Hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp

Mang đến câu chuyện khởi nghiệp đã bước đầu gặt hái những thành công, chị Phạm Trần Hải Yến ở xã Châu Sơn, huyện Ba Vì cho biết, dù bận con nhỏ lại đang kinh doanh 2 quầy thuốc, song chị vẫn vượt qua ngăn cản của gia đình để khởi nghiệp làm giàu từ nông sản là ngô, khoai, sắn với mục đích tận dụng nguồn nguyên liệu của địa phương để chế biến ra những món ăn ngon.

Hiện nay cơ sở của gia đình chị Yến đang làm ra 15 sản phẩm từ ngô, khoai, sắn như như: Khoai lang kén, khoai chiên, ngô chiên, bánh sắn… Mỗi ngày xuất bán 2-3 tấn hàng, mỗi tháng thu được tiền tỷ. Chị đã mở thêm 3 chi nhánh, hiện đang giải quyết việc làm cho hơn 60 lao động với thu nhập ổn định.

Hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp
Cơ sở sản xuất của gia đình chị Phạm Trần Hải Yến ở xã Châu Sơn, Ba Vì.

Từ ngày đầu khởi nghiệp, cơ sở sản xuất thực phẩm sạch Yến Anh Food của gia đình chị Phạm Trần Hải Yến đã nhận được sự ủng hộ của các cấp hội phụ nữ, tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia các lớp tập huấn kỹ năng kinh doanh, hỗ trợ giới thiệu quảng bá sản phẩm qua các chương trình trưng bày sản phẩm sạch từ cấp từ huyện đến cấp Thành phố.

Theo bà Nguyễn Thị Hảo – Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội, thực hiện Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Thành phố đã triển khai tới quận, huyện, cân đối nguồn lực hỗ trợ, sự ủng hộ của các sở, ngành nhằm kết nối được các chị em và các câu lạc bộ giúp nhau làm kinh tế. Qua đó, phát huy nhiều hạt nhân hỗ trợ chị em phụ nữ; tổ chức nhiều hoạt động, giao lưu, hội thảo, ngày hội khởi nghiệp, vinh danh doanh nhân, hội thi tạo khí thế rất sôi nổi.

Các hoạt động cụ thể trong Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đang được triển khai như: Truyền thông kiến thức kinh doanh an toàn; kỹ năng lập kế hoạch kinh doanh; kỹ năng bán hàng trực tiếp, trực tuyến; kỹ năng xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu; tháo gỡ khó khăn cho chị em từ gia đình và cộng đồng; thành lập các mô hình hợp tác xã, tổ nhóm liên kết hỗ trợ.

Đồng thời, kết nối các nguồn lực, bám sát mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương, tranh thủ sự giúp đỡ của các sở, ngành nhằm hiện thực hoá ý tưởng khởi nghiệp, tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tiếp cận vốn quảng bá giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ tiêu thụ. Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ, đưa thiết bị hiện đại và các phần mềm quản lý phát triển đội nhóm. Khích lệ động viên phụ nữ tự tin khởi nghiệp, duy trì cuộc thi ý tưởng, sản phẩm sáng tạo, gắn với các sự kiện của hội.

Là một trong những quận/ huyện có hoạt động hỗ trợ phụ nữ làm kinh tế tích cực, Hội LHPN quận Long Biên đã phối hợp tổ chức tập huấn cho 450 phụ nữ mới khởi nghiệp và doanh nghiệp do nữ làm chủ về kiến thức, kỹ năng khởi sự, ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số và dịch vụ thương mại điện tử.

Bà Đào Thu Hải – Chủ tịch Hội LHPN quận Long Biên cho biết, thực hiện Đề án Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp, Hội đã hỗ trợ 45 phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp. Dạy nghề cho 1.135 lao động, giới thiệu việc làm cho 234 lao động là con, em cán bộ hội viên. Tổ chức lớp nữ công gia chánh hè cho con em cán bộ, hội viên. Thiết thực hơn nữa là phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân các nguồn vốn vay phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững. Tính đến ngày 30/8/2023, tổng số vốn vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội do Hội LHPN Long Biên quản lý là 206,281 tỷ đồng cho 3.687 hộ vay, không có dư nợ quá hạn. Đang thực hiện và quản lý tốt nguồn tiết kiệm tại 83/83 tổ tiết kiệm với số tiền 22.713 tỷ đồng.

Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội Nguyễn Thị Hảo cũng thông tin thêm, 5 năm qua, Hội LHPN quận Long Biên đã có những mô hình như thành lập hợp tác xã, có các thành viên tham gia câu lạc bộ chia thành các nhóm ngành nghề, từ đó bán chéo sản phẩm cho nhau, đổi sản phẩm cho nhau khi có nhu cầu. Mô hình câu lạc bộ nữ doanh nhân của hội phụ nữ quận Long Biên còn lồng ghép các hoạt động hay như văn nghệ, phát triển thể chất…

Bà Lê Kim Anh – Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hà Nội cho hay, thực hiện quyết định số 1901/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp giai đoạn 2018 – 2025”, với vai trò là chủ thể trong tuyên truyền, vận động kết nối, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp nữ, 9 tháng đầu năm 2023, các cấp Hội LHPN Hà Nội đã tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, chuyên gia, tổ chức tập huấn, truyền thông, nâng cao kiến thức, năng lực khởi nghiệp cho trên 1.000 phụ nữ.

Cùng đó, hỗ trợ phụ nữ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm OCOP, ứng dụng chuyển đổi số, thương mại điện tử kết nối tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ cho vay tín chấp trên 8.152 tỷ đồng vốn hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế; hướng dẫn thành lập mới 5 hợp tác xã do phụ nữ quản lý; điều hành, hỗ trợ 724 phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp.

Bà Lê Kim Anh cũng cho biết, trong thời gian tới, Hội LHPN Hà Nội sẽ tiếp tục khơi dậy tiềm năng của phụ nữ Thủ đô trong tham gia phát triển kinh tế, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, hỗ trợ phụ nữ hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành sản xuất, kinh doanh. Hỗ trợ kết nối, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm; giải quyết thêm việc làm cho lao động gia tăng thu nhập, từ đó tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ, đóng góp tích cực vào phong trào khởi nghiệp và mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.

Bảo Thoa

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích