Chống gian lận thương mại đối với hàng hóa xuất nhập khẩu qua dịch vụ chuyển phát nhanh

Theo đó, hàng hóa gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được chia làm 3 nhóm:

+ Nhóm 1: Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là tài liệu, chứng từ không có giá trị thương mại.

+ Nhóm 2: Hàng hóa nhập khẩu có trị giá hải quan trong định mức miễn thuế (1 triệu đồng) và không thuộc mặt hàng phải có giấy phép nhập khẩu, kiểm tra chuyên ngành; Hàng hóa xuất khẩu có trị giá hải quan dưới 5 triệu đồng, được miễn thuế xuất khẩu hoặc chịu thuế xuất khẩu với thuế suất là 0% và không thuộc mặt hàng phải có giấy phép nhập khẩu, kiểm tra chuyên ngành.

+ Nhóm 3: Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không thuộc nhóm 1, nhóm 2; hàng hóa thuộc nhóm 1, 2 nhưng chủ hàng hoặc người được chủ hàng ủy quyền yêu cầu tự làm thủ tục hải quan; hàng hóa có thông tin cảnh báo nội bộ của doanh nghiệp; hàng hóa có nghi ngờ về trị giá hải quan.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Tương ứng với từng nhóm, thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhóm 1, nhóm 2 đơn giản, các chỉ tiêu thông tin khai báo lược giản hơn so với hàng hóa thông thường; còn thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhóm 3 được thực hiện như hàng hóa thông thường.

Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang quản lý 13 địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát tập trung đối với hàng gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh và 30 kho thuê tại các địa điểm này để thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh và giao các Cục Hải quan tỉnh/thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Lạng Sơn, Bình Dương quản lý. Hàng hóa gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh chủ yếu được vận chuyển qua đường hàng không và đường bộ.

Trong thời gian qua, hàng hóa nhập khẩu trị giá thấp gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh tăng mạnh. Số lượng gói, kiện lên đến hàng trăm nghìn/ngày, khoảng từ 1 đến 4 triệu/tháng.

Quy định về miễn thuế nhập khẩu tại Nghị định số 134/2016/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 18/2021/NĐ-CP không giới hạn số lần/đơn vị thời gian một tổ chức, cá nhân được miễn thuế, do đó trên thực tế đã phát sinh các trường hợp cùng một tổ chức, cá nhân, một số điện thoại trong một thời gian ngắn đã đứng tên nhập khẩu nhiều tờ khai hàng hóa trị giá thấp. Ngoài ra, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh có thể lợi dụng chính sách có liên quan để chia, tách hàng hóa nhằm mục đích trốn thuế, không thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

Bên cạnh đó, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trên các tuyến biên giới nói chung và tuyến hàng không – bưu điện quốc tế (chuyển phát nhanh) nói riêng trong thời gian qua vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Từ công tác thu thập thông tin, nắm tình hình địa bàn trên tuyến bưu điện – chuyển phát nhanh, cơ quan Hải quan nhận thấy các đối tượng ngày càng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi nhằm trốn tránh sự kiểm soát của các lực lượng chức năng. Điển hình như việc lợi dụng nhập khẩu hàng hoá theo loại hình quà biếu, quà tặng để đưa hàng hóa cấm nhập khẩu và nhập khẩu có điều kiện vào Việt Nam. Các đối tượng thường sử dụng thủ đoạn khai báo sai tên hàng hóa, đóng gói, trà trộn lẫn vào hàng hóa tiêu dùng như: sữa hộp, thực phẩm chức năng… Hàng hóa vận chuyển qua đường chuyển phát nhanh thường được ủy quyền cho hãng vận chuyển làm thủ tục và thủ tục phát nhận hàng đơn giản nên rất khó xác định chủ hàng thật của đơn hàng. Khi các lô hàng nghi vấn bị cơ quan Hải quan yêu cầu kiểm tra thì các đối tượng lập tức từ chối nhận hàng, không hợp tác với cơ quan Hải quan hoặc bỏ hàng.

Bên cạnh đó, các đối tượng đứng tên trên vận đơn còn sử dụng tên, giấy tờ tùy thân (CMND loại cũ, CCCD), địa chỉ nhận và gửi giả hoặc không rõ ràng, sim rác điện thoại chỉ sử dụng một lần, sử dụng các nền tảng mạng xã hội (Facebook, zalo, viber…) trong quá trình liên hệ, mua bán trao đổi nhằm gây khó khăn trong công tác điều tra xác minh. Khi bị phát hiện, các đối tượng đã bỏ trốn hoặc không xuất hiện để nhận hàng.

Các mặt hàng buôn lậu trọng điểm thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh phổ biến là hàng điện tử (điện thoại di động, máy tính bảng..); mỹ phẩm, quần áo, túi xách, đồng hồ cao cấp; sản phẩm từ động vật hoang dã (xương hổ, nanh hổ, vòng tay ngà voi…); dược phẩm; thực phẩm chức năng hàng hóa có thuế suất cao, hàng hóa nhập khẩu có điều kiện, ma túy (cần sa, heroin, ketamin, cocain…).

Đối với hàng hóa có trị giá không lớn, nhiều trường hợp cá nhân, tổ chức không chấp nhận nộp thuế hoặc mẫu hàng không đủ điều kiện kiểm tra chuyên ngành nên đã từ chối nhận hàng, dẫn đến hệ quả là tại các kho chuyển phát nhanh thường phát sinh số lượng lớn hàng hóa tồn đọng. Cơ quan Hải quan phải dành nguồn lực để theo dõi, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan chuyên ngành để xử lý. Thậm chí, theo quy định tại Thông tư số 203/2014/TT-BTC, cơ quan Hải quan còn phải chi trả chi phí có liên quan, gây lãng phí nguồn lực nhà nước.

Thời gian qua, cơ quan Hải quan đã phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ nhiều vụ việc vi phạm qua dịch vụ chuyển phát nhanh. Điển hình như, ngày 9/9/2021 Đội 1 – Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã chủ trì phối hợp với Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh kiểm tra 24 bưu kiện từ Ấn Độ về Việt Nam và phát hiện hàng hóa bên trong là một lượng lớn thuốc tân dược điều trị ung thư và thuốc chữa covid được sản xuất tại Ấn Độ còn hạn sử dụng, không có giấy phép lưu hành, ước chừng trị giá khoảng 20 tỷ đồng. Tất cả các bưu kiện trên đều không có người đến nhận hàng. Qua công tác điều tra xác minh, kết quả cho thấy các cá nhân đứng tên trên vận đơn đều không tồn tại mặc dù qua xác minh tại Trung tâm khai thác Quốc tế – Tổng Công ty Chuyển phát nhanh Bưu Điện – Chi nhánh Hà Nội cho thấy các đối tượng có thông tin nêu trên đã nhiều lần nhận bưu kiện do EMS phát.

Hay gần đây, ngày 12/5/2023, Đội 1 phối hợp với Đội Kiểm soát hải quan – Cục Hải quan TP. Hà Nội, Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh… kiểm tra 2 kiện hàng được vận chuyển qua đường chuyển phát nhanh theo loại hình quà biếu, quà tặng (H11) từ Indonesia về Việt Nam. Kết quả phát hiện hàng hoá là xương hổ thuộc danh mục Cites với tổng trọng lượng lên đến 23,43kg.

Ngoài ra, theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, tuyến hàng không, chuyển phát nhanh được xác định là một trong những tuyến trọng điểm về vận chuyển trái phép các loại ma túy (như các loại thuốc tân dược có chứa chất gây nghiện, hướng thần, cần sa và ma túy tổng hợp) từ nước ngoài về Việt Nam và ngược lại. Tập trung chủ yếu tại các địa bàn thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Các đối tượng thường sử dụng các phương thức, thủ đoạn chủ yếu như ma túy được đóng gói trong các vật phẩm chứa định dạng dễ che giấu như túi cà phê hòa tan, thanh socola, dầu gội đầu, dầu dừa, kem đánh răng, thực phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc tân dược, bánh kẹo, đồ uống hoặc trong ruột/lõi của các máy móc, thiết bị, đồ gia dụng khó bị phát hiện thông qua soi chiếu… Sau khi cất giấu, trộn lẫn ma túy trong hàng hóa thì dập nắp giống của nhà sản xuất. Hoặc ma túy được tẩm, cất giấu trong đồ may mặc (như quần áo, giày dép, ba lô…); hay được cất giấu trong lô hàng bọc chì xung quanh và rắc ớt bột nhằm gây khó khăn cho máy phát hiện ma túy và chó nghiệp vụ.

Các tội phạm ma túy thường sử dụng tên, giấy tờ tùy thân (CMND, CCCD), địa chỉ nhận – gửi giả hoặc không rõ ràng, điện thoại SIM rác; sử dụng công nghệ cao trong quá trình liên hệ, trao đổi mua bán, vận chuyển, giao – nhận; thuê người nhận giúp gói hàng chứa ma túy. Bên cạnh đó, chúng còn thuê đối tượng là người nước ngoài, khách du lịch có lịch bay vòng qua nhiều nước để đánh lạc hướng cơ quan chức năng. Đặc biệt, gần đây có xu hướng lợi dụng chính sách miễn thị thực đối với khách nhập cảnh là người các nước khối ASEAN để móc nối, vận chuyển trái phép ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam qua đường hàng không. Vì hàng hoá được mã hoá tên người nhận nên để xác minh được tên người nhận phải trải qua rất nhiều công đoạn. Hàng hoá qua đường chuyển phát nhanh thường được uỷ quyền cho hãng vận chuyển làm thủ tục và thủ tục phát nhận hàng đơn giản nên cơ quan chức năng rất khó để xác định được chủ lô hàng thật sự.

Liên quan đến vận chuyển ma túy thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh, ngày 4/1/2022, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh (Đội Kiểm soát phòng chống ma túy và Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh) đã chủ trì, phối hợp cùng với các lực lượng chức năng gồm Đội 6 – Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy (Công an TP. Hồ Chí Minh) phát hiện và bắt giữ tổng cộng gần 25 kg ma túy tổng hợp loại MDMA (thuốc lắc), Heroin và 18 kg cần sa vận chuyển trái phép qua dịch vụ bưu chính quốc tế và chuyển phát nhanh. Kết quả kiểm tra đã phát hiện 20 bưu kiện (với hơn 10 kg ma túy tổng hợp và 18 kg cần sa) giấu trong các lô hàng quà biếu phi mậu dịch nhập khẩu và 5 kiện hàng xuất khẩu (gần 10 kg heroin và khoảng 6 kg nghi Cocaine) gửi thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh với thủ đoạn cất giấu tinh vi trong các vật dụng gia đình, các khối sáp thơm, máy hát dĩa, hoặc ép vào các thành, vách thùng bao bì carton, còn cần sa được ngụy trang trong các lon ngũ cốc, sữa, bánh… 

Để phòng ngừa và kiểm soát tốt tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới trên tuyến bưu điện, chuyển phát nhanh, cơ quan Hải quan đã chủ động thu thập thông tin, nắm vững tình hình địa bàn; kết hợp đồng bộ, hiệu quả giữa phương pháp kiểm soát hải quan hiện đại với phương pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan truyền thống, phối hợp, trao đổi thông tin chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng trong và ngoài ngành nhằm chủ động, phòng ngừa từ xa, từ sớm. Qua đó đã kịp thời ngăn chặn và phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm góp phần đảm bảo an ninh, an toàn xã hội và chống thất thu ngân sách nhà nước.

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích