Hà Nội chuẩn bị xây cầu Thượng Cát bắc qua sông Hồng
Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội sẽ tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc công trình cầu Thượng Cát nối quận Bắc Từ Liêm với huyện Đông Anh.
Nằm trong danh sách 10 cầu bắc qua sông Hồng được thực hiện giai đoạn 2015 – 2030, cầu Thượng Cát có mức đầu tư dự kiến 8.300 tỷ đồng. Đây là dự án giao thông huyết mạch khu vực Tây Bắc Thủ đô Hà Nội nối quận Bắc Từ Liêm sang huyện Đông Anh.
Với thiết kế 8 làn xe, chiều dài 820 m, chiều rộng 33 m, cầu Thượng Cát qua sông Hồng được kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông theo quy hoạch; kết nối, khai thác hợp lý với hạ tầng giao thông đã được xây dựng, phục vụ nhu cầu đi lại, giảm thiểu ùn tắc. Góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô nói riêng và khu vực nói chung.
Nhằm đáp ứng cao nhất các điều kiện cho việc thiết kế và lập dự án đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát và đường hai đầu cầu, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội tổ chức cuộc thi tuyển phương án kiến trúc công trình cầu Thượng Cát thuộc Dự án đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát và đường hai đầu cầu.
Đối tượng dự thi là các cá nhân, tổ chức tư vấn thiết kế trên khắp cả nước, có đủ năng lực chuyên môn, hành nghề theo quy định pháp luật hiện hành và tự nguyện tham gia. Các tổ chức, cá nhân dự thi nộp hồ sơ đăng ký dự thi, hồ sơ dự thi trực tiếp đến Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội, số 01 Quang Trung, Hà Đông, Thành phố Hà Nội.
Thời gian nộp hồ sơ thi tuyển phương án kiến trúc (giai đoạn thi tuyển) trong vòng 45 ngày kể từ ngày đơn vị tổ chức cuộc thi phát hành thông báo về các cá nhân, tổ chức vượt qua giai đoạn sơ tuyển được tham dự giai đoạn thi tuyển.
Cơ cấu giải thưởng gồm 03 giải. Cụ thể, giải Nhất trị giá 150.000.000 đồng, giải Nhì trị giá 100.000.000 đồng, giải Ba trị giá 50.000.000 đồng.
Việc đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát giúp đảm bảo tính đồng bộ, thông suốt trong việc đầu tư toàn tuyến đường vành đai 3,5; góp phần kết nối liên thông đại lộ Thăng Long và quận Bắc Từ Liêm với huyện Đông Anh và các địa phương khu vực phía Bắc sông Hồng.
Dự án cũng giúp giảm tải lưu lượng cho tuyến đường 70, đường vành đai 3 và hình thành các tuyến đường hạ tầng khung quan trọng trên địa bàn Thủ đô, nâng cao tỉ lệ mật độ đường giao thông đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của các quận Bắc Từ Liêm, huyện Đông Anh và các địa phương lân cận nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung.
Theo Người Hà Nội
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu