Hà Nội tập trung tháo gỡ dứt điểm những hạn chế, khó khăn trong triển khai Đề án 06/Chính phủ
Còn nhiều tồn tại khi thực hiện Đề án 06/Chính phủ
Theo Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06).
Theo đánh giá của UBND TP Hà Nội, sau một năm thực hiện đề án 06 của Chính phủ, nhiều chuyển biến tích cực đã được tạo ra, tác động sâu rộng đến đời sống của người dân, hoạt động của doanh nghiệp, tiết kiệm được thời gian, tiền bạc cho xã hội và cả nền kinh tế.
Tinh thần chuyển đổi số đã được thực tế hóa ở nhiều dịch vụ công, dịch vụ công ích, nhiều công đoạn trong việc giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, nhiều giấy tờ đã được bãi bỏ, cắt giảm nhiều thủ tục và chi phí, giảm thiểu tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng vặt…
UBND TP Hà Nội cũng khẳng định, còn nhiều hạn chế, khó khăn khi thực hiện Đề án 06/Chính phủ
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, UBND TP Hà Nội cũng khẳng định, còn nhiều hạn chế, khó khăn và điều đó đã tiềm ẩn những nguy cơ gây chậm, muộn khi thực hiện các nhiệm vụ cụ thể của Đề án 06. Sự thẳng thắn, trách nhiệm của người đứng đầu UBND TP Hà Nội được xem là rất quan trọng, bởi có như vậy các sở, ngành, địa phương mới nhận diện.
Theo đánh giá của UBND TP Hà Nội, việc đưa vào vận hành chính thức hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của TP bị chậm tiến độ triển khai so với kế hoạch, điều này đã ảnh hướng tới việc triển khai một số nhiệm vụ như số hóa, tích hợp dịch vụ công trực tuyến, đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính và một số nhiệm vụ khác.
Quá trình thực hiện số hóa tại bộ phận một cửa của các sở, ngành và bộ phận một cửa của UBND cấp huyện đang bị chậm so với lộ trình đề ra. Việc ban hành hướng dẫn và thống nhất danh mục mã số hồ sơ, thành phần hồ sơ số hóa chưa được các bộ chủ quản hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện.
Công tác thực hiện thuê doanh nghiệp bưu chính công ích đảm nhận một số nội dung nhiệm vụ tại bộ phận một cửa theo quy định chưa triển khai được do chưa có thông tư hướng dẫn về định mức, mức chi hoặc thuê cho việc thực hiện nội dung này; năng lực của doanh nghiệp bưu chính công ích đáp ứng yêu cầu còn hạn chế (chưa đảm bảo khả năng đáp ứng việc thực hiện toàn bộ nội dung tại bộ phận một cửa các cấp).
Việc triển khai một số dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 còn nhiều bất cập, khó khăn, vướng mắc đối với cả cán bộ công chức và người dân. Hiện, thành phố đã triển khai 25/25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu theo Đề án 06, tuy nhiên quá trình triển khai thực hiện còn một số khó khăn, vướng mắc dẫn đến tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên một số lĩnh vực còn hạn chế.
Công tác cấp CCCD, định danh điện tử còn một số bất cập, khó khăn về mặt kỹ thuật khi thu thập hồ sơ làm CCCD, định danh điện tử, khi người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng VNEID. Về kết nối, chia sẻ các cơ sở dữ liệu, qua triển khai các dịch vụ công trực tuyến cho thấy, việc xây dựng và chia sẻ các cơ sở dữ liệu như: chứng sinh điện tử/báo tử điện tử/khám sức khỏe điện tử/bảo hiểm xã hội/người có công/trẻ em…còn hạn chế và chưa được chú trọng triển khai để tận dụng và hỗ trợ việc giải quyết các dịch vụ công trực tuyến theo đúng lộ trình.
Việc kết nối các hệ thống chuyên ngành, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành với địa phương còn nhiều khó khăn, chưa thực sự thông suốt (hạ tầng, công nghệ đặc biệt đối với các hệ thống xây dựng đã lâu, chưa kịp thời cập nhật, điều chỉnh theo tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành). Quá trình liên kết và cung cấp, trao đổi thông tin giữa các hệ thống còn gặp tình trạng chậm, chưa kịp thời; đồng bộ trạng thái dữ liệu giữa các phần mềm (Tư pháp – Công an – Bảo hiểm với phần mềm liên thông và cổng dịch vụ công trong 2 nhóm dịch vụ công liên thông) chậm, lỗi ảnh hưởng tới thời gian giải quyết thủ tục hành chính và chưa hoàn chỉnh các tính năng.
Tập trung tháo gỡ dứt điểm những khó khăn
Để tháo gỡ những khó khăn, mới đây UBND Thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, tập trung tháo gỡ dứt điểm những điểm nghẽn của Đề án 06/Chính phủ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; bảo đảm triển khai có hiệu quả Đề án 06/Chính phủ tại đơn vị phụ trách.
Đồng thời, thực hiện ưu tiên, quan tâm bố trí cán bộ có năng lực, trình độ, có tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ cho việc triển khai các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số theo hướng tăng cường việc thực hiện điều động cán bộ, bảo đảm nguyên tắc không phát sinh biên chế. Tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai thực hiện; kịp thời xử lý phản ánh, kiến nghị và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bất cập về quy định và thực hiện thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
UBND TP Hà Nội cũng giao các Sở, ngành Thành phố tập trung rà soát, chuẩn hóa, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo các Kế hoạch, nhiệm vụ UBND Thành phố đã giao trong năm 2023 trên cơ sở tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông thủ tục và tái sử dụng dữ liệu để công khai, minh bạch quy trình, thủ tục, hướng tới sự bình đẳng, tránh chồng chéo, phát sinh thủ tục hành chính “con”.
Bên cạnh đó, rà soát, đề xuất phương án đơn giản hóa phù hợp đối với các thủ tục hành chính 03 năm không phát sinh hồ sơ. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng UBND TP. Hà Nội rà soát các phần mềm chuyên ngành, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của Bộ, ngành chủ quản đang triển khai thực hiện tại đơn vị trong việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính để thực hiện việc kết nối, chia sẻ các hệ thống thông tin, phần mềm chuyên ngành với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Thành phố và Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tăng cường việc nghiên cứu, học tập, đề xuất các giải pháp nhân rộng các mô hình, cách làm hay của các địa phương, đơn vị.
UBND TP. Hà Nội yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông khẩn trương thực hiện việc nâng cấp, hoàn thiện, kết nối, chia sẻ giữa Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Thành phố; đảm bảo việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, phần mềm chuyên ngành phục vụ việc giải quyết thủ tục hành chính, đảm bảo đáp ứng yêu cầu về tính năng, kỹ thuật, phù hợp với thực tiễn…
Sở Nội vụ có trách nhiệm tham mưu UBND TP việc hướng dẫn các đơn vị trong quá trình thực hiện ưu tiên bố trí cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số theo hướng tăng cường thực hiện việc điều động cán bộ tại các đơn vị.
Ngoài ra, UBND TP Hà Nội cũng đặt ra 7 giải pháp và kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành 5 nhóm vấn đề gồm: ban hành các văn bản hướng dẫn; kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành; thực hiện các dịch vụ công trực tuyến; công tác cấp căn cước công dân, định danh điện tử và làm sạch dữ liệu dân cư; huy động nguồn lực.
Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án 06 với quyết tâm chính trị cao, xuyên suốt từ cấp Thành phố tới cơ sở; tích cực, chủ động triển khai 20 nhiệm vụ của địa phương trong năm 2023 đảm bảo thiết thực, hiệu quả, góp phần hoàn thành sớm nhiệm vụ xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, thực hiện có hiệu quả Đề án 06 với tinh thần năm 2023 là “Năm dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới”.
Công an TP Hà Nội cùng với Văn phòng UBND TP, các sở, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quyền hạn, trách nhiệm phối hợp các cơ quan, đơn vị được giao, chủ trì thực hiện các nhiệm vụ Đề án 06 theo hướng dẫn từng giai đoạn, thời gian hoàn thành cụ thể, không được chậm, muộn.
An Dương (T/h)