Homestay rao bán do dịch bệnh, người lo ngại, người nằm bắt cơ hội
Homestay rao bán do dịch bệnh, người lo ngại, người nằm bắt cơ hội
Hàng loạt homestay đang được rao bán vì chủ quá kiệt sức khi liên tục bù lỗ do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Chủ sở hữu homestay liên tục bù lỗ
Vài năm gần đây, xu hướng kinh doanh homestay nở rộ ở nhiều địa phương trên cả nước, tập trung ở các thành phố lớn và những nơi có du lịch phát triển.
Theo báo cáo năm 2019 của AirDNA, nguồn cung mô hình kinh doanh homestay tại Việt Nam trong năm 2018 và 2019 đã tăng nóng 452% – vượt xa mức tăng trưởng trung bình toàn cầu là 140%.
Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2019, đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 ập đến khiến ngành du lịch tại Việt Nam chững lại. Mô hình kinh doanh homestay từ đó cũng gặp nhiều khó khăn.
Nhiều chủ homestay đang đối diện với tình trạng lỗ chồng lỗ kéo dài buộc họ phải lên kế hoạch rao bán, sang nhượng homestay với mức giá rẻ, mong muốn thu hồi vốn nhanh chóng.
Năm 2017, anh Hoàng Anh kinh doanh mô hình homestay với một cơ sở duy nhất tại phố Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Cuối năm 2019, anh quyết định mở thêm chi nhánh trên phố Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), nâng công suất phục vụ từ 4 phòng lên 9 phòng.
Anh Hoàng Anh cho biết tổng đầu tư cho 2 căn homestay là 1,5 tỷ đồng, trong đó, 1 tỷ đồng là nguồn vốn anh vay từ ngân hàng khi mở rộng chi nhánh.
Tuy nhiên, kể từ đợt dịch đầu tiên năm 2020, 2 cơ sở homestay của anh hầu như không có khách. “Dịch bệnh kéo dài khiến doanh thu sụt giảm không tưởng”, anh cho hay. Hơn 3 tháng qua, 2 căn homestay với 9 phòng cho thuê của anh đều không có khách, không có doanh thu.
Bên cạnh đó, theo anh Hoàng Anh, các khoản phí như thuê nhà, điện nước, khấu hao đang ngốn của anh khoảng 80 triệu đồng/tháng. “Song, tôi vẫn phải trả khoảng 20 triệu tiền vay ngân hàng gồm cả gốc và lãi. Trung bình mỗi tháng tôi mất gần 100 triệu đồng”, anh than thở.
Tương tự, anh Đức Nguyên – đại diện chuỗi nhà trọ homestay Ligot dành cho học sinh, sinh viên, người mới đi làm – cho biết hiện tại, hệ thống đang liên tục bù lỗ vì doanh thu không đủ chi trả chi phí hàng tháng.
“Mỗi tháng, chuỗi nhà trọ homestay phải chi trả khoảng 16 triệu đồng/cơ sở cho các chi phí phát sinh như tiền thuê nhà, điện nước, sửa chữa…”, anh Nguyên chia sẻ.
Trong khi đó, tỷ lệ lấp đầy phòng của chuỗi hiện dừng ở mức 46%, thấp hơn nhiều so với mức 86-95% giai đoạn trước dịch.
Anh Nguyên cho biết ban đầu hệ thống nhà trọ homestay hoạt động với 12 cơ sở, phủ khắp các quận nội thành Hà Nội. Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2021, chuỗi nhà trọ homestay đã phải đóng cửa 7 cơ sở, 5 cơ sở còn lại vẫn duy trì vận hành.
Nhằm thu hút và giữ chân khách hàng, chuỗi nhà trọ homestay tung ra các gói ưu đãi như giảm 20% tiền thuê, hỗ trợ 100% chi phí điện, nước. Dù vậy, theo anh Đức, các gói ưu đãi vẫn chưa phát huy tối đa hiệu quả khi học sinh, sinh viên các tỉnh, thành không thể trở lại Hà Nội học tập và xu hướng làm việc online gia tăng.
Hàng loạt homestay rao bán do ‘kiệt sức’
Khảo sát trên các website môi giới bất động sản, cụm từ “bán gấp homestay” hiện xuất hiện tương đối nhiều. Đáng chú ý, những dòng thông tin đi kèm phần lớn là “nợ ngân hàng, cần bán gấp”, “bán gấp để trả nợ ngân hàng”… các thông tin rao bán được công khai, giá cả cũng tùy thuộc vào vị trí, diện tích, “sao số” của từng homesaty. Có thể thấy sau thời gian dài chống chịu với dịch bệnh, các chủ kinh doanh homestay đã “kiệt sức” và rao bán.
Tại Hà Nội, hàng loạt homestay ở các huyện ngoại thành như Ba Vì, Sơn Tây, Sóc Sơn liên tục rao bán với mức giá trung bình từ 3 – 6 triệu đồng/m2. Trong đó, một homestay dành cho đại gia đình nghỉ dưỡng có diện tích 3.161m2 với 8 phòng ngủ, sẵn khuôn viên nội thất đầy đủ ở xã Vân Hòa (huyện Ba Vì) đang được chính chủ rao bán ở mức 11 tỷ đồng (trung bình 3,5 triệu đồng/m2) với lí do vỡ nợ.
Hay một homestay 4.000m2 mặt hồ ở xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn) có đầy đủ tiện ích như biệt thự, bể bơi, sân vườn, khu bếp riêng biệt, giấy tờ chuyển nhượng có xã xác nhận cũng đang được chủ rao bán với giá 18 tỷ đồng (trung bình 4,5 triệu đồng/m2).
Theo một người môi giới bất động sản ở Hà Nội, nhiều chủ homestay sẵn sàng giảm giá sâu để giao dịch nhanh chóng, có người mua để hồi vốn.
Còn tại Ninh Bình, khu homestay diện tích 5.000m2 ở xã Ninh Xuân (huyện Hoa Lư) được giới thiệu là kinh doanh từ năm 2017, khách ổn định, thuộc top homestay bán được giá cao nhất Ninh Bình, cách khu du lịch Tràng An, Hang Múa 2,5km đang được rao ở mức 8,5 tỷ đồng (trung bình 1,7 triệu đồng/m2). Trong khi homestay khác cũng ở xã Ninh Thuận với diện tích 1.000m2 gồm 9 căn bungalow, trước COVID -19 kinh doanh rất ổn, mỗi tháng thu về hàng chục triệu đồng cũng đang rao bán với giá 8,5 tỷ đồng (trung bình 8,5 triệu đồng/m2).
TP Đà Lạt (Lâm Đồng) – nơi được mệnh danh là “thủ phủ homestay” của Việt Nam cũng không nằm ngoài tình trạng này.
Trên trang Batdongsan.com.vn, một homestay vị trí trung tâm thành phố, diện tích 214 m2 (gồm 9 phòng ngủ, sân BBQ, vườn hoa) có giá rao bán 7,5 tỷ đồng.
Hay ở vị trí xa trung tâm như xã Trạm Hành, 22.000 m2 đất đã có mô hình homestay cơ bản gồm nhà gỗ, vườn hoa, ao hồ… được rao bán giá khoảng 1,5 triệu đồng/m2.
Ông Đặng Trung Hiếu, Giám đốc GM Property Group, chủ đầu tư nhiều dự án bất động sản tại Lâm Đồng xác nhận, có hiện tượng rao bán homestay do khó khăn về kinh doanh. Tuy nhiên chỉ là vài trường hợp, không đến mức “đua nhau rao bán”.
Ông Hiếu cho biết, trường hợp này xảy ra với những nhà đầu tư yếu vốn, vay mượn để kinh doanh sau đó dùng dòng tiền kinh doanh để trả lãi ngân hàng.
Không chỉ riêng homestay, các khách sạn, nhà hàng, resort cũng gặp hoàn cảnh tương tự vì không kinh doanh được. Trước áp lực tài chính, nhà đầu tư vào những mô hình này sẽ buộc phải chuyển đổi mô hình hoặc rao bán. Tuy nhiên, theo ông Hiếu, số nhà đầu tư trên thị trường rơi vào hoàn cảnh này chỉ chiếm 20%.
“Hiện tại tôi đánh giá 80% các nhà đầu tư vẫn ổn, còn lại 20% sẽ khó khăn do dùng đòn bẩy tài chính. Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, con số này sẽ còn thay đổi. Nhân viên có thể cho nghỉ nhưng tiền lãi vẫn phải trả. Mức độ khó khăn của nhà đầu tư phụ thuộc vào cơ cấu đòn bẩy tài chính và việc điều tiết chi phí cố định”, Giám đốc GM Property Group phân tích.
Theo chủ các homestay, hầu hết homestay đang được rao bán đều có giấy tờ pháp lý rõ ràng và kinh doanh tốt trước đại dịch COVID -19. Đến năm 2020 khi dịch bùng phát, nhiều người vì tin rằng dịch sẽ sớm được khống chế nên vẫn cố chống chịu, nuôi hi vọng vào loại hình du lịch đang được người trẻ ưa xê dịch và khách quốc tế ưa chuộng này.
Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, với những diễn biến ngày càng phức tạp của đại dịch qua các làn sóng COVID -19, nhiều người đã bắt đầu kiệt sức vì các khoản nợ ngân hàng dùng để đầu tư cho homestay trước dịch tích tụ ngày càng lớn. Do đó, để giải tỏa áp lực, họ bắt đầu bán tháo tài sản.
Dù giảm giá vẫn không có khách
Trái ngược với nhu cầu rao bán homestay tăng cao trong đại dịch, lượng khách hàng tìm mua hạng mục bất động sản này vẫn còn hạn chế. Mặc dù hàng loạt homestay ở những khu vực du lịch, nghỉ dưỡng nổi tiếng liên tục rao bán nhưng hầu như không có giao dịch diễn ra. Dịch bệnh diễn biến khó lường đang ảnh hưởng tới quyết định đầu tư của một bộ phận khách hàng.
Nguyên nhân thứ nhất là do họ chưa thể trực tiếp tới xem địa thế do dịch bệnh hạn chế đi lại.
Thứ hai do nhà đầu tư có tâm lý không biết khi nào hết dịch, nếu có mua cũng phải chờ hết dịch mới triển khai kinh doanh . Hơn nữa hiện tại cũng không rõ tương lai tình hình dịch bệnh sẽ như thế nào nên nếu bỏ ra số tiền lớn lúc này sẽ vô cùng rủi ro.
Nguyên nhân thứ ba là bởi bên mua đang thăm dò để “bắt đáy” khi giá homestay xuống thấp hơn nữa thì mới ‘xuống tiền’.
Các nhà đầu tư vẫn với nguồn tiền mạnh vẫn coi đây là cơ hội tốt
Tuy nhiên, vẫn có một số nhà đầu tư coi đây là cơ hội tốt để ‘săn’ homestay giá rẻ và nhanh chóng thu mua.
Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Cơ hội trong rủi ro” do kênh Youtube The Quoc Khanh Show tổ chức mới đây, ông Nguyễn Đức Quân, Phó Tổng Giám đốc Kinh doanh Nam Land Miền Bắc cho rằng, bất động sản nghỉ dưỡng đang ở trong giai đoạn khó khăn, tuy nhiên với những nhà đầu tư có tầm nhìn trung và dài hạn, có nguồn tiền mặt nhàn rỗi thì đây là thời điểm rất hiếm gặp để mua bất động sản nghỉ dưỡng.
Theo ông Quân, các nhà đầu tư đang có nhiều cơ hội lựa chọn, mua bất động sản giá rẻ, ít cạnh tranh, nhiều ưu đãi: “Có thể dịch bệnh là một yếu tố ngắn hạn và ảnh hưởng nhiều đến tâm lý người mua nhưng từ năm 2023, bức tranh thị trường sẽ tươi sáng lại, đặc biệt là bất động sản nghỉ dưỡng. Ngành công nghiệp du lịch đang rất phát triển ở Việt Nam, dịch bệnh là một cơ hội để nhà đầu tư lựa chọn được sản phẩm chất lượng, đón đầu trong dài hạn”.
Về triển vọng đầu tư trong lĩnh vực nghỉ dưỡng tại Việt Nam, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết, có nhiều hy vọng cho sự trở lại của ngành du lịch khi việc triển khai vắc-xin được phủ rộng.
“Trao đổi với Savills, nhiều nhà đầu tư quốc tế đã bày tỏ sự quan tâm tới phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng và khách sạn chất lượng cao, đối với cả các dự án đang hoạt động hoặc đang trong quá trình phát triển.
Sở dĩ có sóng đầu tư này vào thị trường là bởi các nhà đầu tư có cái nhìn dài hạn về tiềm năng phục hồi của thị trường nghỉ dưỡng tại Việt Nam sau dịch, khi tình hình được kiểm soát và các hoạt động phục vụ khách du lịch nội địa và quốc tế được mở cửa trở lại”, Giám đốc Savills Hà Nội nhận định.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định homestay là một trong những loại hình đa dạng hóa kinh doanh du lịch đối với những khách hàng thích trải nghiệm, thích khám phá các văn hóa vùng miền. Nên đây là loại hình thích hợp để duy trì và phát triển.
“Tuy nhiên, loại hình này đang phát triển theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ là chính nên tính chuyên nghiệp, quy củ, sự quản lý của Nhà nước đang rất lỏng lẻo. Vì vậy, loại hình này cần phải thay đổi để tồn tại, cần được nâng cấp quản lý chặt chẽ hơn để đảm bảo sự phát triển tốt nhất”, ông Đính nói./.
PV(T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị