Ngành Giáo dục Hà Nội ký kết hợp tác về giáo dục di sản cho học sinh
Chiều 2/11, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức ký thoả thuận hợp tác với Sở Văn hoá và Thể thao, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội và Ủy ban nhân dân các huyện Gia Lâm, Sóc Sơn và thị xã Sơn Tây về việc triển khai chương trình giáo dục di sản, tham quan học tập ngoại khoá tại các di tích lịch sử văn hoá trên địa bàn Thành phố.
Đồng chí Trần Thế Cương – Giám đốc Sở Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phát biểu tại buổi lễ. |
Phát biểu khai mạc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương nhấn mạnh, Hà Nội có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với hơn 2.800 trường học, hơn 2,2 triệu học sinh. Nhiệm vụ giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục truyền thống lịch sử văn hoá cho học sinh được ngành Giáo dục và cả hệ thống chính trị quan tâm. Trên địa bàn Thành phố có rất nhiều di tích lịch sử văn hoá có giá trị, là nguồn tài nguyên giáo dục quý báu trong công tác giáo dục học sinh.
Nhằm thực hiện Chương trình 06/Ctr-TU của Thành uỷ Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, giai đoạn 2021 – 2025”, nâng cao hiệu quả giáo dục di sản cho học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và các đơn vị, địa phương thống nhất thoả thuận hợp tác giáo dục di sản cho học sinh.
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cùng các đơn vị kí kết thỏa thuận hợp tác. |
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề nghị các đơn vị quản lý di tích, Sở Văn hóa và Thể thao, các quận, huyện, thị xã tăng cường phối hợp, tạo điều kiện cho các nhà trường đưa học sinh đến học tập, tìm hiểu về lịch sử truyền thống dân tộc. Sở cũng đề nghị các phòng giáo dục và đào tạo, nhà trường tăng cường tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh tại các di tích, khuyến khích học sinh viết bài thu hoạch về nội dung này.
Nội dung thỏa thuận hợp tác giữa các bên nhằm cung cấp cho học sinh những kiến thức lịch sử của Thăng Long – Hà Nội gắn với các hoạt động trải nghiệm thực tế tại các di tích, từng bước đưa di sản tiếp cận trường học; qua đó, góp phần tăng cường mối liên kết giữa di sản với nhà trường, nâng cao trách nhiệm của cộng đồng và thế hệ trẻ trong việc gìn giữ, bảo tồn di sản.
Nguồn: Báo lao động thủ đô