Hiệu quả từ những mô hình hợp tác xã kiểu mới
Nâng cao hiệu quả HTX nông nghiệp
HTX Dịch vụ nông nghiệp, kinh doanh thương mại tổng hợp Dương Liễu (HTX Dương Liễu), huyện Hoài Đức là một trong những HTX không chỉ chủ động liên doanh, liên kết để tiêu thụ sản phảm nông nghiệp cho người dân, mà còn thực hiện các mô hình sản xuất có hiệu quả và phát triển thêm các dịch vụ mới. Đáng chú ý, việc thành lập doanh nghiệp trực thuộc HTX hoạt động trên lĩnh vực thương mại và du lịch bước đầu có hiệu quả.
Sản phẩm của các HTX trên địa bàn thành phố Hà Nội được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường. |
Ông Nguyễn Phi Đức – Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Dương Liễu cho biết: Trong quá trình xây dựng và phát triển, HTX cũng gặp nhiều khó khăn, hạn chế, với diện tích đất nông nghiệp toàn xã trên 270ha, điều kiện sản xuất có nhiều khó khăn do là địa bàn ven đô, nằm trong vùng quy hoạch đô thị nên các chương trình hỗ trợ của Nhà nước cho sản xuất nông nghiệp không nhiều, hạn chế hơn so với địa phương thuần nông khác.
Vì vậy, để hỗ trợ bà con duy trì sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực, khai thác tài nguyên đất hiệu quả, bản thân ông Đức đã cùng Hội đồng quản trị HTX căn cứ vào điều kiện kinh doanh để xây dựng các phương án nhằm hỗ trợ thành viên, người dân tiếp tục duy trì ổn định sản xuất nông nghiệp đảm bảo mùa vụ. Duy trì 5 dịch vụ đầu vào phục vụ miễn phí cho thành viên như: Dịch vụ thủy nông, bảo vệ hoa màu, dịch vụ tu sửa giao thông thủy lợi nội đồng, dịch vụ dự thính dự báo sâu bệnh, công tác khuyến nông,… Năng suất lúa ổn định từ 11,5 đến 12 tấn/ha. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp năm 2022 đạt 203 triệu/ha.
Ngoài lĩnh vực nông nghiệp, HTX Dương Liễu cũng là đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ trong quản lý điện, ông Đức đã cùng Hội đồng quản trị tập trung củng cố công tác quản lý điện với 28 trạm biến áp, công suất hiện nay là 22.470 KVA, tăng 800 KVA so với năm 2021. Tập trung hoàn thiện công tác quản lý, kinh doanh theo hướng phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn như: Mã số hóa, cập nhật thông tin, quản lý dữ liệu theo phần mềm mới, đa dạng hình thức nộp tiền, khuyến khích không sử dụng tiền mặt, thực hiện nhắn tin SMS, Zalo thông báo tiền điện cho khách hàng. Tỷ lệ khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt đạt 40%. Đồng thời, duy trì công tác kiểm tra năng lực quản lý điện đối với đội kỹ thuật điện, tổ chức chấm điểm quản lý công việc theo hệ thống chấm điểm KPI.
Bên cạnh đó, đơn vị còn tổ chức quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản làng nghề, mở các đại lý nhằm tiêu thụ một phần sản phẩm của thành viên. Tham gia hội chợ đối với các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP trên địa bàn huyện để thu hút khách hàng đến mua và đặt hàng tại văn phòng. Song song, ứng dụng chuyển đổi số trong công tác bán hàng, đưa các sản phẩm tranh thêu của HTX lên sàn giao dịch điện tử nhằm quảng bá và tìm thị trường tiêu thụ.
Phát huy hiệu quả của chuỗi liên kết sản phẩm
Trong bối cảnh hiện nay, các HTX muốn phát triển bền vững buộc phải nâng cao chất lượng hàng hoá, sản phẩm để phục vụ người tiêu dùng. Muốn làm tốt việc này thì xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất – chế biến – phân phối – tiêu dùng là tất yếu; hàng hóa phải đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc.
Tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, HTX Dịch vụ tổng hợp Hòa Bình (HTX Hòa Bình) hiện đang thu hút khoảng 500 thành viên tham gia với tổng diện tích sản xuất 53,8ha, riêng rau vụ xuân 22ha, trong đó có 11,7ha đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Trịnh Văn Vĩnh – Giám đốc HTX Hòa Bình cho biết, năm 2008, quận Hà Đông đã đầu tư hệ thống nước sạch để sản xuất rau an toàn (RAT), đồng thời phối hợp cùng với HTX triển khai mô hình rau an toàn trên toàn diện tích sản xuất.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã mở rộng thị trường xuất khẩu rau, củ, quả, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục mở các lớp tập huấn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản về các quy định về bảo đảm chất lượng, kiểm soát thực phẩm xuất, nhập khẩu; tuyên truyền về các hiệp định FTA, EVFTA, CTPP, các rào cản thị trường nước ngoài… Mặt khác, hỗ trợ các cơ sở chế biến sản phẩm nông sản áp dụng hệ thống chứng nhận chất lượng quốc tế (ISO, HACCP, Halal…) nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu và thị trường trong nước… |
Ban đầu, HTX gặp rất nhiều khó khăn, vai trò chính của HTX là chuẩn bị khâu tổ chức, chỉ đạo người dân sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm. Song, nhờ sự nỗ lực của các cấp lãnh đạo phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Ban Giám đốc và thành viên HTX, thương hiệu rau an toàn Hòa Bình đã tạo dựng được niềm tin cho người tiêu dùng. Đến nay, HTX Hòa Bình sản xuất các loại rau, củ, quả cung cấp ra thị trường khoảng 640 tấn/năm, doanh thu gần 4 tỷ đồng.
Giám đốc HTX Hòa Bình cũng cho biết, đa phần đầu ra của bà con hiện nay đều khá thuận lợi. HTX Hòa Bình đang thu mua tiêu thụ khoảng 20% sản lượng rau của gia đình, trong đó rau VietGAP luôn bán được cao hơn RAT trung bình khoảng 1.000 đồng/kg. Nếu giá cả thuận lợi, nhiều hộ dân có thể thu lãi lên tới hơn chục triệu đồng mỗi tháng. Với sự phát triển nhu cầu thị trường ngày càng cao, HTX đã kết nối bao tiêu sản phẩm rau an toàn cho nông dân, cung cấp cho 30 trường học mầm non trên địa bàn quận Hà Đông và một số công ty,… Mỗi ngày, HTX xuất bán từ 8 tạ đến 1 tấn sản phẩm rau, củ, quả,…
Không chỉ tại HTX Hòa Bình hay HTX Dương Liễu, hiện thành phố Hà Nội đã phát triển nhiều vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ở đô thị và xuất khẩu. Ông Nguyễn Ngọc Sơn – Phó Giám đốc Sở Nôngnghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, trong những năm qua, Thành phố tiếp tục đẩy mạnh các vùng nông nghiệp chuyên canh nhằm tạo nguồn nguyên liệu có sản lượng lớn để phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu với 35 vùng lúa, 104 vùng rau, 56 vùng cây ăn quả, 66 vùng nuôi trồng thủy sản, 162 vùng chăn nuôi trọng điểm, tập trung. Hiện, Hà Nội là một trong những địa phương có tiềm năng xuất khẩu những mặt hàng nông sản chủ lực.
Nguồn: Báo lao động thủ đô