Đấu thầu thuốc, quan trọng vẫn là cách làm
Sau gần 3 năm xảy ra đại dịch Covid-19, tất cả nguồn lực y tế đều tập trung cho mặt trận chống dịch, nên khi hết dịch xét cả yếu tố nguồn cung từ thị trường quốc tế và trong nước, sự khan hiếm về vật tư, thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh cho nhân dân là điều khó tránh khỏi. Cạnh đó, chính sách liên quan đến mua sắm, đấu thầu còn bất cập, thậm chí chồng chéo dẫn đến tình trạng thiếu thuốc càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Cùng một chính sách có cơ sở y tế tổ chức đấu thầu thuốc thuận lợi, có nơi lại nói khó khăn. (Ảnh minh họa) |
Để giải quyết các bất cập này, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành… trình Quốc hội ban hành các luật liên quan như Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các Nghị quyết của Quốc hội, các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các văn bản của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tạo hành lang pháp lý; đặc biệt là Nghị quyết số 80/2023/QH15 của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024; Nghị quyết 30 của Chính phủ về thực hiện các giải pháp đảm bảo thuốc và trang thiết bị y tế và các văn bản của Chính phủ; các Thông tư của các bộ, ngành, trong đó có Thông tư 14 của Bộ Y tế ngày 30/6/2023, quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập.
Về cơ bản, việc kịp thời ban hành những nghị quyết, nghị định và thông tư đã góp phần gỡ “nút thắt” liên quan đến mua sắm thuốc phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh đối với người dân. Hiện một số bệnh viện đang triển khai rất tốt. Điển hình là Bệnh viện Nhi Trung ương. Trung bình mỗi ngày Bệnh viện tiếp nhận khám khoảng 5.000 – 6.000 bệnh nhân.
Trong đó, có hơn 2.000 bệnh nhân điều trị nội trú. Thường xuyên có khoảng gần 100 trẻ đang phải thở máy và hàng trăm bé phải thở oxy, từng giây phút chống chọi với bệnh tật, trong đó có rất nhiều em mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo… song Bệnh viện luôn đáp ứng nhu cầu thuốc chữa bệnh. Ngược lại, vẫn chính sách ấy, một số bệnh viện lại rơi vào tình trạng thiếu thuốc, trong đó chủ yếu là hệ thống y tế địa phương, do cơ chế phân cấp đấu thầu đối với bệnh viện tuyến địa phương do địa phương quản lý.
Tại sao lại như vậy? Nhiều người cho rằng, bên cạnh Luật Đấu thầu năm 2023 đến ngày 1/1/2024 mới có hiệu lực, nên chưa có văn bản hướng dẫn của Chính phủ (nghị định) và Thông tư hướng dẫn liên ngành (Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) quan trọng hơn tâm lý sợ trách nhiệm của tập thể lãnh đạo các bệnh viện. Ở đâu tập thể đoàn kết, sẽ vận dụng chính sách linh hoạt, đúng quy định của Nhà nước, việc cung cấp thuốc sẽ trôi chảy. Ngược lại, ở đâu tập thể thiếu đoàn kết, tâm lý sợ trách nhiệm, rồi viện cớ hành lang pháp lý để ỷ lại, ở đấy sẽ rơi vào tình trạng thiếu thuốc.
Bởi thế, trước khi chờ Luật Đấu thầu có hiệu lực cũng như các văn bản hướng dẫn được ban hành… điều quan trọng mỗi bệnh viện phải đoàn kết, vận dụng sáng tạo để làm tốt công tác đấu thầu, cung cấp thuốc cho công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Nguồn: Báo lao động thủ đô