Lào Cai đẩy mạnh phát triển cây dược liệu theo hướng bền vững

duoclieu20231101113544
Cây dược liệu là một trong số cây trồng hàng hóa chủ lực của Lào Cai .

Trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện có khoảng 850/3.948 loài thực vật có công dụng làm thuốc; 78 loài có tiềm năng khai thác; 70 loài cây thuốc quý hiếm thuộc diện bảo tồn; một số cây là đặc hữu trên dãy núi Hoàng Liên như: Hoàng liên gai, Thất diệp nhất chi hoa, Sâm vũ diệp (Tam thất hoang).

Đặc biệt, Lào Cai còn có trữ lượng nhiều cây dược liệu tự nhiên quý hiếm, giá trị y dược cao như: Giảo cổ Lam, Sa nhân tím, Đương quy,… và nhiều loại cây dược liệu địa phương có giá trị kinh tế cao như: Bình vôi, Đảng sâm, Hà thủ ô đỏ, Actisô, Đỗ trọng, Độc hoạt, Đương quy, Tam thất, Xuyên khung, Bạch truật…

Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế và phát triển sản xuất dược liệu trên địa bàn tỉnh Lào Cai; những năm qua, tỉnh Lào Cai đã ban hành nhiều chương trình, quy hoạch, đề án, dự án, kế hoạch như: Đề án “Tái cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 – 2020”; Quy hoạch phát triển dược liệu tỉnh Lào Cai đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Dự án Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và phát triển cây dược liệu; Kế hoạch về phát triển dược liệu tỉnh Lào Cai giai đoạn 2017 – 2020; Đề án Phát triển dược liệu tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 – 2025. Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hoá tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình phát triển công nghiệp dược liệu trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch phát triển sản xuất dược liệu gắn với du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2022 – 2025…

Cùng với đó, từ năm 2015 đến nay, 14 đề tài, dự án liên quan đến cây dược liệu đã triển khai thực hiện tại các huyện Si Ma Cai, Mường Khương, Bắc Hà, Bát Xát, Bảo Yên, Bảo Thắng, thị xã Sa Pa, thành phố Lào Cai; các đề tài, dự án được triển khai thành công đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Từ những năm 1960 – 1970, tỉnh Lào Cai có 02 cơ sở sản xuất và nghiên cứu dược liệu là Trại nghiên cứu cây thuốc (thị xã Sa Pa) và nông trường dược liệu tại xã Na Hối, Nậm Mòn (huyện Bắc Hà) đã nghiên cứu, thực nghiệm và sản xuất một số loại dược liệu.

Kệ trưng bày, giới thiệu sản phẩm dược liệu tại thị xã Sa Pa.
Kệ trưng bày, giới thiệu sản phẩm dược liệu.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 01 cơ sở nghiên cứu và bảo tồn cây thuốc tại thị trấn Sa Pa (Trại nghiên cứu trồng cây thuốc Sa Pa của Viện Dược liệu) thực hiện nghiên cứu, khảo nghiệm, di thực và bảo tồn một số loại dược liệu có giá trị kinh tế và 03 cơ sở sản xuất giống (Công ty TNHH Tâm Phát Green, Hợp tác xã Nông nghiệp Cờ Cải, Hợp tác xã Cồ Dề Chải tại huyện Bắc Hà).

Đến nay, tổng diện tích cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Lào Cai đạt 3.550 ha; sản lượng đạt 18.200 tấn tươi, giá trị thu nhập bình quân từ sản xuất cây dược liệu đạt từ 110 – 140 triệu/ha. Hiện có 210 ha cây dược liệu trồng (13 loại cây) đã được Bộ Y tế đánh giá công nhận đạt các nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu và các nguyên tắc, tiêu chuẩn khai thác dược liệu tự nhiên GACP.

Lào Cai cũng phát triển thảo dược dùng làm thực phẩm chức năng chăm sóc sức khỏe gắn với dịch vụ du lịch. Trong đó thuốc tắm người Dao được các công ty, hợp tác xã chú trọng mở rộng vùng nguyên liệu, phát triển bền vững với diện tích trồng và khai thác tự nhiên khoảng trên 1.300 ha tại các huyện Sa Pa, Bát Xát, Văn Bàn.

Các sản phẩm thuốc tắm, thuốc ngâm chân, cao Atiso, cao Đỗ trọng, cao Dây gắm, tinh dầu, sản phẩm dạng nước đóng chai, sản phẩm lá khô và tinh dầu từ cây Chùa dù, hương nhang thảo dược từ bột cây Ngải cứu đã được kiểm nghiệm và chứng nhận an toàn khi sử dụng. Giá trị thuốc tắm thu được từ sản xuất – kinh doanh sản phẩm và dịch vụ ước khoảng 97,5 tỷ đồng.

Trên địa bàn tỉnh Lào Cai có các hợp tác xã, doanh nghiệp quan tâm đầu tư nghiên cứu mỹ phẩm chăm sóc sắc đẹp từ các loại thảo dược an toàn khi sử dụng và thân thiện môi trường như các loại sản phẩm son dưỡng môi, kem dưỡng ẩm, mặt nạ tía tô, sữa rửa mặt tía tô, nghệ đỏ, toner tía tô, mặt nạ hoa hồng, mặt nạ nghệ đỏ, sữa tắm, dầu gội đầu tía tô…

Với doanh thu bình quân của các hợp tác xã đạt khoảng 4 tỷ đồng/năm. Một số địa phương đã xây dựng mô hình trồng thảo dược (đương quy, giảo cổ lam, khởi tử, bò khai…) gắn với các món ăn bản địa độc đáo, thu hút khách du lịch nhằm tăng giá trị kinh tế; các mô hình rau bản địa, rau rừng phát triển theo hướng hữu cơ được thị trường ưa chuộng, giá bán ổn định.

Cây dược liệu tự nhiên quý hiếm và có giá trị y dược cao như: đương quy, giảo cổ lam, ngũ gia bì gai, chè dây, các loại cây thuốc tắm người Dao đỏ… người dân đã biết khai thác và sử dụng từ lâu đời trong các bài thuốc dân gian để chữa bệnh, phục hồi, bồi bổ sức khỏe, tạo thành các sản phẩm đặc trưng làm quà cho du khách tại các điểm du lịch Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát…

Nhóm dược liệu dược dùng chưng cất tinh dầu (chùa dù, gừng, sả, màng tang, kinh giới, đại bi…) được các hợp tác xã, công ty phát triển mở rộng tạo ra sản phẩm đa dạng phong phú. Đặc biệt cây Quế đã và đang phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh Lào Cai với tổng diện tích trên 58.000 ha; trong đó có 3.671 ha được công nhận vùng quế hữu cơ. Vùng nguyên liệu Quế của tỉnh Lào Cai cơ bản gắn với hệ thống cơ sở chế biến tại 07 nhà máy và 03 hợp tác xã, bao gồm các sản phẩm như vỏ quế, bột quế và 85% sản lượng tinh dầu quế được xuất bán ra thị Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản…; khoảng 15% tấn tinh dầu Quế được tiêu dùng trong nước.

Hiện Lào Cai có 25 sản phẩm dược liệu đã được chứng nhận OCOP. Trong đó 07 sản phẩm được xếp hạng 4 sao (cao mềm Actiso, trà phun sương Actiso Sa Pa, cao phun sương Actiso Sa Pa, Trà dây leo Sa Pa, đông trùng hạ thảo Sa Pa, tinh dầu sả Bảo Yên, tinh dầu quế Bảo Yên) và 18 sản phẩm xếp hạng 3 sao (trà túi lọc trà dây leo Sa Pa, trà Giảo cổ lam Sa Pa, viên nang đông trùng hạ thảo Sa Pa, tinh bột nghệ đỏ nếp nguyên chất Mạnh Hương, quế sáo cầu mây, tinh dầu đại từ bi, tinh dầu tía tô…).

Một số sản phẩm dược liệu Lào Cai.
Một số sản phẩm dược liệu Lào Cai.

Xác định phát triển nền Đông y là nhiệm vụ quan trọng góp phần thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe Nhân dân, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Lào Cai, 15 năm qua, Tỉnh ủy Lào Cai đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị 24-CT/TW, ngày 04/7/2008 của Ban Bí thư (khóa X) về “phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới” (Chỉ thị 24-CT/TW); Thông báo Kết luận số 154-TB/TW, ngày 20/2/2014 Ban Bí thư, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của nền Đông y, chăm sóc sức khỏe Nhân dân bằng Y học cổ truyền (YHCT).

Tỉnh Lào Cai phấn đấu đến năm 2025, diện tích dược liệu đạt 4.000 ha, sản lượng đạt 25.000 tấn, giá trị đạt 700 tỷ đồng và đến năm 2030 đạt 5.000 ha, sản lượng đạt 28.000 tấn, giá trị trên 900 tỷ đồng. Phát triển tối thiểu 2 cơ sở sơ chế, chế biến dược liệu. Xây dựng thương hiệu 2 – 3 sản phẩm dược liệu và có thêm 3 – 5 sản phẩm dược liệu được tạo ra gắn với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Hình thành 5 nhóm sản phẩm dược liệu gắn với du lịch; hình thành ít nhất 5 điểm du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm gắn với dược liệu tại Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Bảo Yên.

Tuy nhiên, việc bảo tồn, phát triển cây dược liệu vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh Lào Cai. Mỗi địa phương đều có chiến lược riêng nên phát triển không nhất quán. Do đó, để phát triển cây dược liệu bền vững, các địa phương trong tỉnh Lào Cai cần liên kết với nhau.

Để dược liệu phát triển theo hướng đồng bộ, bền vững, tỉnh Lào Cai đã và đang khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng địa phương. Dược liệu đang được tỉnh Lào Cai định hướng là cây trồng mũi nhọn, phù hợp để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hướng đến nâng cao giá trị canh tác trên 1 ha đất canh tác, mở rộng diện tích với những loại cây dược liệu phù hợp đã đem lại giá trị kinh tế cao.

Đặc biệt, tận dụng tiềm năng, lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp cho phát triển cây dược liệu với nhiều loài cây thuốc quý hiếm thuộc diện bảo tồn; trong những năm qua, tỉnh Lào Cai đã quan tâm đẩy mạnh nghiên cứu, kế thừa, bảo tồn, phát triển nền Đông y và nguồn dược liệu. Lào Cai đang nuôi trồng, phát triển một số cây dược liệu quý di thực; có nhiều loài cây quý hiếm có giá trị y dược cao, có một số cây thuốc đặc hữu như: hoàng liên gai, thất diệp nhất chi hoa, sâm vũ diệp, tam thất hoang… tỉnh Lào Cai đã quy hoạch vùng chuyên trồng cây dược liệu với diện tích trên 3.000ha; tập trung chủ yếu tại các huyện: Bắc Hà, Bát Xát, Mường Khương, Si Ma Cai và thị xã Sa Pa.

Cùng với đó, tạo ra sự liên kết giữa các thành phần tham gia để tạo ra sự phát triển bền vững, lâu dài cho ngành dược liệu. Tổ chức đánh giá các mô hình cây dược liệu đã triển khai, từ đó khảo sát, phân loại, lựa chọn, xây dựng các phương án phù hợp nhất; tham mưu cho huyện xây dựng và phát triển các vùng cây dược liệu theo quy mô tập trung để thuận lợi cho việc thu mua và sơ chế sản phẩm sau này.

Triển khai các chính sách hỗ trợ đồng bộ góp phần nâng cao diện tích, chất lượng và sản lượng cây dược liệu. Vận dụng từ các văn bản chỉ đạo của Trung ương để giúp người dân thuận lợi trong chuyển đổi sang trồng cây dược liệu, có chính sách đặc thù như hỗ trợ giống, phân bón, nilon che phủ, tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc. Ngoài ra, hỗ trợ người dân vay vốn đầu tư sản xuất, liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để tiêu thụ sản phẩm.

Việc tiêu thụ sản phẩm dược liệu được thực hiện qua 03 kênh cơ bản: bao tiêu theo chuỗi liên kết với sản lượng nhỏ được thực hiện bởi Công ty Traphaco Sa Pa (Atiso); bao tiêu theo hợp đồng được thực hiện bởi một số công ty như Ba Đình Xanh, Tâm Phát GREEN, VietRap, Sơn Hà, DK Pharma, Herbe, Nam Dược (đầu tư giống, hướng dẫn kỹ thuật, ký hợp đồng bao tiêu một số sản phẩm như Actiso, đương quy, xuyên khung, thuốc tắm người Dao đỏ,…); mua bán tự do đối với các dược liệu (sa nhân tím, khúc khắc, hoa hòe, hồi, bìm bìm, địa hoàng, ý dĩ…). Diện tích liên kết tiêu thụ các loại cây như: actiso, đương quy, xuyên khung, chè dây, tam thất, y dĩ, sả Java lấy tinh dầu… chiếm khoảng 40% sản lượng dược liệu sản xuất ra

Thời gian tới, Lào Cai triển khai thực hiện một số giải pháp phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh như chủ động trong khâu sản xuất và cung ứng giống cây dược liệu; chuyển hướng từ “trồng dược liệu” sang phát triển “công nghiệp dược liệu”; thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất, xây dựng nhà máy chế biến sâu nhóm dược liệu tại các huyện Bát Xát, Bắc Hà, thị xã Sa Pa, thành phố Lào Cai; phát triển dược liệu gắn với du lịch tại các khu vực, địa phương có thế mạnh như Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Si Ma Cai…

Theo Thương hiệu Sản phẩm

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích