Pháo đài được công nhận di sản thế giới ở Hàn Quốc
Pháo đài Hwaseong (Suwon, Gyeonggi) là kiệt tác phòng thủ quân sự dưới triều đại Joseon, đánh dấu quá trình tiếp biến văn hóa của Hàn Quốc cuối thế kỷ 18.
Hwaseong là pháo đài bằng gạch, đá của triều đại Joseon (1392-1910) tọa lạc tại thành phố Suwon, tỉnh Gyeonggi. Công trình được vua Triều Tiên Chính Tổ (1752-1800) cho xây dựng vào cuối thế kỷ 18 với mục đích phòng thủ, và là nơi lưu giữ hài cốt của cha ngài, Trang Hiến Thế tử (1735-1762). Với thiết kế khoa học và chi tiết, Hwaseong là một trong những pháo đài quân sự kiên cố nhất tại châu Á. Ảnh: seoulkorea.
Khác với nhiều pháo đài ở Trung Quốc và Nhật Bản, Hwaseong là khu phức hợp pháo đài kết hợp các chức năng như quân sự, chính trị và thương mại. Công trình không những thể hiện bước phát triển của kỹ thuật xây dựng thời Joseon, mà còn phản ánh sự giao thoa thành tựu khoa học kỹ thuật giữa phương Đông và phương Tây. Ngoài ra, pháo đài Hwaseong đã ảnh hưởng lớn đến kiến trúc, quy hoạch đô thị và cảnh quan của Hàn Quốc hiện đại. Ảnh: Kim’s Travel.
Các bức tường thành đồ sộ của Hwaseong dài 5,74 km bao quanh khu vực có diện tích 130 ha. Hầu hết hạng mục vẫn được gìn giữ nguyên vẹn, bao gồm cửa xả lũ, tháp canh, tháp phóng tên, tháp pháo, tháp báo hiệu, trạm chỉ huy, cánh cổng bí mật và boongke (công sự để ẩn nấp và chiến đấu). Đúng như tên gọi “Hoa thành”, pháo đài là công trình kiến trúc hài hòa với cảnh quan thiên nhiên khi tận dụng hiệu quả điều kiện địa hình (ngọn núi, con suối) trong quá trình xây dựng. Ảnh: Expedia.
Pháo đài Hwaseong gồm bốn cổng chính: cổng phía tây (Hwaseomun) và phía đông (Changnyongmun) có một tầng, trong khi cổng phía bắc (Janganmun) và phía nam (Paldalmun) là những công trình hai tầng bằng gỗ. Bốn cửa thành được xây dựng theo cấu trúc thành kép, với thành chính được bảo vệ bởi lớp tường thành hình bán nguyệt bên ngoài gọi là Ongseong (Ủng thành). Trong đó, Paldalmun trở thành hình ảnh biểu tượng cho pháo đài Hwaseong. Tên gọi Paldalmun mang ý nghĩa “cánh cổng mở ra con đường đi muôn nơi”. Ảnh: seoulkorea.
Dongbuk Gangnu được xây dựng vào năm 1794, nằm trên đỉnh đồi phía đông. Từ tòa tháp có thể chiêm ngưỡng cảnh sắc tuyệt đẹp của ao Yongyeon nên địa điểm này được mệnh danh Banghwasuryujeong (nơi ngắm hoa và đi dạo giữa hàng cây liễu). Dongbuk Gangnu ban đầu đóng vai trò là trạm chỉ huy tạm thời trong trường hợp quân thù chiếm đóng Paldalsan. Tuy nhiên, với kiến trúc độc đáo và vẻ đẹp nổi bật của ao Yongyeon, tòa tháp trở thành nơi nghỉ chân của nhà vua và tổ chức yến tiệc. Ảnh: Antoine Domenger.
Có hai jangdae (trạm chỉ huy) ở pháo đài Hwaseong: Seojangdae và Dongjangdae. Dongjangdae còn được gọi là Yeonmudae (sân rèn luyện võ thuật), được xây dựng vào năm 1795. Công trình nằm ở vị trí thuận lợi để quan sát toàn cảnh “Hoa thành” từ phía đông. Tại Seojangdae còn lưu giữ khung treo trên tường với dòng chữ “Hwaseongjangdae”, ngự bút của vua Triều Tiên Chính Tổ. Ảnh: Google Arts & Culture.
Gongsimdon là tháp canh của pháo đài để quan sát và khai hỏa khi kẻ địch đến gần. Nổi bật là Seobukgongsimdon, gồm 3 tầng với phần bên dưới bằng đá và phía trên bằng gạch. Công trình được thiết kế cầu thang và trang bị nhiều phương tiện chiến đấu nhằm bảo vệ pháo đài Hwaseong trong tình huống khẩn cấp. Đây được xem là điểm nhấn của “Hoa thành” với phong cách kiến trúc sáng tạo và sử dụng vật liệu hiệu quả. Ảnh: heritageinkorea.
Bên cạnh đó, pháo đài Hwaseong còn có nhiều công trình quan trọng, bao gồm: Nodae là bệ đỡ cho phép binh lính bắn nhiều mũi tên vào quân địch; 5 cổng bí mật cho người, gia súc và vận chuyển thiết bị quân sự qua lại, được che giấu kĩ lưỡng nhờ tận dụng đặc điểm địa hình khu đất; trạm gác Posa sẽ truyền tín hiệu thông qua phất cờ hoặc bắn đại bác trong trường hợp Hwaseong bị kẻ thù tấn công; 9 tháp pháo; những cửa xả lũ để kiểm soát mực nước trong pháo đài… Ảnh: flickr.
Với ý nghĩa lịch sử và giá trị kiến trúc đặc biệt, pháo đài Hwaseong đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1997. Hiện nay, “Hoa thành” là điểm du lịch nổi tiếng bậc nhất, thu hút lượng lớn khách du lịch ghé thăm khi đến Hàn Quốc. Ảnh: dreamstime.
Nguồn: Báo xây dựng