Thành phố mang lại ánh sáng cho người khiếm thị ở Đức

Marburg (Đức) được mệnh danh “thành phố dành cho người mù, người khiếm thị”. Danh tiếng này phần nhiều nhờ vào phương pháp giáo dục đột phá của một trường đại học ở đây.

Năm 8 tuổi, Leon Portz dần mất đi thị lực do một căn bệnh bẩm sinh. Bấy giờ, anh được tặng chiếc máy tính dành cho người khuyết tật. Một năm sau, Leon đã tìm ra cách tăng tốc giọng nói của máy để đọc những trang web trực tuyến giúp anh nắm bắt thông tin nhanh hơn. Giờ đây, Leon có thể nghe các văn bản nhanh hơn 5 lần so với tốc độ tiêu chuẩn.

Nhưng tình yêu khoa học của Leon chỉ thực sự nảy nở khi anh chuyển từ quê nhà ở miền Trung nước Đức đến Marburg, thành phố mang phong cách Trung cổ với không khí trong lành và cảnh quan xanh ngát, để theo học ngôi trường dành cho người mù.

Leon chẳng ngờ đây là quyết định đã làm thay đổi cuộc đời anh.

Môi trường lý tưởng cho người mù

thanh pho mang lai anh sang cho nguoi khiem thi o duc
Marburg có môi trường sống lý tưởng cho người mù, người khiếm thị. Ảnh: BBC.

Marburg được mệnh danh “Blindenstadt”, nghĩa là thành phố dành cho người mù và người khiếm thị.

Tiếng lạch cạch của những chiếc gậy dẫn đường là âm thanh quen thuộc tại Marburg, khi những người mù được hỗ trợ bằng tiếng bíp của đèn giao thông, vỉa hè và sàn nhà có gờ với cảm ứng hoạt động như tín hiệu thông báo chướng ngại vật phía trước. Tài xế xe buýt ở Marburg cũng được đào tạo cách dừng xe để hành khách là người mù, người khiếm thị dễ dàng lên xuống.

Các tòa nhà ở Marburg thường có bản đồ và sơ đồ tầng được nâng lên, trong khi mô hình bằng đồng chi tiết thu nhỏ lâu đài và quảng trường thành phố giúp người mù, người khiếm thị cảm nhận vẻ đẹp của những điểm tham quan nổi tiếng. Nhiều nhà hàng trong thành phố cung cấp thực đơn bằng chữ nổi Braille.

Nhờ đặc điểm địa hình nhiều đồi núi và diện tích nhỏ của Marburg, người mù dễ dàng định hướng đang lên hay xuống dốc. Một mạng lưới cơ sở giải trí trải dài khắp thành phố, bao gồm trường dạy cưỡi ngựa cho người mù hay các câu lạc bộ chèo thuyền, bóng đá, leo núi và trượt tuyết.

thanh pho mang lai anh sang cho nguoi khiem thi o duc
Những mô hình bằng đồng nhỏ giúp người mù ở Marburg cảm nhận vẻ đẹp của công trình thực. Ảnh: Mittelhessen.

Bên cạnh đó, trường đại học Philipps Marburg có tỉ lệ sinh viên là người mù, người khiếm thị cao nhất tại Đức. Luật và tâm lý học là những chuyên ngành thu hút nhiều sinh viên nhất, vì các môn học cần nhiều tài liệu văn bản nhưng có thể nghiên cứu dễ dàng với công cụ hỗ trợ như trình đọc màn hình. Thậm chí, trường Philipps Marburg vừa mở thêm ngành mới: khoa học tự nhiên, lĩnh vực người mù khó tiếp cận bấy lâu nay.

Hóa học vẫn là ngành nghiên cứu ẩn chứa nhiều rủi ro và rào cản với người mù, do mức độ nguy hiểm của công việc trong phòng thí nghiệm và sự phổ biến của hình ảnh, biểu đồ và đồ thị. Song Tobias Mahnke, giảng viên dạy Leon tại Carl-Strehl liên kết với trường Philipps Marburg, lại phản bác lập luận trên.

“Hầu hết thí nghiệm khoa học không giống những gì bạn nhìn thấy. Trong giảng dạy thông thường, chúng tôi tập trung vào yếu tố thị giác và có thể chứng minh một thí nghiệm trong vòng 5 giây trước 30 sinh viên. Phương pháp này giúp giảng viên tiết kiệm thời gian, nhưng không hiệu quả với sinh viên”, Tobias Mahnke nói.

Hiện nay, phòng thí nghiệm hóa học được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu của sinh viên là người mù, người khiếm thị. Mahnke đã phát triển phương pháp giúp sinh viên khám phá đặc tính của ngọn nến đang cháy nhờ sử dụng giấy phồng nhạy nhiệt. Với cảm biến đặc biệt, sinh viên có thể nhận biết ngọn nến sáng lên hoặc tối đi khi giấy phát ra tiếng bíp to, nhỏ khác nhau.

thanh pho mang lai anh sang cho nguoi khiem thi o duc
Philipps Marburg là trường đại học có phương pháp giáo dục đột phá cho người mù. Ảnh: marburgnet.

Từng bước gỡ bỏ rào cản

Uwe Boysen là thẩm phán đã nghỉ hưu và cựu chủ tịch của hiệp hội chuyên gia và sinh viên khiếm thị của Đức. Ông theo học tại trường Carl-Strehl và sau đó học luật ở Marburg vào cuối thập niên 1960. Ông Boysen cho rằng ý thức cộng đồng và sự giúp đỡ ở Marburg đóng vai trò quan trọng trong việc khơi dậy lòng can đảm, giúp ông dám thử những điều mới.

Cơ hội nghề nghiệp với người mù còn hạn chế, nhưng ngày nay có khoảng 100 thẩm phán là người mù ở Đức. Uwe Boysen cùng những người bạn của ông đã phát minh nhiều công cụ hỗ trợ cho sinh viên là người mù, người khiếm thị. Ngoài ra, ông còn sử dụng kỹ năng hùng biện để vận động thực hiện nhiều chính sách và quyền lợi cho người mù.

thanh pho mang lai anh sang cho nguoi khiem thi o duc
Tại Philipps Marburg, hóa học không phải rào cản lớn với sinh viên là người mù, người khiếm thị. Ảnh: studieren.

Leonore Dreves, nhà phát triển phần mềm cho người mù ở Heppstadt, chia sẻ những thành viên trong nhóm của cô đều làm việc trong ngành công nghệ thông tin, lĩnh vực tương đối dễ tiếp cận với người mù. Dù vậy, vẫn tồn tại quá nhiều rào cản, trong đó có thách thức thay đổi thái độ của con người.

“Tôi là phụ nữ và một người mù. Tôi phải chứng minh bản thân trong khoảng thời gian dài để đồng nghiệp chấp nhận rằng tôi có thể làm tốt như họ”, Leonore Dreves tiết lộ.

Trên khắp thế giới, các nhà khoa học là người mù, người khiếm thị đang làm việc cật lực để từng bước gỡ bỏ rào cản. Nhà hóa học Mona Minkara đã thiết kế chương trình giảng dạy STEM (Khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) toàn diện. Trong khi đó, nhà khoa học máy tính Chieko Asakawa đang phát triển trí thông minh nhân tạo hay nhà thiên văn học Wanda Diaz-Merced sử dụng âm thanh để nghiên cứu không gian vũ trụ.

Ở đại học Düsseldorf, những người bạn đang giúp Leon tiếp cận và hiểu rõ các biểu đồ, hình ảnh trong giáo trình. Anh ấy vẫn thảo luận các vấn đề khoa học với người thầy của mình, Mahnke, đồng thời tiếp tục lấy cảm hứng học tập từ ngôi trường cũ Phlipps Marburg.

“Ngôi trường đã cho tôi cú hích lớn trong đời. Nhờ đó, tôi biết mình có thể làm được những gì”, Leon nói.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích