Đào tạo kiến thức về năng suất chất lượng cho 1.300 giảng viên, sinh viên của 25 trường đại học, cao đẳng
Tham dự buổi đào tạo trực tuyến có ông Hà Minh Hiệp – Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL; ông Phạm Lê Cường – Phó Chánh Văn phòng Tổng cục, cùng hơn 1.300 giảng viên, sinh viên tại 25 trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc: Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Trường Đại học Thủy Lợi; Học Viện Tài chính; Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội; Trường Đại học Công nghệ Đông Á; Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội; Trường Cao đẳng Việt Xô số 1; Trường Cao đẳng Công nghiệp và xây dựng; Trường Cao đẳng Công thương miền Trung; Trường Đại học Đông Á; Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế; Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP. Hồ Chí Minh; Trường Đại học Ngoại thương (cơ sở 2); Trường Đại học Thủ Dầu một; Trường Đại học Trà Vinh; Tỉnh đoàn Yên Bái; ĐH Quốc gia Hà Nội; Trường Đại học Bình Dương; Trường Cao đẳng nghề Việt Nam – Singapore; ĐH SPKT Vĩnh Long; Sở KHCN Nam Định; Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Nam Định; Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp; Trường Đại học Nha Trang; Trường Đại học Khánh Hòa.
Buổi đào tạo thu hút đông đảo sinh viên các trường đại học, cao đẳng tham gia.
Tại buổi đào tạo, ông Trần Tuấn Anh – Chuyên gia tư vấn Trung tâm Đào tạo và Nghiệp vụ Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã trình bày về “Kaizen: Tư duy cải tiến liên tục”.
Theo chuyên gia, “Kaizen” là một từ tiếng Nhật có nghĩa là “cải tiến”, kêu gọi nỗ lực cải tiến liên tục không ngừng đối với mọi cá nhân trong tổ chức và được biết đến như một triết lý quan trọng trong quản lý của Nhật Bản. Kaizen là chìa khóa cho sự cạnh tranh thành công của các ngành công nghiệp sản xuất Nhật Bản.
Việc giải quyết vấn đề theo Kaizen được coi là một cách tiếp cận hợp tác, có hệ thống và liên chức năng. Đó là chiến lược đặt mọi thành viên của một tổ chức, bắt đầu từ cấp quản lý cao nhất phải liên tục theo dõi các phương án cải tiến. Điều này được thực hiện bằng cách sử dụng các công cụ đánh giá có hệ thống, quy trình kiểm tra, phát triển ý tưởng (brainstorming) và công cụ quyết định theo nhóm để xem các cơ hội cải tiến có thể nằm ở đâu. Tất cả các hoạt động của một tổ chức đều phải cải tiến và phương pháp Kaizen cho rằng không có kết thúc hoàn hảo và mọi thứ đều có thể được cải thiện.
Phương pháp Kaizen sử dụng nhiều công cụ khác nhau như 5S, nhóm kiểm soát chất lượng, kiểm soát chất lượng toàn diện, bảo trì phòng ngừa tổng thể, sản xuất tức thời, công việc chuẩn hoá và tự động hóa,… Tất cả những điều này đều hữu ích trong việc cải thiện ba khía cạnh năng suất là chi phí, chất lượng và tốc độ; bản chất của Kaizen là loại bỏ muri (quá tải), muda (lãng phí) và mura (sự không nhất quán) khỏi nơi làm việc thông qua việc sử dụng hiệu quả lao động, vật liệu và thiết bị.
Cũng theo chuyên gia, Kaizen có hai cách tiếp cận đó là cách tiếp cận từng bước: KAIZEN – khởi nguồn từ những để ý nhỏ, quyết định bởi số lượng tạo ra và cách tiếp cận mang tính đột phá – ĐỔI MỚI.
Về đặc điểm của Kaizen, thứ nhất Kaizen là tập hợp tích luỹ những thay đổi nhỏ; thứ hai, Kaizen là cải tiến liên tục (liên tục, làm nữa, luôn có cách làm tốt hơn); thứ ba, Kaizen là hành động khắc phục khó khăn; thứ tư, Kaizen là nhanh và đơn giản (hãy nghĩ về những phương pháp mới mà không phải tốn nhiều thời gian, không phải tốn nhiều tiền đầu tư, không phải cần nhiều người); thứ năm, Kaizen không phải là sửa chữa (Kaizen là tìm ra nguyên nhân gây ra vấn đề, khắc phục vấn đề bằng cách loại bỏ nguyên nhân đó).
Kaizen có phương pháp 4 cánh cửa, trong đó, cánh cửa 1 là xác định vấn đề. Vấn đề phát sinh tại hiện trường sản xuất thì nhất định cách giải quyết nằm ở đó, nếu chỉ ngồi văn phòng phán đoán vấn đề và đưa ra đối sách thì có thể gây ra vấn đề khác do phán đoán sai. Do đó nhất định nắm bắt vấn đề dựa trên 3 hiện: Đi tới Hiện trường (Gemba); Quan sát Hiện vật (Gembutsu); Nắm bắt Hiện trạng (Genjitsu);
Cánh cửa 2 là lên ý tưởng, cải tiến. Trong đó, trình tự cải tiến là loại bỏ, giảm bớt, thay đổi.
Cánh cửa 3 là đánh giá. Trong đó, đánh giá vấn đề đã được giải quyết chưa?; Có phát sinh ra vấn đề khác, lại cần Kaizen tiếp không?; Có giải pháp nào hiệu quả hơn không (tốn ít nguồn lực hơn).
Cánh cửa 4 là cải tiến liên tục. Thứ tự Kaizen: Kaizen cái đang có; Nếu không thể nâng cao được hiệu quả thì đầu tư mới (đổi mới); Đầu tư mới; Kaizen cái đã đầu tư mới để đạt hiệu quả cao hơn.
Để sinh viên nắm bắt và hiểu rõ hơn về Kaizen, chuyên gia đã đưa rất nhiều những ví dụ minh họa trong đời sống cũng như trong sản xuất để sinh viên có cái nhìn trực quan rõ ràng và sinh động hơn, từ đó có thể nhận biết và áp dụng vào đời sống và công việc sau này.
Trong khuôn khổ buổi đào tạo trực tuyến đã nhận được rất câu hỏi của sinh viên đặt ra liên quan đến bài học như là: Việc thực hiện liên tục và duy trì Kaizen có khó không?, Ngoài Nhật Bản thì quốc gia nào có tinh thần Kaizen tốt như vậy?, Bản chất của Kaizen là gì?, Khi nào thì doanh nghiệp nên áp dụng Kaizen và khi doanh nghiệp gặp khó khăn thì nên áp dụng Kaizen hay đổi mới để tăng hiệu quả?, Làm thế nào để tránh những sai lầm khi áp dụng Kaizen?, Việc phát triển Kaizen dẫn đến mất việc làm cho con người, máy móc lên ngôi?, Kaizen và 5S có sự giao thoa hay không và để phân biệt áp dụng 2 công cụ này hiệu quả thì phải làm gì?….Tất cả những thắc mắc đã được chuyên gia từ phía Tổng cục TCĐLCL giải đáp một cách thỏa đáng đến các bạn sinh viên.
Hà My – Kim Quý