SACA: Đề cao chiến lược mở rộng thị trường quốc tế trong thời kỳ hội nhập
(Xây dựng) – Sau hơn 35 năm đổi mới, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, đạt được những thành tựu quan trọng, trở thành trụ đỡ chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội của đất nước. Tuy nhiên, xuất khẩu hàng hóa vẫn còn nhiều hạn chế, đòi hỏi cần có những giải pháp đột phá để bảo đảm phát triển bền vững trong giai đoạn tới. Theo đó, Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh (SACA) đã tổ chức chương trình trao đổi tìm kiếm giải pháp với chủ đề “Chiến lược mở rộng thị trường nước ngoài”.
Ông Lê Viết Hải – Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình. |
Chiều 02/11/2023, SACA đã tổ chức thành công buổi trao đổi với chủ đề “Chiến lược mở rộng thị trường nước ngoài”, chương trình có sự góp mặt của các hiệp hội và hội ngành Xây dựng, Ban điều hành SACA cùng gần 150 khán giả tham gia trao đổi.
Chương trình mang đến những nội dung vô cùng thiết thực về các vấn đề liên quan thị trường nước ngoài, làm thế nào để tự tin vươn mình ra biển lớn được đúc kết từ kinh nghiệm “xương máu” của các chuyên gia đã và đang làm việc với các đối tác tại thị trường nước ngoài.
Buổi trao đổi có 03 chuyên đề: Ban ICDD và Hệ sinh thái quốc tế SACA; Kinh nghiệm đưa thương hiệu Việt ra thị trường quốc tế – Bài học từ Secoin; 3 then chốt mở cửa thị trường nước ngoài.
Ông Đinh Hồng Kỳ – Phó Chủ tịch thường trực, Tổng thư ký SACA, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Secoin phát biểu. |
Phát biểu tại Chương trình, ông Lê Viết Hải – Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho biết: “Chúng ta không thể ngừng tiến bước và cần luôn cải tiến, đổi mới, mở rộng không gian phát triển để đáp ứng được các yêu cầu và thay đổi của thị trường ngày càng khắc nghiệt”.
Theo ông Lê Viết Hải, đặc biệt, từ năm 2023, một trong những thị trường chủ lực của Việt Nam là EU sẽ áp thuế phát thải carbon theo Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Cơ chế này ban đầu sẽ áp dụng cho các ngành phát thải cao nhất có nguy cơ rò rỉ cao nhất như sắt thép, xi măng, nhôm và có thể sẽ được mở rộng sang các ngành khác trong những năm tới. Nếu muốn tiếp tục xuất khẩu sang thị trường rộng lớn này, các doanh nghiệp trong ngành phải chuẩn bị tốt để đáp ứng các yêu cầu của EU. Bên cạnh đó, một thị trường vô cùng tiềm năng trong thời gian tới cần thúc đẩy phát triển là châu Phi.
Bà Văn Thị Anh Thư – Trưởng Ban Hợp tác và Phát triển quốc tế Hiệp hội SACA/Giám đốc Phát triển Kinh doanh và Marketing B2B Công ty Cổ phần Tập đoàn Điện Quang. |
Với chuyên đề “Ban ICDD và Hệ sinh thái quốc tế SACA”, bà Văn Thị Anh Thư – Trưởng Ban Hợp tác và Phát triển quốc tế Hiệp hội SACA/Giám đốc Phát triển Kinh doanh và Marketing B2B Công ty Cổ phần Tập đoàn Điện Quang cho biết, với chiến lược hợp tác, kết nối quốc tế và tạo cơ hội cho các thành viên SACA tham gia & phát triển tại thị trường nước ngoài. Nhằm tạo một hệ sinh thái toàn diện hoạt động chuyên sâu của SACA nói chung và các doanh nghiệp Hội viên nói riêng trong việc phát triển thị trường nước ngoài, xây dựng cùng nhau cơ hội tiếp cận, phát triển tại thị trường nước ngoài ngành Xây dựng và vật liệu xây dựng, thiết kế, công nghệ…
Bà Võ Liên Hương – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Secoin. |
Trình bày tại chương trình, bà Võ Liên Hương – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Secoin (Doanh nghiệp đã xuất khẩu vật liệu xây dựng tới 60 nước trên khắp 6 châu lục) cho rằng, các chuỗi cung ứng toàn cầu khi làm việc với các nhà cung cấp từ Việt Nam đã đưa ra yêu cầu về cung cấp “sản phẩm bền vững”, sản phẩm xanh”. Doanh nghiệp Việt Nam cần đưa ra những sản phẩm phù hợp với kinh tế tuần hoàn, có khả năng tái sinh, góp phần chống biến đổi khí hậu. Nếu không thích ứng với những xu thế chung của thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ phát triển được trong ngắn hạn và mất cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo bà Võ Hương Liên, khi các yếu tố thúc đẩy xanh hóa ngày càng tăng, 100% doanh nghiệp vật liệu xây dựng khẳng định phát triển bền vững có nằm trong trọng tâm kinh doanh năm 2023. Hiện tại, 77,8% doanh nghiệp cho biết đã và đang trong quá trình lập kế hoạch và triển khai cam kết ESG như một công cụ hữu hiệu để phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Bà Ngô Phi Phụng – Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ tiếp thị chia sẻ Metta. |
Ở chuyên đề thứ 3, bà Ngô Phi Phụng – Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ tiếp thị chia sẻ Metta đã đưa ra 3 then chốt mở cửa thị trường nước ngoài: Thứ nhất, thấu hiểu thị trường và người dùng chính là thấu hiểu được khách hàng mục tiêu, ngách thị trường và chiến lược thâm nhập thị trường; Thứ hai, xây dựng hình ảnh doanh nghiệp bằng các công cụ truyền thông chủ yếu tại thị trường nước ngoài, pháp luật về dữ liệu khách hàng cần tuân thủ, câu chuyện thương hiệu truyền cảm hứng và gây hiệu ứng truyền miệng tốt; Thứ ba, khả năng tiên liệu và dự đoán về tình hình chính trị, xã hội, kinh tế, xã hội của thế giới và khu vực, quốc gia nhập khẩu cũng như luật và quy định, logistics quốc tế và tỉ giá.
Ông Lê Duy Xuân – Hội viên SACA, Giám đốc Công ty TNHH Thép QSB bày tỏ sự ủng hộ cũng như đồng quan điểm với những chuyên đề của các diễn giả tại chương trình. |
Các chuyên đề trao đổi nằm trong khuôn khổ chương trình CAFE SACA – một chương trình được tổ chức hàng tháng nhằm đưa ra những giải pháp hỗ trợ các hội viên hiệp hội, cũng như trao đổi chia sẻ để giúp đỡ hội viên trong việc xây dựng và phát triển doanh nghiệp.
Đây cũng là dịp để Hội viên gặp gỡ, kết nối, mở rộng hơn nữa mối quan hệ với các đại diện doanh nghiệp tham gia. Tới đây, chương trình CAFE SACA sẽ được đổi tên thành SACA Connect nhằm thể hiện tốt hơn tinh thần cũng như mục đích, ý nghĩa mà chương trình mang lại.
Nguồn: Báo xây dựng