Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Trong 3 ngày công ty bảo hiểm phải chi trả cho người bị tai nạn
Tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã nêu nhiều vấn đề bất cập ở các lĩnh vực: Kế hoạch – đầu tư, tài chính; ngân hàng, quy hoạch…
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc nêu câu hỏi chất vấn. |
Cụ thể, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) phản ánh, nhiều cử tri băn khoăn về việc mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với ô tô, xe máy chưa mang lại lợi ích thiết thực vì thủ tục bồi thường quá nhiều khó khăn, phức tạp. Việc mua bảo hiểm loại này chủ yếu là để tránh cho cơ quan chức năng không xử phạt khi điều khiển các phương tiện lưu thông trên đường. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ vấn đề này?
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, vấn đề bảo hiểm xe cơ giới, được quy định tại Luật Giao thông đường bộ và Luật Bảo hiểm, đây là một hình thức bảo hiểm bắt buộc.
Thời gian qua, xe máy bị tai nạn chiếm 64%; từ năm 2021 đến tháng 9/2023, các công ty bảo hiểm đã chi trả cho người bị tai nạn số tiền rất lớn, gần 2.300 tỷ đồng. Điều đó thể hiện Luật Kinh doanh Bảo hiểm và Luật Giao thông đường bộ đã bảo vệ người lái xe máy, bởi người sử dụng xe máy đa số thu nhập không cao, khi có ảnh hưởng đến tính mạng, thì bảo hiểm được chi trả tối đa là 150 triệu đồng, xe hư hỏng thì trả tối đa 50 triệu đồng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn. |
Để thuận lợi hơn cho chi trả cho người dân, Nghị định 67 của Chính phủ liên quan đến vấn đề này đã quy định trong vòng 3 ngày, công ty bảo hiểm phải chi trả cho người dân bị tai nạn. Nếu bị ảnh hưởng tới tính mạng thì mới cần có biên bản, giấy tờ của công an, còn không bị ảnh hưởng tới tính mạng thì chỉ cần có file ảnh và cung cấp hồ sơ điện tử là sẽ được giải quyết các thủ tục cần thiết để được hưởng bảo hiểm.
Về vấn đề quản lý tài sản công, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Đoàn tỉnh Hưng Yên) cho biết, thời gian qua, việc xử lý nhà đất khi sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn chậm, nhiều trụ sở hành chính còn bỏ trống trong khi còn nhiều cơ quan đang sử dụng chung nơi làm việc; đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết thực trạng, nguyên nhân xảy ra tình trạng này và có giải pháp căn cơ nào để xử lý?
Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai nêu câu hỏi chất vấn. |
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đối với tài sản công thuộc cấp trung ương do Chính phủ quản lý, cơ quan tham mưu Chính phủ là Bộ Tài chính và các cơ quan trực tiếp quản lý tài sản công là các bộ, ngành. Còn tài sản công của các cơ quan huyện, cấp xã thì do Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý. Đa số tài sản công sau khi sắp xếp các đơn vị cấp huyện, cấp tỉnh thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin, hiện đã xử lý được khoảng 90% tài sản công, còn 10%, với gần 1.000 tài sản công chưa được xử lý, trong đó có khoảng 500 tài sản công đang bị bỏ không, gây lãng phí.
Nguyên nhân là khi chuyển cho các cơ quan, đơn vị, thì nhiều cơ quan ở địa bàn khác nhau nên không có nhu cầu. Khi bán tài sản công thì khó tìm được các cơ quan định giá; cũng như khó tìm được người mua trong bối cảnh thị trường trầm lắng như hiện nay.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV. |
Mặt khác, để chuyển tài sản công sang mục đích khác thì phải tổ chức đánh giá, trụ sở phải được phê duyệt lại về quy hoạch sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất cũng phải điều chỉnh lại quy hoạch, phải làm một loạt các thủ tục khác…
“Giữa tháng 9 vừa qua, Bộ Tài chính đã hướng dẫn và có văn bản đôn đốc đồng thời sẽ làm việc với các đơn vị liên quan để hướng dẫn thêm, xử lý các tài sản công này, đảm bảo đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả. Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh đôn đốc, thanh tra, kiểm tra đối với công tác này”, ông Hồ Đức Phớc cho hay.
Đề cập đến vấn đề tăng trưởng tín dụng thấp (9 tháng đầu năm nay chỉ đạt 5,91%), đại biểu Trần Thị Vân (Đoàn tỉnh Bắc Ninh) và đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn tỉnh Bình Dương) cùng đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nêu rõ các giải pháp để tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu 14% như đã đề ra? Lộ trình để hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành, phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng?
Đại biểu Nguyễn Quang Huân nêu câu hỏi chất vấn. |
Giải trình các nội dung đại biểu quan tâm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, nguyên nhân tăng trưởng tín dụng thấp là do cầu về tín dụng. Số đơn hàng doanh nghiệp giảm sút. Người dân và các hộ kinh doanh gặp nhiều khó khăn sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.
“Ngân hàng Nhà nước đã điều hành theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức tín dụng cung tín dụng. Qua tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý, có thể thấy trong điều kiện hiện nay, chưa thể bỏ việc điều hành tăng trưởng tín dụng, vì nhu cầu vốn của nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào tín dụng”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nêu rõ.
Liên quan đến câu hỏi về tiến độ giải ngân vốn ODA của đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn tỉnh Bình Dương), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tiến độ thực hiện của các dự án này đang chậm so với yêu cầu.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn. |
Ngoài những nguyên nhân giống đầu tư công nói chung, các dự án ODA phải thực hiện theo rất nhiều quy định khác nhau. Theo đó, quy trình, thủ tục phức tạp hơn khi phải thực hiện theo các quy định trong nước về đầu tư công, các quy định của nhà tài trợ nước ngoài cũng như các quy trình thủ tục đàm phán các hiệp định vay, thỏa thuận vay… Các dự án sau khi hoàn tất thủ tục mà có sự điều chỉnh thì phải thực hiện lại quy trình cả trong nước và điều chỉnh các hiệp định. Do đó, các dự án này mất nhiều thời gian và tiến độ.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần nghiên cứu một cách căn cơ hơn nữa để hài hoà thủ tục trong nước và nước ngoài để vừa đảm bảo chặt chẽ và rút ngắn được thời gian.
Nguồn: Báo lao động thủ đô