Bà Rịa – Vũng Tàu: 5 nhóm giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế giai đoạn 2023 -2030
(Xây dựng) – UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa ban hành Kế hoạch Thực hiện Nghị quyết số 93/NQ-CP của Chính phủ về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn tỉnh với 05 nhóm giải pháp chính.
Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành nhiều nhóm giải pháp phát triển kinh tế năm 2023 – 2030. |
Cụ thể, các nhóm giải pháp gồm: Cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; thực thi hiệu quả các FTA – Hiệp định thương mại tự do; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hậu Covid-19 và phát triển bền vững; hội nhập toàn diện trên các lĩnh vực văn hóa xã hội, khoa học, công nghệ, an ninh quốc phòng.
Cùng với đó, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng phân công các Sở, ban, ngành, các địa phương và các đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao để tổ chức, triển khai, thực hiện kế hoạch này với các giải pháp cụ thể như:
Triển khai mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính nhất là các thủ tục liên quan đến đầu tư, xuất nhập khẩu, thuế… và cắt giảm các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, các thủ tục không cần thiết để đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình tra cứu và thực thi.
Nâng cao hiệu quả cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo tính bình đẳng, minh bạch, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh mang đến sự ổn định.
Tích cực triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, du lịch, xây dựng thương hiệu. Phát triển thương mại điện tử để tăng cường khả năng giao dịch, tìm kiếm, mở rộng thị trường.
Tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về mặt chính sách để phát triển nguồn nguyên liệu trong nước giúp doanh nghiệp đáp ứng quy tắc xuất xứ, tận dụng tốt hơn các cơ hội mang lại từ các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới. Đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại địa phương.
Khuyến khích các phương thức đầu tư, mô hình kinh doanh mới, xanh, ít phát thải, có sự tham gia của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân, nhất là phát huy hiệu quả mô hình hợp tác công – tư vào đầu tư cơ sở hạ tầng.
Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên. Tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển bền vững, xác định rõ và tập trung thực hiện đồng bộ hài hòa các mục tiêu về kinh tế, xã hội và môi trường…
Nguồn: Báo xây dựng