Kinh doanh phụ tùng ô tô, xe máy giả: Doanh nghiệp và người tiêu dùng đều ảnh hưởng
Vấn nạn nhức nhối
Ở Việt Nam, xe máy được xem là loại hình phương tiện di chuyển phổ biến nhất hiện nay. Vì thế, mỗi khi xe máy bị hư hỏng, hoặc cần thay thế phụ tùng, thiết bị… nhiều người đều đặt niềm tin tuyệt đối vào những lời giới thiệu, tư vấn của các chủ cửa hàng kinh doanh, sửa chữa xe máy. Trong khi đó, không phải cửa hàng nào cũng giới thiệu, kinh doanh hàng chính hãng và không phải ai cũng có thể phân biệt được đâu là hàng chính hãng, đâu là hàng giả…
Nhiều sản phẩm phụ tùng ô tô, xe máy nhái được bán trên thị trường. (Ảnh: Đ.Đạt) |
Theo khảo sát của phóng viên, tại một cửa hàng kinh doanh phụ tùng xe máy ở khu vực Ngã Tư Sở (quận Thanh Xuân), nếu như má phanh chính hãng của hãng xe máy Honda Việt Nam đang được bán với giá 190.000 đồng/bộ, thì tại đây chỉ có giá 100.000 đồng/bộ; phụ tùng nhông 2 tầng của hãng Yamaha có giá 290.000 đồng/sản phẩm, thì tại cửa hàng chỉ có giá là 135.000 đồng/sản phẩm… Điều dễ nhận thấy, hầu hết khách hàng đều khó nhận ra đâu là hàng thật, đâu là hàng giả bởi các sản phẩm bày bán được đóng tem mác y hệt hàng chính hãng, chỉ khác ở một vài chi tiết đó là không có tem phản quang chống hàng giả. Thậm chí có những chi tiết chỉ có thợ sửa chữa, hoặc những người làm công tác quản lý mới dễ dàng phân biệt.
Trước lợi nhuận cao từ việc kinh doanh, buôn bán phụ tùng xe máy, ô tô nhái nhãn hiệu; nhiều đối tượng kinh doanh còn chuyển hướng sản xuất các phụ tùng giả. Thậm chí sản xuất luôn cả xe máy đã được các hãng xe máy trong nước đăng ký sở hữu trí tuệ, sở hữu thương hiệu, nhãn hiệu. Vì thế, những chiếc xe máy giả được sản xuất khi bán ra thị trường chỉ có giá hơn chục triệu đồng, thấp hơn rất nhiều so với hàng chính hãngnên được nhiều người tiêu dùng sẵn sàng lựa chọn.
Tại Hà Nội, vào tháng 4/2023 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ và phát triển Hoàng Tiến về tội buôn bán hàng giả. Theo đó, doanh nghiệp này đã bày bán gần 5.300 sản phẩm phụ tùng ô tô gồm dây curoa, cài ba đờ sốc, lọc gió động cơ, má phanh… mang nhãn hiệu Honda. Toàn bộ số hàng hóa không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp, có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của nhãn hiệu “Honda” đã được bảo hộ tại Việt Nam. Đại diện chủ sở hữu quyền của Honda tại Việt Nam cho biết, toàn bộ số hàng hóa thu giữ tại Công ty này là giả mạo nhãn hiệu của Honda…
Nâng cao kiến thức, đẩy lùi hàng giả, hàng nhái
Thời gian qua, mặc dù lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) đã kiểm tra, phát hiện và xử lý nhiều vụ việc liên quan tới phụ tùng sản phẩm xe máy giả, nhái,… Tuy nhiên, tình trạng này vẫn diễn biến phức tạp. Hình thức làm giả không chỉ đơn thuần là sao chép, bắt chước kiểu dáng mẫu mã, mà còn có hiện tượng mua vỏ, hộp chính hãng đã qua sử dụng để chứa đựng sản phẩm giả, nhái, gây nhầm lẫn, đánh lừa người tiêu dùng và làm tổn hại đến kinh tế và giá trị thương hiệu của doanh nghiệp. Theo thống kê của Tổng cục QLTT, hiện có 55/63 Cục QLTT tại các tỉnh, thành phố đã kiểm tra, xử lý các vụ việc liên quan đến hành vi buôn bán, lắp ráp nhiều phụ tùng, linh kiện giả, giả mạo nhãn hiệu Honda, Yamaha hay Sym đang được bảo hộ tại Việt Nam. Các sản phẩm được làm giả nhiều nhất đó là: Má phanh, lá côn xe, ổ khóa xe, yên xe, nắp chụp lốc máy, lượt nhớt, mặt nạ, đèn pha…
Ông Nguyễn Đức Lê – Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ QLTT cảnh báo: “Theo thống kê, hàng năm có hàng triệu phụ tùng xe máy được bán ra để thay thế các phụ tùng bị hao mòn trong quá trình sử dụng. Nếu người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng nhái thì độ bền không cao, thậm chí là nguy hiểm trong quá trình vận hành. Đồng thời khiến môi trường kinh doanh liên quan tới xe máy ở Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng”.
Cũng đề cập đến vấn nạn này, ông Bùi Văn Định – Trưởng phòng Thực thi sở hữu trí tuệ của Công ty Honda Việt Nam, cho biết, doanh nghiệp đã thường xuyên, liên tục phối hợp với lực lượng QLTT tại các tỉnh, thành phố và các cơ quan chức năng để ngăn chặn các sản phẩm giả mạo phụ tùng xe máy của Honda. Dù đã vào cuộc quyết liệt, nhưng mỗi năm, qua công tác phối hợp với lực lượng QLTT, Honda Việt Nam vẫn phát hiện từ 200 – 300 vụ với số lượng khoảng 100.000 phụ tùng làm giả. Nhằm giúp người tiêu dùng tránh mua phải các sản phẩm phụ tùng xe giả nhái thương hiệu của hãng, hiện Honda Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao nhận diện, tuyên truyền như bộ 11 yếu tố nhận diện về tem phụ tùng Honda, giấy chứng nhận chất lượng do Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp, phần mềm ứng dụng MyHonda+…
Có thể thấy, hành vi vi phạm kinh doanh phụ tùng ô tô, xe máy giả tràn lan không chỉ khiến các doanh nghiệp kinh doanh, các nhà sản xuất uy tín chịu ảnh hưởng; mà còn gây nguy hiểm đến tính mạng người tiêu dùng khi sử dụng hàng kém chất lượng tham gia giao thông. Trước thực trạng này, bên cạnh việc Tổng cục QLTT sẽ tăng cường triển khai thêm nhiều giải pháp công nghệ để giúp người tiêu dùng mua, sử dụng hàng chính hãng, chất lượng, để phân biệt được phụ tùng ô tô, xe máy giả, người tiêu dùng có thể đến phòng trưng bày của Tổng cục QLTT tại địa chỉ 62 Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, để được cung cấp thông tin nhận diện các sản phẩm phụ tùng xe máy chính hãng, qua đó nâng cao kỹ năng, kiến thức trong việc lựa chọn sản phẩm, bảo vệ quyền lợi bản thân và gia đình.
Đỗ Đạt
Nguồn: Báo lao động thủ đô