65ha chè ở Thái Nguyên được cấp chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 17,8/22,2 nghìn ha chè được áp dụng phương pháp sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, hữu cơ. Trong đó, diện tích được cấp chứng nhận VietGAP là 4.368ha; diện tích được cấp chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ là 65ha; 4.092ha được cấp chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm.

Diện tích chè đã được cấp chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ được giao cho địa phương và người dân quản lý, đồng thời có sự theo dõi sát sao của cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh.

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục triển khai mô hình sản xuất chè hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam giai đoạn 2023-2024, tại 7 hợp tác xã trên địa bàn tỉnh với quy mô 40ha, 104 hộ dân tham gia.

 65ha chè tại tỉnh Thái Nguyên được cấp chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ

Tại các mô hình, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, tư vấn hoạt động sản xuất, như: Sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả; ghi chép nhật ký nông hộ; lưu trữ hồ sơ truy xuất nguồn gốc…

Hiện tại, ở Thái Nguyên có 4 vùng trồng chè nổi tiếng là: Tân Cương, La Bằng, Trại Cài và Khe Cốc, được mệnh danh là “Tứ đại danh trà”. Đây chính là các vùng nguyên liệu để sản xuất ra những sản phẩm chè đặc sản nổi tiếng và đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Được biết, tỉnh Thái Nguyên ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ đào tạo, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ giống chè mới, phân bón hữu cơ, sinh học, hỗ trợ kinh phí chứng nhận VietGAP, hữu cơ; ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước trong sản xuất và thiết bị trong sơ chế, chế biến chè; hỗ trợ bao bì, nhãn mác, xây dựng thương hiệu, kết nối quảng bá, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 có 6.000 ha chè đạt tiêu chuẩn VietGAP, 235 ha chè đạt tiêu chuẩn hữu cơ.

Theo Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên, ông Trần Nho Hưởng cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế chính sách về hỗ trợ sản xuất, đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối quảng bá, tiêu thụ sản phẩm hữu cơ của tỉnh.

 Bảo Linh

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích