Núi Mằn – Núi Bài Thơ song sinh huyền thoại
(Xây dựng) – Thành phố Hạ Long được trong nước và quốc tế biết đến như một vùng đất bán sơn địa – ven biển phong cảnh đẹp, ôm trọn một thạch lâm trên nước với 1.969 hòn đảo muôn hình vạn trạng. Hòn cặp gà là biểu trưng cho vịnh Hạ Long, nhưng cặp núi song sinh ở thành phố Hạ Long trầm tích văn hóa thì còn ít người biết.
Núi Bài Thơ và núi Mằn Sơn, truyền tục là cặp núi song sinh, nom địa mạo khá giống nhau. Theo các nhà khoa học, 2 quả núi cùng hình thành một thời điểm trong thời kỳ địa chất thứ II. |
Đó là, núi Bài Thơ và núi Mằn Sơn. Núi Bài Thơ nằm ở hai phường Bạch Đằng và Hồng Gai, núi Mằn Sơn ở xã Thống Nhất. Quả núi này ở bờ Bắc, quả kia ở bờ Nam vịnh Cửa Lục, cách nhau 12,6km. Hai núi có nét chung, cùng là núi đá vôi to cao và biệt lập với các dãy núi đá lân cận; có địa mạo, khoáng chất, thảm thực vật khá giống nhau. Theo các nhà khoa học, 2 quả núi này cùng sinh ra một thời điểm trong thời kỳ địa chất thứ II.
Tục truyền, thủa hồng hoang Ngọc Hoàng sai thiên thần vá những mụn rách giữa trời và đất. Thiên thần gánh đá vá trời thân thể to lớn, người trần gọi là ông khổng lồ. Một hôm, ông khổng lồ khi đổi vai bị đứt gánh, một quẩy rơi xuống rìa biển nay gọi là núi Bài Thơ, còn quẩy kia rơi xuống bìa rừng dưới chân dãy núi Thiên Sơn “ngũ hổ tọa sơn” vùng Đông Bắc bộ (5 quả núi cao trên 1.000m của cánh cung Đông Triều) nay gọi là núi Mằn.
Cặp núi song sinh, có mối quan hệ không tách rời với dấu chân ông khổng lồ để lại mặt đất. Tục truyền, vịnh Cửa Lục sâu 17m, diện tích mặt nước 18km2, vùng thủy diện ở giữa núi Bài Thơ và núi Mằn là dấu chân ông khổng lồ. Thôn Xích Thổ, xã Thống Nhất giáp mép nước bờ Bắc vịnh Cửa Lục, ngày nay người địa phương vẫn lưu truyền ở đây có 2 dấu chân ông khổng lồ trên đồi thông, gọi là núi ông khổng lồ và vết chân ông khổng lồ. Khoảng đất trũng hình bàn chân người ở đây rộng khoảng 1 sào, thời bao cấp dân trồng cấy ở đấy thì gọi là ruộng ông khổng lồ.
Núi Bài Thơ
Núi Bài Thơ nằm ở trung tâm đô thị thành phố Hạ Long. Năm 1992, được xếp hạng Di tích lịch sử danh thắng cấp quốc gia. |
Núi Bài Thơ cao 198,2m, diện tích đáy 22,9ha, tích cũ là núi Truyền Ðăng. Ngày trước, ngư dân và thương thuyền gọi đèn biển là Truyền Đăng nay là Hải Đăng, ngọn đèn báo hiệu cho thuyền bè giao thông trên vùng biển Đông Bắc bộ. Năm 1468, vua Lê Thánh Tông tuần du thủy binh trên vùng biển An Bang, đến chân núi Truyền Ðăng một vùng biển lặng sóng, lục thủy, nổi lên một danh sơn cao lớn biệt lập, cảnh trí ngoạn mục. Nhà vua tức cảnh thành thơ và cho người khắc tạc vào vách núi. Tiếp đó, còn có 11 bài thơ của quan đại thần các triều đại phong kiến sau này và tao nhân, mặc khách cũng tạc thơ trên vách núi Truyền Đăng. Núi có nhiều bài thơ, lớn nhất là thơ của vua Lê Thánh Tông thì dân địa phương quen gọi là núi Đề Thơ, sau dần gọi là núi Bài Thơ.
Bài thơ của vua Lê Thánh Tông với 56 chữ Hán, tạc vào vách đá cách mực nước triều khoảng 6m. |
Bài thơ của vua Lê Thánh Tông tạc vào sườn núi ở phía Nam và là bài thơ có niên đại lâu nhất, có giá trị văn hóa lịch sử nhất. Bài thơ với 56 chữ Hán, được khắc vào vách đá khoét trũng hình chữ nhật, trên cao cách mực nước triều khoảng 6m.
Sau vua Lê Thánh Tông, nhiều thi nhân tạc thơ vào núi Truyền Đăng. Bài thơ của An Ðô Vương Trịnh Cương khắc năm 1729, họa lại bài thơ của vua Lê Thánh Tông. Năm 1910, quan Tuần phủ Quảng Yên Nguyễn Cẩn khắc một bài; cùng năm anh em quan án sát Vũ Tuân và Vũ Ðại mỗi người khắc hai bài, vợ Vũ Ðại là bà Ðào Thị Thoa có một bài thơ bằng chữ quốc ngữ. Năm 1929, quan Hồng Lô Tự Khanh, Nguyễn Văn Bân khắc một bài; năm 1935, quan Tuần Phủ tỉnh Quảng Yên, Nguyễn Văn Đào khắc một bài thơ. Trên núi Truyền Đăng còn hai bài thơ nữa khắc vào đá khoảng những năm 40 của thế kỷ XX. Lời tựa và nội dung của các bài thơ chủ yếu về cảnh đẹp thiên nhiên, hào khí thời Trần, thịnh trị thời Lê.
Núi Bài Thơ còn là một di tích lịch sử ghi dấu những mốc son của quân và dân thành phố Hạ Long trong thời kỳ đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đêm 30/4/1930, người thợ mỏ yêu nước Ðào Văn Tuất đã leo lên núi Bài Thơ treo lá cờ Ðảng ở mỏm Mỏ Quạ. Sáng 1/5/1930, lá cờ đỏ búa liềm tung bay trên núi Bài Thơ giữa thanh thiên bạch nhật, khẳng định tinh thần đấu tranh cách mạng của thợ mỏ vùng than, khiến thực dân Pháp khi ấy vô cùng hoảng sợ.
Di tích hang số 6, hiện Đoàn Thanh niên phường Hồng Gai đảm nhiệm quản lý. |
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, núi Bài Thơ cũng ghi nhiều dấu ấn lịch sử. Khi quân Mỹ không kích lần thứ I, trên mỏm Mỏ Quạ đặt chiếc loa phóng thanh chuyển từ cụm loa công suất lớn ở bờ Bắc cầu Hiền Lương – vĩ tuyến 17 về để phát hiệu lệnh phòng không và một đài quan sát máy bay địch từ xa. Các hang động trong lòng núi rộng hẹp khác nhau, được gọi từ hang số 1 đến hang số 6. Khi chiến sự các hang động trong núi được sử dụng để ẩn tránh bom đạn, trạm thông tin bưu điện, đài truyền thanh… Hang số 6 rộng, chứa cả khoa cấp cứu bệnh viện tỉnh.
Lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn được phục dựng lại và được tổ chức vào dịp 29 và 30/4 gắn với Tuần lễ Du lịch Hạ Long hằng năm. |
Trên núi có nhiều loài thực vật, trong đó một số loài hoa dáng đẹp như phong lan, si đá, thanh trúc và vẫn còn khỉ vàng hoang dã sinh sống. Dưới chân núi Bài Thơ ở phía Bắc có chùa Long Tiên, ngôi chùa lớn nhất và đẹp nhất của thành phố Hạ Long; chân núi phía Tây có ngôi đền linh thiêng thờ Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn. Cụm di tích núi Bài Thơ – chùa Long Tiên được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử danh thắng cấp quốc gia năm 1992.
Núi Mằn
Núi Mằn ở thôn Đá Trắng, xã Thống Nhất. |
Núi Mằn cao 381,8m, diện tích đáy 383ha, nằm giữa hai nhánh suối là suối Đá Trắng và suối Lưỡng Kỳ hợp lưu đổ ra vịnh Cửa Lục. Núi Mằn xưa còn có tên gọi là núi Bân, một ngọn núi đẹp và điển hình cho hệ thống núi đá vôi trên cạn của thành phố Hạ Long.
Cổ tích, sấm trạng lưu danh “Mằn sơn án hải, vạn đại Đế Vương”. Theo Đồng Khánh dư địa chí trang 406, Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn năm 1886-1888, đất Hoành Bồ nay là thành phố Hạ Long thời bấy giờ có nhiều núi đá đẹp như: Núi Bân, núi Truyền Đăng, núi Hạp, núi Phượng Các… Nhưng chỉ có hai ngọn núi nổi tiếng được xếp hạng Danh Sơn thời đó là núi Mằn và núi Truyền Đăng. Các sử gia bảo, núi Mằn từng là đại bản doanh của quân đội nhà Lý trong cuộc kháng chiến chống Tống triều thế kỷ XI. Đến triều Trần, trong hai lần kháng chiến chống giặc Nguyên – Mông (1285, 1288), núi Mằn được Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn chọn làm đại bản doanh dự bị chiến lược của đạo thủy binh. Sau chiến thắng trận Bạch Đằng năm 1288, vua Trần Thánh Tông hội quân tại núi Mằn, lập đàn tế trời cáo thần. Núi Mằn huyệt đạo sơn hà, vùng Đông Bắc bộ, nơi vượng khí.
Bạch Thạch linh từ, thờ Thượng tiên đạo giáo duy nhất ở Việt Nam. |
Chân núi Mằn có ngôi đền cổ linh thiêng, người địa phương mộc mạc gọi là đền Đá Trắng, còn tên chữ là Bạch Thạch linh từ. Đền thờ Thượng tiên đạo giáo; Thượng tiên đạo giáo nhiều địa phương có lập am thờ, đền thờ nhưng chủ yếu là thờ vọng, riêng đền Bạch Thạch thờ chính thần thượng tiên đạo giáo, là nét đặc sắc duy nhất ở Việt Nam. Bạch Thạch linh từ, hậu cung thờ một pho Tượng nữ thần bằng đá trắng nguyên khối nặng trên 1 tấn, ngự trên ngai rồng, ngồi thế song thất, nét mặt từ bi, thanh tịnh. Thần tích, cổ xưa thần trấn giữ Bạch Ngọc Kinh trên trời và Mằn Sơn được tôn hiệu Thiên cung Thượng tiên, Mằn Sơn lão mẫu, Bạch Ngọc nương nương. Bạch Thạch linh từ, khi tam giáo đồng nguyên có phối thờ Hội đồng tứ phủ, Ngọc hoàng thượng đế, Tam Thanh và am thờ Phật.
Ông Trịnh Văn Khoa, dân lâu đời ở thôn Đá Trắng cho biết, trên núi Mằn có tảng đá lớn vuông thành hình chiếc săng kỳ lạ. Các cụ bảo, đấy là chiếc săng của nhà trời, nắp săng để ở núi Bài Thơ. |
Thực địa, lưng chừng núi Mằn có các tảng đá tự nhiên hình thù kỳ dị, có tảng trên phình ra to dưới thắt lại bé như cây nấm gọi là hòn vành mũ. Có tảng hình hộp, cạnh vuông vắn khuyết lòng người già bảo đấy là cái săng, nắp săng dựng trên núi Bài Thơ (Núi Bài Thơ cũng có phiến đá vuông thành như tục truyền vậy). Sự kỳ dị này, có liên quan đến thành ngữ “rắn già rắn lột, người già tụt vào săng”. Phía Đông núi có thạch động lớn gọi là hang đầu bụt, lòng hang còn phế tích một Am thờ cổ, bởi trên trần hang dưới lớp rêu mờ còn dòng chữ Hán cổ, tạm dịch Sơn Thần Tự và mảnh vỡ đồ thờ tự cổ, sâu trong lòng hang nhũ đá còn nguyên sơ óng ánh khi bắt sáng.
Những điểm yên ngựa lưng chừng núi, nhiều khoảng trũng tụ thủy, kẽ đá nước rỉ ra trong vắt, dân bản địa gọi là Thiên Bể (hoặc Giếng Trời). Thiên Bể bốn mùa nước cả, ngày hè nước mát lạnh, mùa đông nước ấm khi ban mai mặt nước bốc hơi nom như những chiếc chảo nước sôi. Hơi nước bốc lên quện với làn sương đêm dập dờn quang những mỏm đá tai mèo, nom như sóng vờn cồn ngoài biển. Đáy nước, tép đồng bơi lội và có nhiều cua núi, ốc rừng sinh sống. Khi thấy động, những chú cua to bằng con cáy biển dơ càng lên tự vệ, nom ngộ nghĩnh và cho thấy môi trường sống trên lưng núi Mằn Sơn rất tốt.
Rất có thể trên núi Mặn từng có người sinh sống. Một số học giả nghiên cứu về lịch sử bảo, nơi trầm tích văn hoá Sơn Vi – Đông Sơn; trong hang động có nhiều hệ thực vật biển hóa thạch. Truyền tục núi Mằn từng là nơi ẩn cư tránh giặc dã, tránh tầm nã chu di khi binh đao kế vị cung đình, mà các triều đại phong kiến thường hay xảy ra. Bởi dấu tích còn đề lại trên trần hang những dòng chữ Hán cổ, những mảnh vỡ đồ dùng bằng đất nung cổ đại, vỏ ốc vỏ sò và những bạt cây quýt như có người trồng. Quýt núi Mằn, cây mọc nèn đá mà xanh tốt lại sai quả. Mùa quýt chín, nhiều khoảnh rừng vàng óng. Ngày trước trẻ mục đồng còn lên hái, nay quýt chín rụng đầy gốc chỉ làm mồi cho hoang thú.
Núi Mằn có hệ thực vật phong phú và đa dạng rất tương đồng với núi Bài Thơ, nhưng xa đô thị cây cối, hoang thú nhiều hơn. Vạt đất xen kẹp lèn đá có nhiều loài cây dược liệu quý, hoa địa lan và hoang thú như: Linh dương, khỉ vàng, kỳ đà, tắc kè, chim trĩ, công đất… Cụm di tích núi Mằn được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử danh thắng cấp quốc gia năm 2014.
Cửa Lục
Vịnh Cửa Lục vùng thủy diện 18km2, sâu 17m là trung tâm kết nối giữa thành phố Hạ Long và huyện Hoành Bồ khi hai địa phương hợp nhất làm một, lấy tên chung là thành phố Hạ Long. Vịnh Cửa Lục có mối quan hệ như tam đa với núi Mằn và núi Bài Thơ. Tục truyền vịnh Cửa Lục là dấu chân ông khổng lồ gánh đá vá trời, khi đổi vai đứt gánh một quẩy rơi xuống biển là núi Bài Thơ, quẩy kia rơi lên rừng là núi Mằn.
Vịnh Cửa Lục từng là cụm cảng biển cổ có bến Gạo Rang, bến Đồng; trên bến có thành Nhà Mạc. |
Vinh Cửa Lục cũng có ý kiến khác nhau, người bảo là nơi hợp lưu của 6 con sông, nhưng cũng có người bảo nó hoàn toàn khác với Lục Đầu Giang ở tỉnh Hải Dương. Vịnh Cửa Lục, trên là mái núi suối rừng đổ thẳng xuống, không có phù sa, nước rừng trong xanh hòa với nước biển đồng màu trong xanh, nơi cửa biển nước trong xanh thì gọi là Cửa Lục. Vịnh Cửa Lục ngày nay, vốn là một eo biển với 3 của thông thủy. Cửa cái là Cửa Lục, cặp cửa nách là cửa Hòn Hai và cửa Kênh Đồng. Bên trong vùng vịnh là cụm cảng biển cổ có bến Gạo Rang, bến Đồng… thuộc các tổng Vạn Yên, Trí Xuyên, Bang Trới.
Ngày 26/7/1884, quan đại thần Phạm Thận Duật thay mặt triều đình Huế ký cho tư bản Pháp thuê mỏ than 100 năm. Thực dân Pháp lập bản đồ nhượng địa, khi ấy khu vực Bãi Cháy – Hòn Gai là đảo, thuyền bè từ Hòn Hai (phường Hồng Hải) vào vịnh Cửa Lục ra Kênh Đồng (phường Giếng Đáy). Núi Bài Thơ và núi Ba Đèo khi ấy cùng là đảo. Đảo Hùng Thắng, đảo Sa Tô gần đây mới trở thành đất liền.
Cửa Lục được nhắc đến trong chính sử trận thủy chiến kinh điển Vân Đồn – Lục Thủy, tướng Trần Khánh Dư Nhà Trần đánh chìm 600 chiến thuyền quân lương của giặc Nguyên – Mông năm 1288 trên vùng biển Đông Bắc bộ. Bút tích trong hai bài thơ khắc trên núi Bài Thơ, bài của quan Hồng Lô Tự Khanh Nguyễn Văn Bân năm 1929 nhan đề “Du thuyền ngoạn Lục hải…”; bài “Đến Lục Hải bơi thuyền…” của quan Tuần phủ Quảng Yên Nguyễn Văn Đào khắc năm 1935, củng cố thêm Cửa Lục là cửa biển nước trong xanh.
Ông Trần Văn Nghì người làng Xích Thổ bảo, người có cơ thể gánh được núi Bài Thơ và Núi Mằn, thì phải là người có bàn chân to bằng cả vịnh Cửu Lục, nhưng tục truyền chỉ là thần thoại. |
Vịnh Cửa Lục là dấu chân ông khổng lồ cũng có truyền thuyết khác, cho rằng ông khổng lồ gánh đá vá trời khi bước qua vịnh Của Lục, trở vai thì đứt gánh, quẩy rơi xuống biển thành núi Bài Thơ, quẩy rơi lên rừng thành núi Mằn. Ông khổng lồ còn để lại 2 dấu chân trên đồi thuộc thôn Xích Thổ, dấu chân hằn xuống đất khoảng một sào, dân trồng cấy trong khoảng đất trũng ấy thì gọi là ruộng ông khổng lồ, đồi ông khổng lồ. Nhưng ông Trần Văn Nghì người sinh trưởng ở thôn Xích Thổ, từng 10 năm làm trưởng Ban Văn hóa xã bảo, truyền thuyết vậy, nhưng người có cơ thể gánh được núi Bài Thơ và Núi Mằn thì bàn chân phải to bằng cả vịnh Cửu Lục.
Núi Bài Thơ – núi Mằn, cặp núi song sinh và vịnh Cửa Lục bộ tam đa còn gắn với chuỗi truyền thuyết ông khổng lồ gánh đá vá trời, để lại dấu chân trên đồi. Một sơn nữ làm nương rẫy, vô tình đặt chân vào ướm thử mà mang thai, rồi đẻ ra 3 ông thần rắn là con ông khổng lồ gồm: Ông Cộc, ông Dài, ông Loang… với những câu chuyện ly kỳ. Hiện ở địa phương vẫn lưu truyền miếu thờ 3 ông thần rắn riêng. Ông Cộc thờ ở đồng hang, ông Loang đồng cài, ông dài Đá trắng.
Núi Bài Thơ và núi Mằn thành phố Hạ Long có Đề án khai thác Du lịch cảnh quan-sinh thái. Vịnh Cửa Lục, theo quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đô thị trung tâm của tỉnh Quảng Ninh sẽ phát triển theo mô hình gồm 5 vùng; trong đó, lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối hạ tầng kinh tế-xã hội. Hiện cụm cảng trong vịnh Của Lục, gồm: Cảng Quảng Ninh, cảng CICT Container, cảng xăng dầu B12, cảng than Hà Khánh… đang chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu nguồn thu của Quảng Ninh.
Dấu chân ông khổng lồ, trên đồi ở thôn Xích Thổ trước đây rộng bằng sào ruộng, nay chỉ con bằng vũng trâu đằm. |
Nguồn: Báo xây dựng