Địa kỹ thuật Mặt Trời có ngăn được tình trạng nóng lên toàn cầu không?
Địa kỹ thuật Mặt Trời có ngăn được tình trạng nóng lên toàn cầu không?
Có rất nhiều cuộc tranh luận về hiệu quả của phương pháp quản lý bức xạ Mặt Trời trong việc hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu, những người phản đối cho rằng đây có thể là “trò chơi nguy hiểm”.
Theo hãng tin Reuters, trong lúc thế giới vật lộn để từ bỏ việc đốt nhiên liệu hóa thạch, các nhà khoa học đang nghiên cứu xem liệu địa kỹ thuật khí quyển có thể giúp hạn chế tình trạng [Trái Đất] nóng lên và ngăn chặn thảm họa khí hậu hay không.
Một phương pháp tiềm năng – quản lý bức xạ Mặt Trời (SRM) – tìm cách phản xạ các tia Mặt Trời trở lại không gian, với đề xuất nổi tiếng nhất là phun sulfur dioxide (SO2) – một chất làm mát – vào vùng cao hơn của khí quyển.
Có rất nhiều cuộc tranh luận về hiệu quả của phương pháp này – Mỹ, Châu Âu và một số nhóm môi trường đã lên tiếng về những cơ hội và rủi ro. Hiện tại, các cuộc thảo luận chủ yếu mang tính lý thuyết và chỉ có một số dự án quy mô nhỏ đang được triển khai.
Công nghệ đang ở giai đoạn nào?
Ý tưởng bơm SO2 vào khí quyển không phải là mới.
Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ đã đề xuất ý tưởng này ngay từ năm 1992, trong khi các nhà khoa học đã ghi nhận rằng các vụ phun trào núi lửa phun ra một lượng lớn SO2 vào không khí, có tác dụng làm mát hành tinh.
Những nỗ lực nhằm loại bỏ SO2 như một chất gây ô nhiễm không khí có hại ở Trung Quốc và các nơi khác trong thập kỷ qua đã làm giảm tác dụng làm mát và sức nóng “lộ rõ” do khí nhà kính gây ra, từ đó góp phần làm tăng nhiệt độ toàn cầu.
Công ty khởi nghiệp Make Sunsets có trụ sở tại Mỹ, một trong số ít liên doanh thương mại tham gia vào lĩnh vực này, đã thả hai quả khí cầu thời tiết có chứa SO2 ở Mexico vào năm ngoái, khiến Chính phủ Mexico phải cấm hoạt động này vào tháng Một.
Người sáng lập công ty Luke Iseman nói với Reuters rằng việc bắt đầu các dự án ở Mỹ “đơn giản” hơn.
Nhưng ngoài Make Sunsets, cho đến nay chỉ có một số ít dự án nghiên cứu khác được thực hiện, bao gồm cả việc thả khinh khí cầu thời tiết tầm cao ở Đông Nam nước Anh vào năm 2022 để kiểm tra khả năng tồn tại của thiết bị phun khí dung.
Một số dự án khác đã bị hủy bỏ do sự phản đối của công chúng, bao gồm dự án liên doanh giữa Đại học Harvard và Tập đoàn Vũ trụ Thụy Điển vào năm 2021.
Nghiên cứu đã được tiến hành về các công nghệ SRM ít nguy hiểm hơn, bao gồm cả việc làm sáng đám mây biển, liên quan đến việc phun nước biển từ tàu biển làm cho các đám mây phản chiếu ánh sáng nhiều hơn.
Mặc dù các phương pháp này ít xâm lấn hơn và ít có khả năng gây hại hơn so với phun khí dung vào tầng bình lưu, nhưng chúng có thể đắt đỏ hơn và tiêu tốn nhiều năng lượng hơn – Benjamin Sovacool, Giáo sư Trái đất và Môi trường tại Đại học Boston, người đã nghiên cứu khả năng triển khai các phương pháp này tại Rạn San hô Great Barrier, cho biết.
Những người phản đối SRM lo ngại điều gì?
Theo Reuters, hàng chục nhà khoa học đang kêu gọi “đánh giá quốc tế toàn diện ” về việc sử dụng SRM để hiểu những rủi ro liên quan và các quy định có thể cần thiết để triển khai công nghệ nói trên trên quy mô rộng hơn.
Trong một bức thư công bố vào tháng Hai, họ cho rằng khó có thể giảm hoặc loại bỏ lượng khí thải carbon đủ nhanh để giữ nhiệt độ tăng dưới 2 độ C, và có thể thực hiện các biện pháp can thiệp SRM khi cần thiết để ngăn chặn các điểm tới hạn của khí hậu.
Những người phản đối phương pháp này nói rằng mặc dù việc phun khí dung sunfat có thể làm mát hành tinh, nhưng các tác dụng phụ thậm chí còn có sức tàn phá khủng khiếp hơn.
Một nhóm gồm 60 nhà khoa học đã đưa ra một sáng kiến toàn cầu vào năm ngoái nhằm thuyết phục các Chính phủ cấm việc thực hiện các thí nghiệm địa kỹ thuật năng lượng Mặt Trời ở ngoài trời.
Nhóm cảnh báo rằng rủi ro của SRM là quá lớn và nó có thể ảnh hưởng đến các hình thái thời tiết, nông nghiệp và “việc cung cấp các nhu cầu cơ bản về thực phẩm và nước uống.”
Các nhà phê bình chỉ ra các mô hình cho thấy SRM có thể làm gián đoạn gió mùa và gây ra hạn hán ở châu Phi và châu Á. Những người khác cho rằng nó cũng có thể làm chậm quá trình phục hồi của tầng ozone hoặc dẫn đến lượng mưa axit tăng đột biến một cách nguy hiểm.
Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cảnh báo trong một báo cáo công bố năm nay rằng công nghệ này thậm chí có thể được sử dụng làm vũ khí và tạo ra các mối đe dọa an ninh và địa chính trị mới.
Những người phản đối cũng lo ngại công nghệ này có thể là cái cớ để trì hoãn việc chuyển hướng sang mức phát thải khí nhà kính bằng 0.
Điều quan trọng là ngay cả khi các biện pháp can thiệp SRM giúp giảm nhiệt độ thành công, chúng sẽ không khắc phục được các hậu quả khác của việc tăng nồng độ CO2, như axit hóa đại dương.
Andrea Hinwood, nhà khoa học trưởng của UNEP cho biết: “Điều quan trọng là mọi người phải hiểu rằng công nghệ SRM… không giải quyết được khủng hoảng khí hậu vì chúng không làm giảm phát thải khí nhà kính cũng như không đảo ngược tác động của biến đổi khí hậu.”
Tác động của nó cũng sẽ chỉ mang tính ngắn hạn, làm tăng khả năng các quốc gia sẽ buộc phải triển khai SRM trong nhiều thế kỷ.
“Một khi bạn đã cam kết, bạn phải tiếp tục thực hiện nó. Nếu bạn dừng lại, bạn sẽ thấy tất cả sự nóng lên mà bạn đã ‘bỏ lỡ,’ về cơ bản là chỉ sau một đêm theo thang thời gian khí hậu. Vì thế, đây là một trò chơi nguy hiểm” – Laura Wilcox, chuyên gia về khí hậu tại Đại học Exeter của Anh, cho hay./.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị