3 chương trình mục tiêu quốc gia tác động lớn đến xã hội, cải thiện môi trường nông thôn

Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tiếp tục chương trình kỳ họp, sáng 30/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia.

Đây là lần đầu tiên, Quốc hội thực hiện giám sát tổng hợp 3 chương trình mục tiêu quốc gia, được thực hiện vào giữa nhiệm kỳ, thể hiện rõ phương châm từ sớm, từ xa của Quốc hội để đồng hành cùng Chính phủ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Đảng, Nhà nước ta luôn xác định xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, quan trọng, nhất quán, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Những năm qua, cấp ủy chính quyền các cấp đã luôn quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, cùng với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của toàn dân để thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, các chương trình mục tiêu quốc gia ở giai đoạn trước đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, góp phần hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đồng thời, đây cũng là một điểm sáng trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước ta. Kế thừa và phát huy kết quả thực hiện các chương trình này, Quốc hội đã tiếp tục ban hành 3 nghị quyết về Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Đã có tác động lớn đến xã hội, cải thiện môi trường nông thôn

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Quốc Quân (đoàn Long An) cho rằng, thời gian qua, việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã có tác động lớn đến xã hội, cải thiện môi trường nông thôn.

Việc triển khai thực hiện các chương trình đã đóng góp tác động rất lớn đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội, thay đổi diện mạo nông thôn, đặc biệt là với kết cấu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế đã được quan tâm đầu tư đồng bộ, đáp ứng yêu cầu quá trình phát triển và hiện đại hóa nông thôn; đời sống của người dân được nâng lên; thu nhập bình quân đầu người hằng năm đều tăng, tỉ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm. 

Công tác lồng ghép, huy động các nguồn lực trong triển khai thực hiện 3 chương trình đã tạo động lực và huy động được toàn bộ nguồn lực xã hội cho quá trình phát triển và triển khai thực hiện, tạo sự đồng thuận cao trong người dân.

Tuy nhiên, để việc triển khai thực hiện các chương trình này một cách đồng bộ, toàn diện, đạt mục tiêu và phát huy tối đa hiệu quả nhằm phục vụ cho đời sống của người dân và quá trình phát triển kinh tế-xã hội, đại biểu Trần Quốc Quân đề nghị các bộ, ngành quan tâm tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập còn tồn đọng trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình trong thời gian tới.

Đại biểu Phạm Thị Kiều (đoàn Đắk Nông) đánh giá cao việc Quốc hội phê duyệt chủ trương 3 chương trình mục tiêu quốc gia là phù hợp với thực tế và đã có những ảnh hưởng tích cực đến việc phát triển kinh tế-xã hội – Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đại biểu Phạm Thị Kiều (đoàn Đắk Nông) đánh giá cao việc Quốc hội phê duyệt chủ trương 3 chương trình mục tiêu quốc gia là phù hợp với thực tế và đã có những ảnh hưởng tích cực đến việc phát triển kinh tế-xã hội – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nghiên cứu thành lập một mô hình văn phòng điều phối chung

Đại biểu Phạm Thị Kiều (đoàn Đắk Nông) đánh giá cao việc Quốc hội phê duyệt chủ trương 3 chương trình mục tiêu quốc gia là phù hợp với thực tế và đã có những ảnh hưởng tích cực đến việc phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương và vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, vùng biên giới.

Để tổ chức thực hiện hiệu quả, tạo sự đồng bộ, thuận lợi, tránh sự chồng chéo trong quá trình tổ chức thực hiện, đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành trung ương nên quy định thống nhất một cơ chế quản lý, sử dụng chung, lồng ghép nguồn vốn chính sách Nhà nước để thực hiện cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Về nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách Trung ương, đại biểu Phạm Thị Kiều để nghị cho phép kéo dài thời hạn giải ngân vốn của giai đoạn 2021-2025 kể cả nguồn vốn kéo dài năm 2022 sang năm 2023 đến hết giai đoạn 2025.

Vì vậy, đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị Quốc hội, Chính phủ quy định cho phép UBND tỉnh thống nhất với Thường trực HĐND tỉnh điều chỉnh và báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp để đảm bảo tính kịp thời.

Cho rằng thực tế hiện nay việc triển khai thực hiện cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia bước sang năm thứ ba, nhưng còn nhiều dự án, tiểu dự án thuộc các chương trình, nhất là Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn chưa thể thực hiện được do vướng mắc trong quá trình ban hành các văn bản hướng dẫn, đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị các bộ, ngành có liên quan sớm tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành cơ chế hướng dẫn để địa phương triển khai thực hiện theo đúng quy định.

Đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu thành lập một mô hình văn phòng điều phối chung trực thuộc UBND cấp tỉnh để thực hiện có hiệu quả 3 chương trình, trong đó cần xác định vị trí pháp lý rõ ràng biên chế của văn phòng được sử dụng trưng dụng tại các cơ quan, đơn vị mà hiện đang tham mưu thực hiện 3 chương trình và không làm phát sinh biên chế các tỉnh, đồng thời bố trí nguồn kinh phí để văn phòng hoạt động hiệu quả.

Đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình) cho biết, việc giải ngân cho công tác tuyên truyền, tập huấn đạt tỉ lệ khá cao so với nhiều nội dung khác. Tuy nhiên, trên thực tế, việc người dân, nhất là người nghèo ở đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận thông tin một cách đầy đủ đối với quyền lợi, nghĩa vụ của mình không đạt như mong muốn. 

Truyền thông nhiều nơi không hiệu quả, còn mang tính hình thức hoặc chưa sát đối tượng, chưa phù hợp với điều kiện đặc thù vùng miền. Nhiều người nghèo, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa được tiếp cận thông tin một cách đầy đủ nên khi triển khai bị chậm tiến độ.

Do đó, đại biểu đề nghị thời gian tới cần phải tập trung chỉ đạo nhiều hơn nữa công tác tuyên truyền đến tận người dân, nhất là người nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đại biểu Minh, khi người dân nắm được hiểu được và đồng tình với chủ trương chính sách thì tâm lý trông chờ, ỷ lại sẽ ít đi hiệu quả, mang lại thực sự bền vững, lâu dài.

Đối với chương trình giảm nghèo bền vững, đại biểu Trần Quang Minh đề nghị xem lại các nội dung, như đào tạo nghề cho người nghèo, tránh lãng phí và kém hiệu quả. Cần đưa tiêu chí để đánh giá và xét danh sách cộng đồng nghèo để có cơ sở triển khai hỗ trợ cộng đồng đối với những nội dung cần thiết. Cần đánh giá đúng thực trạng về việc giảm nghèo hiện nay đã thực chất hay chưa.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đại biểu Trần Quang Minh cho biết nội dung hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào còn rất nhiều khó khăn do thiếu quỹ đất. Vì vậy, cần xem xét điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, quy hoạch vùng, rà soát bom mìn để giành thêm quỹ đất sản xuất cho đồng bào. Đề nghị bổ sung, đánh giá kết quả hỗ trợ nhà ở vào Báo cáo giám sát, cần phải nâng mức hỗ trợ hợp lý và khả thi, cần bổ sung nội dung tập huấn cho đồng bào cách chi tiêu, tái tạo sức lao động tiết kiệm, tích lũy tránh sa vào tệ nạn xã hội.

Theo Báo Chính phủ

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích