Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 8/11/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 8/11/2023
Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay 8/11/2023. Cập nhật tin nhanh môi trường mới nhất hôm nay 8/11/2023 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.
Sắp có không khí lạnh mạnh, miền Bắc đón đợt rét đầu tiên
Dự báo khoảng 12-13/11, một đợt không khí lạnh mạnh có thể tràn xuống nước ta, gây ra đợt rét diện rộng đầu tiên của mùa đông năm nay ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Theo các chuyên gia khí tượng, khoảng đầu tuần tới, một đợt không khí lạnh có cường độ từ trung bình đến mạnh có thể tràn xuống nước ta.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh, trong hai ngày 12-13/11, miền Bắc có thể đón mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to, riêng phía Đông Bắc Bộ xuất hiện mưa rải rác từ ngày 11/11.
Tại miền Trung, ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với địa hình đón gió nên từ ngày 13-17/11, khu vực này có khả năng xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng.
Cũng do ảnh hưởng của không khí lạnh, dự báo từ ngày 13/11, khu vực vùng núi, trung du các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ có thể chuyển rét với nhiệt độ cao nhất khoảng 19-21 độ, nhiệt độ thấp nhất từ 15-17 độ, khu vực đồng bằng chuyển lạnh với nhiệt độ cao nhất từ 22-24 độ, nhiệt độ thấp nhất 19-21 độ.
Trước khi đón không khí lạnh, từ nay đến cuối tuần, các tỉnh miền Bắc duy trì thời tiết hửng nắng, ít mưa, trời se lạnh vào đêm và sáng.
Bắc Ninh: Cấp nước ổn định, chất lượng cho người dân nông thôn
Với mục tiêu cấp nước phục vụ sinh hoạt ổn định, bảo đảm chất lượng cho người dân, thời gian qua, nhà máy nước sạch tập trung xã Phú Hoà (huyện Lương Tài) thuộc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bắc Ninh nỗ lực vận hành, kiểm tra khắc phục kịp thời các sự cố, tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật.
Được đầu tư xây dựng từ năm 2013, khánh thành đưa vào sử dụng từ năm 2015 từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB), nhà máy nước sạch Phú Hoà hiện đạt công suất thiết kế 4.300 m3/ngày, đêm, bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân ở 3 xã: Phú Hoà, Trung Chính, Phú Lương (Lương Tài). Theo ông Đỗ Văn Quý, Trạm trưởng Trạm nước sạch Phú Hoà: Nguồn nước cung cấp đến người dân được xử lý qua 5 giai đoạn: Nước thô lấy từ sông dẫn vào thiết bị xử lý thông qua hệ thống đường ống; Nước vào xử lý được kiểm soát độ PH, độ đục làm cơ sở để châm thêm các hóa chất hỗ trợ quá trình lắng-lọc đạt kết quả tốt nhất, các hóa chất bao gồm: Hóa chất điều chỉnh PH (SODA), hóa chất keo tụ (PAC) và hóa chất trợ keo tụ (PAM) được hệ thống bơm định lượng châm vào nước thô thông qua thiết bị hòa trộn tĩnh; Nước thô đã hòa trộn đầy đủ các loại hóa chất được phân phối theo các ống nhánh vào ngăn phản ứng của 5 modul lắng-lọc, bể lắng Lamella; Tại thiết bị lọc trọng lực, các chất rắn còn lại trong nước được lớp vật liệu lọc giữ lại, nước đi qua lớp vật liệu lọc trở thành nước sạch, được châm Clo, Javel khử trùng và đi vào bể chứa nước sạch cung cấp cho mạng lưới sử dụng thông qua hệ thống trạm bơm cấp 2.
Hàng tháng, nguồn nước do nhà máy cung cấp được kiểm tra, đánh giá 8 chỉ số tại Phòng Tuyên truyền-Xét nghiệm, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, 6 tháng 1 lần được kiểm tra, đánh giá 54 chỉ số tại Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh. Kết quả xét nghiệm các chỉ số: Mầu sắc, độ đục, độ PH, độ cứng, hàm lượng Fe, MN, Asen, NH4, tồn dư Clo, Coliform tổng số… mẫu nước của Nhà máy đều trong giới hạn cho phép theo QCVN01: 2018/BYT của Bộ Y tế nên người dân có thể hoàn toàn yên tâm chất lượng nguồn nước do Nhà máy cung cấp. Với số lượng cán bộ, công nhân viên gồm 18 người, trong đó 5 cán bộ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra, khắc phục kịp thời các sự cố hư hỏng đường ống, góp phần giảm thiểu tỷ lệ thất thoát, tránh ảnh hưởng chất lượng nguồn nước cấp đến người sử dụng.
Đến nay, có 6.500 hộ dân, đạt tỷ lệ 85% số hộ thuộc địa bàn 3 xã: Phú Hoà, Trung Chính, Phú Lương đăng ký lắp đặt, sử dụng nguồn nước do nhà máy cung cấp. Nhà máy nước sạch Phú Hoà cơ bản phát huy hết công suất thiết kế, tuy nhiên mới chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của 85% số hộ dân trên địa bàn 3 xã. Trong khi đó nhu cầu đăng ký lắp đặt, sử dụng nước sạch của người dân tăng thêm, công suất hiện tại sẽ rất khó đáp ứng đủ, vì vậy yêu cầu mở rộng, nâng công suất nhà máy là nhiệm vụ cấp thiết trong thời gian tới. Được biết, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình bảo đảm an ninh nguồn nước thô của các trạm cấp nước sạch do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý.
Theo đó, trong thời gian từ nay đến hết năm 2025, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn được giao nhiệm vụ đầu tư nâng cấp, mở rộng một số hạng mục tại các trạm nước sạch trong đó có trạm nước sạch Phú Hòa. Dự án được triển khai sẽ góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng nước sạch cho người dân thuộc địa bàn các xã do nhà máy đảm nhiệm.
Sạt lở nghiêm trọng sau mưa lũ tại Hà Tĩnh
Sau đợt mưa lớn vừa qua đã xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng tại sông Ngàn Trươi, đoạn qua xã Thọ Quang, huyện Vũ Quang, gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân.
Trận lũ đầu tháng 11 vừa qua, dọc bờ sông Ngàn Trươi ở xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang xuất hiện nhiều điểm sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở. Riêng tại địa bàn thôn 5 và thôn 6 một số điểm sạt lở nghiêm trọng đã ăn sâu vào nhà dân, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất lớn.
Điểm sạt lở dài khoảng 5m, sâu từ 5-8m, rất nhiều đất đá sát tường nhà đã bị cuốn trôi xuống sông. Không chỉ vậy, sát tường còn xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài và chưa có dấu hiệu dừng lại. Trên thực tế, giải pháp đóng cọc tre chống sạt lở mới chỉ là khắc phục tạm thời, về lâu dài người dân vẫn chưa thể yên tâm và tin tưởng vào giải pháp này.
Sạt lở đất ven sông gây lo lắng, bất an cho người dân. Bởi hầu hết các điểm đã sạt lở đều nằm ở vị trí xung yếu, việc trồng tre, trồng cây chống sạt lở vẫn chưa thể ngăn chặn đất đá bị sạt lở khi nước lũ dâng cao, chảy xiết. Đó là chưa kể đến thói quen sinh hoạt, quỹ đất ở chật hẹp nên rất nhiều hộ dân đã xây dựng nhà sát bờ sông, dẫn đến nguy cơ sạt lở khó lường.
Sạt lở đất không chỉ xảy ra ở bờ sông Ngàn Trươi, hiện nay dọc bờ sông Ngàn Sâu (huyện Hương Khê và Vũ Quang), sông Minh (thị xã Hồng Lĩnh), sông Ngàn Mọ (huyện Cẩm Xuyên)…đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở khá nghiêm trọng.
Trong đó, tại bờ sông Minh sát Đền Cả gần cống Trung Lương (thị xã Hồng Lĩnh) điểm sạt lở dài khoảng 60m, sâu 5m, cuốn trôi rất nhiều cây cối và khoảng 2.000m3 đất đá xuống sông. Tại bờ sông Ngàn Mọ, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên điểm sạt lở dài khoảng 250m, gây nhiều thiệt hại rất lớn đến tài sản, đất sản xuất của người dân.
Gia Lai: Ra mắt mô hình “Tổ tự quản bảo vệ môi trường” tại làng Chưp
Mới đây, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai đã phối hợp với Hội LHPN xã Lơ Pang tổ chức buổi phát động tuyên truyền về bảo vệ môi trường, hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn và ra mắt mô hình “Tổ tự quản bảo vệ môi trường” tại làng Chưp (xã Lơ Pang).
Tại buổi phát động, phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã kêu gọi hệ thống chính trị, cán bộ, hội viên phụ nữ làng Chưp chấp hành tốt các quy định về bảo vệ môi trường, đặc biệt là có ý thức thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần; thực hiện chăn nuôi hợp vệ sinh; sắp xếp nhà cửa ngăn nắp, sạch sẽ; thực hiện xây dựng nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh; tích cực tham gia các hoạt động dọn dẹp vệ sinh khu vực công cộng… Qua đó, góp phần gìn giữ vệ sinh môi trường trên địa bàn sạch sẽ, đóng góp vào kết quả thực hiện phong trào chống rác thải nhựa và tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới gắn với Cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”.
Dịp này, Phòng Tài nguyên và Môi trường cũng đã phối hợp với UBND xã, Hội LHPN xã ra mắt mô hình “Tổ tự quản bảo vệ môi trường” tại làng Chưp (xã Lơ Pang). Tổ tự quản có 7 thành viên, hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, có nhiệm vụ kiểm tra, phổ biến, theo dõi, đôn đốc hộ gia đình, cá nhân thực hiện quy định về giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường trong làng; thường xuyên tổ chức các hoạt động thu gom, tập kết và xử lý chất thải, vệ sinh đường làng, ngõ xóm; tổ chức thực hiện nội dung bảo vệ môi trường trong hương ước, quy ước của làng; tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục, thói quen mất vệ sinh, có hại cho môi trường.
Đồng thời, Phòng Tài nguyên và Môi trường cũng đã tặng cho Tổ tự quản 10 sọt rác lớn, 20 chổi, 8 rựa, 10 hốt rác và 50 sọt rác nhỏ cho 50 hộ gia đình để phục vụ cho việc thu gom, phân loại, xử lý rác thải gia đình và đường làng, ngõ xóm, tạo cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp.
Việt Nam nêu bật vai trò của ICJ trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu
Chủ tịch ICJ, Thẩm phán Joan Donoghue cho biết trong năm nay, tòa án này đã ban hành 4 bản án, 20 lệnh về thủ tục và xem xét 2 yêu cầu cho ý kiến tư vấn.
ICJ đang thụ lý gần 20 vụ việc liên quan đến nhiều lĩnh vực luật pháp quốc tế như phân định biển, biên giới lãnh thổ, quan hệ ngoại giao, nhân quyền, môi trường…
Ngoài ra, ICJ cũng tiếp tục rà soát thủ tục và phương pháp làm việc, ghi nhận việc ban hành một số sửa đổi có lồng ghép vấn đề giới tính vào nội quy của tòa.
Đại diện của gần 100 quốc gia đã tham gia phát biểu tại phiên họp. Hầu hết các phát biểu đều đánh giá cao đóng góp của ICJ đối với hòa bình, an ninh quốc tế, góp phần giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia và đưa ra ý kiến tư vấn về khía cạnh pháp lý của nhiều vấn đề được quốc tế quan tâm, gần đây nhất là việc yêu cầu ICJ đưa ra ý kiến tư vấn liên quan đến việc lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng và vấn đề biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại cuộc họp, Tham tán Công sứ Lê Thị Minh Thoa, Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, khẳng định sự đa đạng của các vấn đề đang được ICJ xem là minh chứng rõ ràng cho tính phổ quát và thẩm quyền chung của tòa.
Củng cố luật pháp quốc tế là nền tảng quan trọng cho việc cùng tồn tại hòa bình giữa các quốc gia. Để đạt được mục tiêu này, các quốc gia có nghĩa vụ tuân thủ các nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế và thực hiện nghiêm túc quyết định, bản án của các cơ quan tài phán quốc tế.
Đại diện Việt Nam cũng nhấn mạnh một chức năng cốt lõi khác của ICJ là cung cấp ý kiến tư vấn theo quy định của Hiến chương Liên hợp quốc nhằm làm sáng tỏ các khía cạnh pháp lý liên quan đến các vấn đề lớn được cộng đồng quốc tế quan tâm, trong đó có vấn đề biến đổi khí hậu.
Việt Nam cho rằng các tiến trình này có thể tạo ra tác động sâu sắc đến cách giải thích các nghĩa vụ môi trường theo luật pháp quốc tế.
Cụ thể, ICJ cần làm rõ nguyên tắc “trách nhiệm chung, nhưng khác biệt” cũng như nghĩa vụ hợp tác, bao gồm cả việc thông qua chuyển giao công nghệ xanh và trách nhiệm trong trường hợp vi phạm các nghĩa vụ đó.
Đại diện Việt Nam nhấn mạnh ý kiến tư vấn của ICJ sẽ góp phần củng cố những nỗ lực chung nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.
Vào ngày 29/3, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua bằng đồng thuận nghị quyết yêu cầu ICJ đưa ra ý kiến tư vấn về trách nhiệm của quốc gia đối với vấn đề biến đổi khí hậu. Nghị quyết được đệ trình theo sáng kiến của Vanuatu và Nhóm nòng cốt gồm 18 nước, trong đó có Việt Nam.
Nhóm mong muốn tận dụng vai trò của ICJ để làm rõ nghĩa vụ của các quốc gia trong việc gây ra những hệ quả tiêu cực do biến đổi khí hậu đối với nhiều nước, nhất là các nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
T.Anh (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị