Hệ thống mô phỏng lái máy bay của Viettel được phân phối tại Indonesia

Ngày 07/11/2023, trong khuôn khổ Triển lãm Quốc phòng và An ninh 2023 (Defense & Security 2023) diễn ra tại Bangkok (Thái Lan), Tông công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (Viettel High Tech) và Công ty PT. Bandara Praniagatama (Indonesia) đã ký kết Thỏa thuận về phân phối sản phẩm Hệ thống mô phỏng huấn luyện kíp chỉ huy bay và buồng lái máy bay của Viettel tại thị trường Indonesia.

 Đại diện hai doanh nghiệp ký kết Thỏa thuận về phân phối sản phẩm Hệ thống mô phỏng huấn luyện kíp chỉ huy bay và buồng lái máy bay của Viettel tại thị trường Indonesia.

Theo Thỏa thuận được ký kết, PT. Bandara Praniagatama sẽ là nhà phân phối độc quyền sản phẩm Mô phỏng huấn luyện kíp chỉ huy bay và buồng lái máy bay của Viettel tại thị trường Indonesia trong vòng hai năm, cũng như các thị trường quốc tế khác mà PT. Bandara Praniagatama đang cung cấp dịch vụ. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc phát triển thị trường xuất khẩu sản phẩm mô phỏng lái máy bay của Viettel, dự kiến sẽ mang đến nguồn doanh thu hàng chục triệu đô la.

PT. Bandara Praniagatama là công ty về đào tạo huấn luyện phi công hàng đầu tại Indonesia, là công ty được Bộ Quốc Phòng, Quân đội Indonesia chỉ định tìm kiếm cơ hội cho hợp tác, huấn luyện đào tạo lực lượng không quân tại nước này. Đồng thời, công ty có nhiều kinh nghiệm hợp tác với các đối tác quốc tế lớn như Không quân Hoàng gia Malaysia, Không quân Cộng hòa Singapore, CAE, Lockheed Martin, Lion Air, Merpati Airlines…

Trong khi đó, Viettel là đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ mô phỏng trong huấn luyện quân sự tại Việt Nam. Hệ thống mô phỏng huấn luyện kíp chỉ huy bay và buồng lái máy bay Viettel đáp ứng đầy đủ các yêu cầu huấn luyện của Quân đội nhân dân Việt Nam và quân đội các nước. Viettel đã làm chủ 100% toàn bộ các khâu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và các công nghệ lõi. Với thỏa thuận này, Viettel kỳ vọng sẽ xuất khẩu sản phẩm mô phỏng lái máy bay sang thị trường Indonesia và các thị trường tiềm năng khác trong khu vực.

 Hệ thống mô phỏng kíp chỉ huy bay và phi công SU30-MK2 (MP SU30-MK2) của Viettel.

Ông Nguyễn Vũ Hà- Tổng Giám đốc TCT Công nghiệp Công nghệ cao Viettel, cho biết: “Hệ thống made in Việt Nam do đội ngũ chuyên gia Viettel làm chủ công nghệ lõi, từ đó Viettel có khả năng sẵn sàng thay đổi và đáp ứng bất cứ yêu cầu nào từ phía người sử dụng trong khoảng thời gian nhanh nhất mà không phụ thuộc vào bất cứ đối tác nào. Điều này sẽ giúp cho quá trình huấn luyện của các lực lượng Không quân được liên tục, đảm bảo an toàn cho phi công, nâng cao được tính sẵn sàng chiến đấu của lực lượng Không quân Indonesia”. 

Sự hợp tác của chúng tôi với Viettel, một công ty công nghệ cao hàng đầu tại Việt Nam, sẽ giúp chúng tôi đáp ứng đầy đủ nhu cầu của thị trường Indonesia trong lĩnh vực đào tạo và thiết bị hệ thống mô phỏng. Chúng tôi nhìn thấy nhiều tiềm năng và rất kỳ vọng vào những phát kiến mới của Viettel trong tương lai. Ngày nay, Indonesia và các nước trong khu vực đều rất chú trọng đến việc thấu hiểu tình hình nội tại của chính đất nước mình, vì vậy Viettel sẽ có cơ hội rất lớn để đáp ứng nhu cầu đó. Viettel cũng có thể cạnh tranh với các công ty lớn nhờ chính năng lực sản xuất vượt trội mà các bạn đã đạt được”- bà Rengga Dina Permana- Tổng Giám đốc PT. Bandara Praniagatama nhận định.

Hệ thống mô phỏng huấn luyện lái máy bay của Viettel có nhiều điểm ưu việt, sẵn sàng cho kinh doanh tại thị trường quốc tế. Cụ thể, hệ thống bảo đảm huấn luyện phi công trong mọi điều kiện thời tiết, địa hình từ giản đơn đến phức tạp, luyện tập bất kể ngày, đêm. Thứ hai, hệ thống này hoạt động tốt và hiệu quả về kinh tế. So với huấn luyện trên hệ thống máy bay thật, hệ thống này giảm chi phí hàng trăm lần, giảm số lượng con người vận hành hàng chục lần. Thứ ba, bảo đảm yếu tố chiến kỹ thuật cho phi công, đặc biệt là mô phỏng bom đạn thật.

Ngoài ra, hệ thống cũng huấn luyện cho phi công xử lý thành thạo bất trắc trong khi bay, những điều này vốn không thể thực hiện trong điều kiện thực do liên quan đến an toàn bay. Đồng thời, hệ thống có thể kết nối với hệ thống mô phỏng huấn luyện kíp chỉ huy bay để cho phép huấn luyện cả lực lượng trên không (phi công), lực lượng mặt đất (chỉ huy bay, kíp dẫn đường) cùng lúc trong cùng một kịch bản.

Lê Kim Liên

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích