Đại biểu Quốc hội: Tái định cư khó khả thi nếu “quy định cứng” trong luật
Cụ thể, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định khu tái định cư phải đảm bảo các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông bảo đảm kết nối; hạ tầng xã hội bảo đảm khả năng tiếp cận dịch vụ y tế giáo dục…; phù hợp với điều kiện phong tục tập quán của từng vùng miền.
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính phát biểu thảo luận |
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính khẳng định, với những quỹ đất hiện nay thì khó có khu tái định cư nào đủ 3 điều kiện trên. Do đó, nếu “quy định cứng” trong luật thì vấn đề bồi thường tái định cư trở nên khó khả thi, nhất là các thành phố lớn.
Đặc biệt, việc bố trí tái định cư phải phù hợp với điều kiện phong tập quán của từng vùng miền là rất khó khả thi. Bởi lẽ phong tục tập quán là điều đặc trưng không địa phương nào giống địa phương nào, có người được bố trí tái định cư ngay tại địa phương nhưng cũng có người phải tái định ở nơi khác. Do đó theo đại biểu Nguyễn Hữu Chính, dự thảo Luật chỉ nên quy định những tiêu chí mang tính nguyên tắc căn bản, có tính khả thi và không quy định cứng.
Ngoài ra ông Chính cũng đề nghị rà soát liên quan đến định nghĩa “tái định cư” trong dự thảo Luật, khái niệm về “người không có chỗ ở nào khác”.
Các đại biểu dự Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV |
Về tài sản gắn liền với đất thuê khoản 2 Điều 34, đại biểu Nguyễn Hữu Chính tán thành với phương án 1 và cho rằng, quy định theo hướng này bảo đảm tài sản nhà nước, thực hiện bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, hạn chế thất thoát tài sản Nhà nước.
Còn theo đại biểu Trần Thị Vân (Đoàn tỉnh Bắc Ninh), dự thảo Luật trình Kỳ họp thứ 6 cơ bản đã được sửa đổi và bổ sung theo hướng phù hợp hơn so với thực tiễn trên cơ sở rà soát, tiếp thu các ý kiến của các đại biểu, các chuyên gia và toàn thể nhân dân.
Quan tâm tới quy định liên quan đến quy hoạch sử dụng đất, đại biểu Trần Thị Vân chỉ rõ, hiện nay, các quy định này đang bị chia tách bởi 2 luật, một nửa quy định tại Chương 5 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), còn lại được quy định tại Luật Quy hoạch.
Đại biểu Trần Thị Vân phát biểu thảo luận |
Cụ thể, đối với quy hoạch về sử dụng đất quốc gia, quy định về căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất căn cứ vào nội dung kế hoạch sử dụng đất quốc gia được quy định tại Điều 65 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trong khi đó, nội dung quy hoạch sử dụng đất quốc gia lại được quy định tại Điều 24 Luật Quy hoạch. Vấn đề này cũng xảy ra tương tự đối với đất quốc phòng, an ninh và một số loại đất khác.
“Như vậy, nếu giữ nguyên như dự thảo Luật thì sau khi ban hành việc triển khai thực hiện các quy định pháp luật sẽ bị xé lẻ manh mún. Đơn vị lập quy hoạch sử dụng đất phải sử dụng cùng một lúc là 2 luật. Do đó, đề nghị các quy định về quy hoạch sử dụng đất cần được sửa đổi, bổ sung vào ngay Chương 5 của dự thảo Luật. Đồng thời, bãi bỏ các quy định về nội dung, quy trình đang bị chồng chéo tại Luật Quy hoạch”, đại biểu Trần Thị Vân nêu ý kiến.
Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV |
Đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đoàn thành phố Đà Nẵng) cho rằng, cần thận trọng xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi thông qua dự án Luật. Bởi qua nghiên cứu dự thảo Luật trình tại Kỳ họp lần này, đại biểu cho biết, còn nhiều nội dung có các phương án khác nhau, chưa thống nhất như trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nhấn mạnh Luật Đất đai là luật rất quan trọng, phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước, đại biểu Nguyễn Duy Minh đề nghị cần khẳng định hiệu lực pháp lý cao hơn của luật Đất đai, xem xét bổ sung một điều về áp dụng pháp luật như bản dự thảo lấy ý kiến nhân dân.
“Việc bổ sung thêm điều này chính là giải pháp để giải quyết các xung đột pháp luật, vướng mắc trong quản lý sử dụng đất đai do lịch sử để lại, từ yêu cầu mới của thực tiễn”, ông Minh nói.
Đại biểu Nguyễn Duy Minh phát biểu thảo luận |
Theo đại biểu Nguyễn Duy Minh, khoản 2, 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã có quy định cụ thể, xong trên thực tế, vẫn còn có những cách hiểu khác nhau, cách áp dụng khác nhau. Kỳ họp lần này dự kiến thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); cần rà soát để đảm bảo không mâu thuẫn, xung đột.
Ngoài ra, khoản 5 Điều 65 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định: Thành phố trực thuộc Trung ương đã có quy hoạch đô thị được phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị thì không phải lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh mà căn cứ quy hoạch đô thị để lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh. Trường hợp quy hoạch đô thị được phê duyệt sau khi phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh mà làm thay đổi chỉ tiêu sử dụng đất trong kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh thì không phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh mà chỉ điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh.
Đại biểu Nguyễn Duy Minh đề nghị sửa đổi Điều 18 Luật Quy hoạch đô thị cho thống nhất với Luật Đất đai (sửa đổi), bổ sung quy định về lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, cấp xã trong quy hoạch đô thị ở các thành phố trực thuộc trung ương.
Nguồn: Báo lao động thủ đô