm tỉnh lân cận (Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Giang) tỷ lệ lấp đầy đạt 69%. Giá thuê trung bình vẫn ghi nhận tăng cao nhất khoảng 5%. Một số dự án vị trí thuận lợi ở Bắc Ninh, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai hay Long An mức tăng từ 5 – 10%” – đại diện Bộ Xây dựng cho hay.
Theo chuyên gia tài chính TS Cấn Văn Lực, mặc dù đang chịu nhiều tác động xấu từ dịch Covid-19, nhưng năm 2021 và những năm tiếp theo thị trường BĐS vẫn nắm giữ nhiều “xung lực” tăng trưởng, do: Thị trường đã điều chỉnh nhanh nhạy theo tình tình dịch bệnh đưa công nghệ vào bán hàng. Toàn cảnh khả quan với tăng trưởng kinh tế dự báo tăng 6,5 – 7% trong 10 năm tới; Nhiều luật sửa đổi bổ sung như Luật Doanh nghiệp tinh giản đáng kể. Luật Chứng khoán bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm điểm nhấn là huy động vốn từ các quỹ tạo động lực cho doanh nghiệp; Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công nhanh…
“Đáng chú ý nhất là việc chuyển dịch chuỗi cung ứng, sản xuất đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh doanh nghiệp quốc tế tìm đến những vùng đất mới an toàn, rẻ hơn đã tạo ra nhiều cơ hội cho toàn thị trường nói chung và BĐS KCN nói riêng” – TS Cấn Văn Lực nhìn nhận.
Các chuyên gia đều đánh giá cao triển vọng tích cực đối với mảng KCN, nhờ hưởng lợi chính từ sự chuyển dịch cơ cấu hoạt động sản xuất toàn cầu được thúc đẩy bởi căng thẳng thương mại Trung Quốc – Mỹ và nhu cầu đa dạng hóa cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Bên cạnh chi phí lao động tương đối thấp, Việt Nam duy trì các chính sách khuyến khích thu hút dòng vốn FDI, bao gồm một số lượng lớn hiệp định thương mại tự do, chính sách khuyến khích thu hút nhà đầu tư nước ngoài, quy định mới về quản lý KCN, khu kinh tế, nhằm cải thiện môi trường kinh tế.
Báo cáo mới đây của Hội Môi giới BĐS Việt Nam ghi nhận, thị trường BĐS KCN đang chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ về nguồn cầu tại nhiều tỉnh, thành phố, như: Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Định, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang… Nhu cầu về BĐS công nghiệp tăng cao, giúp cho kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm trên sàn chứng khoán của hầu hết doanh nghiệp trong ngành liên tiếp báo lãi, như: Kinh Bắc, Sonadezi, Tân Tạo, Viglacera…
Cụ thể, Công ty Cổ phần Viglacera (mã chứng khoán: VGC), 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận hợp nhất toàn tổng công ty đạt 763 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận công ty mẹ 726 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần kế hoạch 6 tháng, bằng 97% mục tiêu năm đề ra; Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP (Mã chứng khoán KBC – sàn HOSE) báo lãi 785,2 tỷ đồng, tăng trưởng 647%, hoàn thành 39,3% kế hoạch năm…
“Bất chấp những tác động của đại dịch, thị trường BĐS KCN tại Việt Nam vẫn chứng kiến nhiều dấu hiệu tích cực, như: Thương vụ mua bán sáp nhật doanh nghiệp; Gia tăng diện tích đất công nghiệp mới… Khu vực phía Bắc nhận được phần lớn các khoản đầu tư mới đăng ký vào lĩnh vực sản xuất lên đến 1,97 tỷ USD, chiếm 64% thị phần. Khu vực phía Nam với 728 triệu USD, chiếm 23% thị phần. Khu vực miền Trung thu hút 395 triệu USD, chiếm 13% thị phần” – Trưởng bộ phận BĐS công nghiệp (Savills Việt Nam), John Campbell cho hay.
Nguồn: hoanhap.vn