Hưng Yên: Sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập

Hưng Yên: Sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập

Những năm qua, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã nghiêm túc thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL)…

Kết quả bước đầu, tỉnh cơ bản hoàn thành mục tiêu đặt ra với tỉ lệ giảm 13,3% số ĐVSNCL so với năm 2015.

Năm 2003, sẽ tập trung sắp xếp các trường tiểu học, THCS trên cùng một địa bàn cấp xã
Năm 2003, sẽ tập trung sắp xếp các trường tiểu học, THCS trên cùng một địa bàn cấp xãTrong ảnh: Quang cảnh Trường THCS Lệ Xá (Tiên Lữ)

Tháng 1/2021, Trường tiểu học và trung học cơ sở (TH&THCS) Chính Nghĩa (Kim Động) được thành lập trên cơ sở sáp nhập Trường tiểu học và Trường THCS Chính Nghĩa.

Sau gần 3 năm hoạt động theo mô hình mới, với sự đồng lòng, quyết tâm của ban giám hiệu, tập thể cán bộ, giáo viên, những khó khăn ban đầu dần được khắc phục; hoạt động của nhà trường dần đi vào nền nếp; chất lượng dạy và học được duy trì và nâng cao…

Đồng chí Trần Thị Đức Hạnh, Hiệu trưởng Trường TH&THCS Chính Nghĩa cho biết: Việc sắp xếp các trường học trên cùng một địa bàn, tuy bước đầu có khó khăn về sắp xếp nhân sự, tâm lý lo lắng của đội ngũ giáo viên và các bậc phụ huynh có con đi học. Nhưng khó khăn sẽ dần được khắc phục và cái được lâu dài là Nhà nước sẽ giảm đáng kể ngân sách chi cho đội ngũ quản lý và nhân viên phục vụ để ưu tiên đầu tư cho phát triển.

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Thị Thiều Hương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Trên cơ sở quy định của Nhà nước về tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, tổ chức lại, giải thể các ĐVSNCL, Sở Nội vụ phối hợp với các ngành, địa phương tham mưu với tỉnh sắp xếp, tổ chức lại ĐVSNCL theo nguyên tắc: Hạn chế thành lập ĐVSNCL, trường hợp cần thiết phải thành lập mới ĐVSNCL thì đơn vị đó phải tự bảo đảm toàn bộ về tài chính, trừ ĐVSNCL cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu.

Một ĐVSNCL cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công cùng loại nhằm giảm đầu mối, khắc phục chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Cơ cấu lại hoặc giải thể các ĐVSNCL hoạt động không hiệu quả… Đến hết năm 2022, toàn tỉnh giảm được 90 ĐVSNCL, tỉ lệ giảm 13,3% số ĐVSNCL so với năm 2015. Riêng 9 tháng của năm 2023, toàn tỉnh giảm 9 ĐVSNCL. Đồng thời với việc sắp xếp ĐVSNCL, tỉnh từng bước giao quyền tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính cho các ĐVSNCL, tạo chuyển biến mới trong tư duy, nhận thức của các cấp, ngành, đơn vị và đội ngũ CC,VC,NLĐ. Đến nay, toàn tỉnh đã tinh giản 2.339 biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước, đạt tỉ lệ 10,47%; trong đó: Khối sự nghiệp giáo dục và đào tạo giảm 295 biên chế; sự nghiệp y tế giảm 1.727 biên chế; sự nghiệp khác giảm 317 biên chế.

Nhằm thực hiện đồng bộ, hiệu quả và toàn diện các quy định tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của BCH Trung ương Đảng khoá XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL (Nghị quyết số 19) và Kế hoạch số 209-KH/TU, ngày 7/7/2023 của BCH Đảng bộ tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW đến năm 2026, ngày 5/10/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 146/KH-UBND triển khai thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 – 2025.

Theo đó, tỉnh tiếp tục sắp xếp, kiện toàn, tổ chức lại các ĐVSNCL thuộc thẩm quyền quản lý của UBND tỉnh theo hướng giảm đầu mối ĐVSNCL: Đến năm 2025 tiếp tục giảm tối thiểu bình quân toàn tỉnh 10% ĐVSNCL so với năm 2021 gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ viên chức, sử dụng hiệu quả số lượng người làm việc trong các ĐVSNCL; bảo đảm ĐVSNCL có năng lực tự chủ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công có chất lượng ngày càng cao. Cụ thể, giai đoạn 2023 – 2025, toàn tỉnh cắt giảm 46 ĐVSNCL. Đối với các ĐVSNCL trực thuộc UBND tỉnh, nghiên cứu, xây dựng đề án sáp nhập 3 trường gồm: Trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Tô Hiệu Hưng Yên; Trường cao đẳng Y tế Hưng Yên; Trường cao đẳng Cộng đồng Hưng Yên thành Trường cao đẳng Hưng Yên. Tiếp tục sắp xếp để giảm đầu mối ĐVSNCL là các trường, trung tâm, ban quản lý trực thuộc các Sở: Lao động – Thương binh và Xã hội; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Xây dựng; Văn hóa, Thể thao và Du lịch để giảm 5 đơn vị đầu mối. Ngay trong năm 2023, sắp xếp, giảm 39 ĐVSNCL.

Toàn bộ số này đều là sáp nhập các trường tiểu học, trường THCS trên cùng một địa bàn cấp xã; 2 năm còn lại sẽ thực hiện giảm 7 ĐVSNCL còn lại của kế hoạch. UBND tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục rà soát, sắp xếp tổ chức lại ĐVSNCL thuộc thẩm quyền quản lý bảo đảm về biên chế tối thiểu theo quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP và các quy định của pháp luật có liên quan…

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL, đòi hỏi ngành chức năng, các địa phương cần quán triệt, thực hiện nghiêm túc kế hoạch của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CB,CC,VC, NLĐ) nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận cao trong triển khai thực hiện. Quá trình thực hiện bảo đảm công khai, minh bạch; làm tốt công tác tư tưởng cho CB,CC,VC,NLĐ. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng CB,CC,VC đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo mô hình hoạt động mới.

Kịp thời giải quyết chế độ, chính sách đối với các đối tượng chịu tác động trực tiếp trong quá trình sắp xếp. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý và hoạt động; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần, thái độ phục vụ của CB,CC,VC. Nghiêm túc triển khai thực hiện việc đánh giá CB,CC,VC,NLĐ theo Quy định số 540-QĐ/TU ngày 10/10/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đánh giá, xếp loại chất lượng cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân cán bộ, CC,VC,NLĐ tỉnh Hưng Yên. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc sắp xếp tổ chức bộ máy, quản lý biên chế thuộc thẩm quyền quản lý bảo đảm theo quy định.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích