Quảng Bình: Điểm tựa từ nguồn vốn vay mở ra cơ hội vươn lên làm kinh tế
Quảng Bình: Điểm tựa từ nguồn vốn vay mở ra cơ hội vươn lên làm kinh tế
Sau khi chấp hành xong án phạt tù và bắt đầu lại cuộc sống từ hai bàn tay trắng, những con người này vui mừng khi được tiếp cận với nguồn vốn vay. Đó là điểm tựa để họ xây dựng mô hình kinh tế, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu.
Hỗ trợ vốn vay kịp thời và cần thiết
Sau khi chấp hành xong án phạt tù, anh Lê Quyết Thắng (SN 2000) ở thôn 7, xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình trở về với cuộc sống nơi làng quê bình yên vốn có.
Trở về và bắt đầu lại từ hai bàn tay trắng, nhưng bằng sự quyết tâm của bản thân và sự động viên của gia đình, người thân, anh Thắng đã làm lụng, tích cóp và mở cho riêng mình được một xưởng cơ khí sản xuất nhỏ. Với mức thu nhập bình quân khoảng 10 triệu đồng/tháng.
Là địa phương, người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, anh Thắng đã suy nghĩ và xác định sẽ phát triển kinh tế theo hướng chăn nuôi nhằm tăng thêm thu nhập. Niềm vui đến với anh khi anh biết đến chương trình cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù, nhằm tạo điều kiện giúp người chấp hành xong án phạt tù sớm ổn định cuốc sống; trở thành công dân có ích cho xã hội…
Được sự hướng dẫn tận tình từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bố Trạch, anh Thắng đã nhanh chóng tiếp cận được với nguồn vốn vay. Sau khi vay số vốn 50 triệu đồng, anh Thắng đã đầu tư mua 3 con bò sinh sản. Số lượng bò giống trên hứa hẹn mỗi năm sẽ mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình.
Là người đứng ra vay vốn cho con trai, ông Lê Thanh Hải vui mừng cho hay, con trai ông là người đầu tiên tại địa phương được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển kinh tế.
“Sau khi chấp hành xong án phạt, trở về địa phương cháu cũng rất tự ti, mặc cảm và lo lắng, sợ rằng sẽ khó để tìm kiếm việc làm và định hướng cho bản thân. Thế nhưng bằng sự động viên của gia đình cháu đã dần vượt qua mặc cảm và quyết tâm để phát triển kinh tế”.
Cũng theo ông Hải, với số tiền 50 triệu đồng được vay từ Ngân hàng chính sách con trai ông sẽ có thêm số vốn để đầu tư nuôi bò sinh sản, nâng cao thu nhập và vươn lên phát triển kinh tế ngay tại địa phương mà không cần phải đi xa để tìm kiếm việc làm.
Chính sách nhân văn – mở ra cơ hội
Được biết, để hỗ trợ đối tượng là những người chấp hành xong án phạt tù tiếp cận với nguồn vốn vay để xây dựng mô hình, phát triển kinh tế, thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bố Trạch đã phối hợp với chính quyền địa phương, rà soát các khách hàng đủ điều kiện vay vốn.
Cụ thể, thời gian qua Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Bố Trạch đã thực hiện giải ngân cho vay theo Quyết định số 22/2023/QĐ-CP ngày 17/08/2023 của TTg Chính phủ.
Bên cạnh đó, tham mưu cho Ban đại diện triển khai phân bổ cho các xã, thị trấn, phối hợp với tổ chức hội đoàn thể nhận ủy thác, tổ tiết kiệm vay vốn hoàn thiện hồ sơ để giải ngân nhằm tạo điều kiện để người dân được tiếp cận vốn vay nhanh chóng, thuận lợi nhằm góp phần giải quyết nhu cầu vốn mà các đối tượng thụ hưởng đang mong chờ.
Ông Mai Ngọc Sơn – Giám đốc phòng giao dịch NHCSXH huyện Bố Trạch cho biết, thời gian qua đơn vị đã triển khai cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù theo Quyết định số 22/2023/QĐ-CP ngày 17/08/2023 của TTg Chính phủ.
Sau khi có chủ trương cho vay phòng giao dịch NHCSXH huyện Bố Trạch đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, công an xã để ra soát các đối tượng thụ hưởng để bình xét cho vay kịp thời.
Cùng với đó, chỉ đạo cán bộ ngân hàng phối hợp với Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, Hội đoàn thể nhận ủy thác thường xuyên kiểm tra sử dụng vốn vay hiệu quả.
Ông Sơn cũng cho biết thêm, thời gian tới Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bố Trạch tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chương trình tín dụng Quyết định số 22/2023 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình cho vay người chấp hành xong án phạt tù đến người dân và các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn huyện.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị