Lợi ích khi áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ của EU và Đức trong sản xuất nông nghiệp Việt Nam

Hiện nay, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng quan tâm đến các sản phẩm có lợi cho sức khỏe, được sản xuất tự nhiên và bền vững. Theo ông Marco Schlüter – Trưởng ban Chiến lược và Quan hệ quốc tế, kiêm thành viên Hội đồng quản trị của Hiệp hội Nông dân hữu cơ Đức (Naturland) – nhận định: Quy mô phát triển thị trường thực phẩm hữu cơ của Việt Nam còn nhỏ. Tuy nhiên, sau đại dịch Covid-19, người tiêu dùng có xu hướng quan tâm tới sản phẩm chất lượng nhiều hơn. Việc tầng lớp trung lưu của Việt Nam ngày càng mở rộng sẽ là cơ hội để phát triển thị trường thực phẩm hữu cơ.

Liên quan tới sự phát triển của tầng lớp trung lưu, nhiều chuyên gia đã nhận định rằng họ có xu hướng tiêu dùng nhiều thực phẩm hữu cơ. Vì vậy, dù quy mô hiện tại của thị trường thực phẩm hữu cơ của Việt Nam còn nhỏ nhưng triển vọng phát triển trong tương lai là rất khả thi. 

Ông Marco Schlüter cho rằng, Việt Nam có thể sản xuất thực phẩm theo tiêu chuẩn hữu cơ để xuất khẩu sang châu Âu và đây là cơ hội lớn không thể bỏ qua. Tuy nhiên, muốn xuất khẩu được thì việc đầu tiên phải xác định sản phẩm muốn xuất khẩu sang châu Âu là gì, phù hợp với thị trường nào? Theo chuyên gia này, khi sản phẩm hữu cơ xuất khẩu sang châu Âu phải đảm bảo có giấy chứng nhận hữu cơ, cơ quan xác minh sản phẩm hữu cơ xem chất lượng có đạt tiêu chuẩn châu Âu hay không. Sau đó, Cơ quan nhập khẩu châu Âu sẽ lấy mẫu và giữ lại một số mặt hàng để kiểm tra, nếu sản phẩm không đảm bảo, thì không được phép nhập khẩu vào châu Âu. Để sản phẩm thâm nhập tốt vào thị trường châu Âu, nhà sản xuất Việt Nam cũng cần quan tâm tới việc tham gia các hội chợ lớn, liên hệ với đối tác nhờ cung cấp thông tin hữu ích về quy trình sản xuất hữu cơ cần tuân thủ trước khi muốn xuất khẩu sản phẩm vào thị trường mới. 

Ngoài ra, theo ông Marco Schlüter, các nhà sản xuất cần phải thiết lập các tiêu chuẩn trong việc giúp người tiêu dùng phân biệt và nhận biết “hữu cơ” thật sự là như thế nào cùng giá trị của các sản phẩm hữu cơ.

Người tiêu dùng có xử hướng ngày càng lựa chọn sản phẩm hữu cơ. Ảnh minh họa

Tiêu chuẩn hữu cơ EU và Naturland được biết đến với quy định nghiêm ngặt và chặt chẽ, mang đến những thông tin minh bạch về phương pháp sản xuất và truy xuất nguồn gốc, giúp người tiêu dùng hoàn toàn tin tưởng và yên tâm sử dụng các sản phẩm hữu cơ chất lượng. Nông dân hữu cơ trồng trọt và chăm bón cây tự nhiên, hạn chế tối đa phân hóa học, thuốc trừ sâu và các chất phụ gia. Tất cả các trang trại và nhà máy chế biến của EU và Naturland đều hoạt động theo tiêu chuẩn hữu cơ của EU và Tiêu chuẩn Naturland, bao gồm việc kiểm tra trang trại thường xuyên, đảm bảo sản phẩm thực phẩm đến tay người tiêu dùng là dinh dưỡng, chất lượng, an toàn, xác thực và bền vững.

Theo số liệu của Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam tính đến hết năm 2021 là 119.105 ha, chiếm 0,5% tổng diện tích đất nông nghiệp. Trong khi đó, theo đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ 2020 – 2030 cho Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đề ra mục tiêu đến năm 2030 diện tích đất sản xuất nông nghiệp là sản xuất hữu cơ chiếm 2,5 – 3%; giá trị gia tăng của các sản phẩm hữu cơ so với sản phẩm thông thường là 1,5 – 1,8 lần. Đây là giai đoạn thuận lợi cho phát triển nông nghiệp hữu cơ khi có sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện, có chính sách ưu tiên cho phát triển nông nghiệp hữu cơ. Việt Nam đã tham gia hội nhập sâu rộng với các quốc gia trên thế giới, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do,…

Lọi ích của việc áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ của EU và Naturland trong sản xuất nông nghiệp Việt Nam

Việc áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ của Liên minh Châu Âu và tiêu chuẩn Naturland vào hệ thống thực phẩm giúp xây dựng mô hình hệ thống canh tác bền vững, điều này bao gồm việc giảm thiểu tác động môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và quản lý tài nguyên nước hiệu quả. Cả nông dân và người tiêu dùng đều được hưởng lợi từ sức khỏe của đất đai, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tính phì nhiêu, cấu trúc và đa dạng vi sinh. Bên cạnh đó, cũng tạo ra nhiều cơ hội việc làm, thúc đẩy sự phát triển trong lĩnh vực sản xuất hữu cơ và hỗ trợ các nông dân địa phương.

Sản phẩm hữu cơ đến từ trang trại Naturland đáp ứng các yêu cầu sinh thái và xã hội theo tiêu chuẩn Naturland. Nông dân ở các trang trại Naturland thường phải tuân thủ các quy tắc thậm chí còn nghiêm ngặt hơn so với các quy định hữu cơ của Liên minh Châu Âu. Ví dụ, họ phải chuyển đổi toàn bộ trang trại của mình thành trang trại hữu cơ, quản lý chặt chẽ việc bón phân, thức ăn cho động vật và quy trình chế biến. Bên cạnh đó, nông dân Naturland cũng phải tuân thủ các tiêu chuẩn xã hội Naturland. Các tiêu chuẩn bao gồm quyền con người, quyền trẻ em, sức khỏe và an toàn lao động, điều kiện làm việc tốt bao gồm hợp đồng lao động, được đối xử bình đẳng, tiền lương, giờ làm việc, phúc lợi xã hội và giáo dục nâng cao. Chứng nhận hữu cơ đưa ra những quy định nghiêm ngặt này giúp người tiêu dùng an tâm hơn khi lựa chọn và sử dụng thực phẩm.

Được thành lập vào năm 1982, Naturland được coi là Hiệp hội có đóng góp đáng kể trong việc kiến tạo những quy chuẩn đầu tiên về Nông nghiệp hữu cơ tại Đức, đồng thời xây dựng nền móng cho những tiêu chuẩn, chứng nhận về hữu cơ sau này. Hiện, Naturland đã có tới 125.000 hội viên ở 60 quốc gia trải khắp thế giới, từ các lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi ong cũng như lâm nghiệp và cùng hợp tác với các đối tác từ chế biến, thương mại đến ẩm thực. Riêng tại Đức đã có 4.700 trang trại hữu cơ thuộc Naturland canh tác trên hơn 207.000 hecta. Bên cạnh đó còn có 1.400 đối tác kinh doanh sản phẩm của Naturland.

Khánh Mai (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích