Bình Dương điều chỉnh kế hoạch đầu tư công, bố trí vốn cho 23 dự án quá thời gian

(Xây dựng) – HĐND tỉnh Bình Dương vừa ban hành Nghị quyết số 36 về điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2023 vốn ngân sách địa phương (lần 2). Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh Bình Dương khóa X, Kỳ họp thứ 12 (chuyên đề) thông qua ngày 31/10/2023 và có hiệu lực kể từ ngày 01/11/2023; thay thế Nghị quyết số 40 ngày 12/12/2022 và Nghị quyết số 07 ngày 19/5/2023.

Bình Dương điều chỉnh kế hoạch đầu tư công, bố trí vốn cho 23 dự án quá thời gian
Bình Dương điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2023, bố trí vốn cho 23 dự án quá thời gian bố trí vốn theo quy định.

Theo đó, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2023 vốn ngân sách địa phương (lần 2) là 18.675 tỷ 439 triệu đồng. Trong đó: Vốn đầu tư xây dựng cơ bản vốn tập trung trong nước 4.563 tỷ 593 triệu đồng; vốn từ nguồn tiền sử dụng đất 3.500 tỷ đồng; vốn từ nguồn thu xổ số kiến thiết 1.670 tỷ đồng; vốn từ nguồn tiền sử dụng đất năm 2022 là 1.818 tỷ đồng; vốn từ nguồn thu xổ số kiến thiết năm 2022 là 100 tỷ đồng; vốn từ nguồn vốn bội chi ngân sách địa phương (vốn vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ) 306 tỷ 800 triệu đồng; vốn từ nguồn thu đấu giá quyền sử dụng đất: 6.717 tỷ 46 triệu đồng.

Đồng thời, cho phép tiếp tục bố trí vốn trong Kế hoạch đầu tư công năm 2023 cho 23 dự án quá thời gian bố trí vốn theo quy định tại khoản 2 Điều 52 Luật Đầu tư công với tổng số vốn bố trí 385 tỷ 912 triệu đồng.

Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cho biết: Tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 tỉnh Bình Dương được Thủ tướng Chính phủ giao là 12.182 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương 3.142 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 9.040 tỷ đồng. Đối với vốn ngân sách Trung ương, UBND tỉnh đã phân bổ 3.142 tỷ đồng, đạt 99,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đối với vốn ngân sách địa phương, UBND tỉnh đã phân bổ 18.675 tỷ đồng tại, tăng 9.635 tỷ đồng so với kế hoạch đầu tư được Thủ tướng Chính phủ giao.

Kế hoạch vốn năm 2023 là 21.817 tỷ đồng, giá trị giải ngân đến nay là 12.127 tỷ đồng, đạt 55,6% kế hoạch, ước tỷ lệ giải ngân cả năm đạt 92,4% kế hoạch. Tổng kế hoạch vốn năm 2023 của các công trình, dự án trọng điểm là 14.482 tỷ đồng, giá trị giải ngân đến nay là 8.310 tỷ đồng, đạt 57,4% kế hoạch, ước giải ngân cả năm đạt 91,2% kế hoạch.

Tổng kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023 là 520 tỷ 968 triệu đồng, giá trị giải ngân đến nay là 478 tỷ đồng, đạt 91,9%, ước giải ngân cả năm đạt 99,7%.

Bình Dương điều chỉnh kế hoạch đầu tư công, bố trí vốn cho 23 dự án quá thời gian
Dự án mở rộng Quốc lộ 13 nối Thành phố Hồ Chí Minh – Bình Dương là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Bình Dương.

So với cùng kỳ năm 2022, giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 cao hơn về cả số tuyệt đối (gấp 3,17 lần) và số tương đối (cùng kỳ đạt 43,6%). Đây cũng là giá trị giải ngân vốn đầu tư công cao nhất trong 10 tháng từ trước đến nay.

Tiến độ các công trình, dự án trọng điểm được quan tâm đôn đốc, đẩy mạnh thực hiện; đã khởi công một số đoạn thuộc dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Bình Dương – dự án quan trọng quốc gia, tạo khí thế và động lực cho công tác thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh.

Một số vướng mắc chính ảnh hưởng đến giải ngân vốn đầu tư công kéo dài trong nhiều năm qua đến nay đã cơ bản được tháo gỡ. UBND tỉnh đã ban hành, sửa đổi các quy định về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn tỉnh; cho chủ trương thống nhất nguồn vốn thực hiện di dời công trình hạ tầng kỹ thuật để bàn giao mặt bằng thi công cho các dự án.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh ghi nhận những nỗ lực của các Sở, ngành, địa phương trong công tác giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua, đặc biệt những đơn vị, địa phương có khối lượng giải ngân lớn.

Xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, trong 3 tháng cuối năm, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các Sở, ngành địa phương cần tập trung phấn đấu đạt chỉ tiêu HĐND tỉnh giao về kế hoạch đầu tư công và giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các địa phương trong chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng.

Các Sở, ngành, theo chức năng nhiệm vụ của mình ưu tiên, tập trung nguồn lực cho công tác đầu tư công, rút ngắn thời gian thẩm định, trình phê duyệt; tăng cường phối hợp với chủ đầu tư, UBND cấp huyện để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; trường hợp vượt thẩm quyền phải kịp thời báo cáo, đề xuất cấp thẩm quyền xem xét giải quyết.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích