Thái Nguyên: Ngăn chặn triệt để hoạt động khai thác trái phép, đầu cơ, nâng giá, tạo khan hiếm giả vật liệu xây dựng
(Xây dựng) – UBND tỉnh Thái Nguyên vừa yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục rà soát, đôc đốc, tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. Trong đó, lưu ý ngăn chặn triệt để hoạt động khai thác trái phép, đầu cơ, nâng giá, tạo khan hiếm giả vật liệu xây dựng.
Gần đây, nhiều vụ khai thác khoáng sản trái phép đã được các cơ quan chức năng địa phương phát hiện, xử lý. |
Tại Văn bản số 5533/UBND-CNNXD ban hành ngày 31/10/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố rà soát, tổng hợp các nhiệm vụ được giao để tiếp tục tổ chức, triển khai thực hiện đạt mục tiêu, hiệu quả kiểm soát chặt chẽ hoạt động khoáng sản, không để xảy ra sai phạm, thất thoát; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, siết chặt kỷ cương trách nhiệm trong công tác cấp phép, quản lý hoạt động khoáng sản, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; có cơ chế giám sát trách nhiệm, quyền lực của cá nhân, bộ phận tổ chức thực hiện trong từng khâu, từng vị trí tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực để chủ động phòng ngừa.
Bên cạnh đó, ngăn chặn triệt để hoạt động khai thác trái phép, đầu cơ, nâng giá, tạo khan hiếm giả vật liệu xây dựng thông thường ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng của các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Đối với UBND các huyện, thành phố, cần thực hiện nghiêm, đúng trách nhiệm quy định tại Luật Khoáng sản; chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện nghiêm trách nhiệm của UBND cấp xã quy định tại Luật Khoáng sản, tuyệt đối không để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn.
Cũng tại Văn bản này, UBND tỉnh Thái Nguyên giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan khẩn trương tham mưu, tổ chức thực hiện việc đấu giá các mỏ đất san lấp trên địa bàn tỉnh đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý chủ trương. Việc tham mưu tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản phải tuân thủ đúng, đầy đủ, chặt chẽ, chính xác các chủ trương, đường lối, quy định của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước; rà soát, xin ý kiến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan, ban, ngành Trung ương đối với những nội dung phải xin ý kiến và các nội dung phát sinh (nếu có) theo quy định.
Trong quá trình triển khai thực hiện, cần thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, khoáng sản, bảo vệ môi trường, nghĩa vụ tài chính đối với ngân sách Nhà nước; kịp thời phát hiện các sai phạm và xử lý (nếu có); tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, trục lợi chính sách, thất thoát tài sản, ngân sách, đất đai, khoáng sản của Nhà nước và không gây vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp; đảm bảo thực hiện công khai, minh bạch theo quy định về thông tin quy hoạch, đấu giá quyền khai thác khoáng sản, cấp phép, thời gian, trữ lượng của mỏ. Đồng thời, tham mưu, báo cáo UBND tỉnh tổ chức việc ký cam kết của Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện thành phố; người đại diện theo pháp luật của các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản trong việc quản lý, khai thác, chế biến khoáng sản và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
Được biết, tại Thái Nguyên tình trạng thiếu đất san lấp đã xảy ra ở một số công trình, dự án trọng điểm như: Dự án tuyến đường liên kết vùng Thái Nguyên – Bắc Giang – Vĩnh Phúc; Dự án đường Vành đai 5, Dự án đường 47m giai đoạn 2… việc khan hiếm đất san lấp đã khiến thị trường này trở nên “nóng”.
Theo kế hoạch đã thông qua, từ nay đến cuối năm 2023, tỉnh Thái Nguyên sẽ tổ chức đấu giá 22 mỏ đất làm vật liệu xây dựng, đảm bảo đủ nguồn cung ra thị trường.
Nguồn: Báo xây dựng