Hải Phòng: Hiệu quả từ ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp

Hải Phòng: Hiệu quả từ ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp

Việc ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh giúp các doanh nghiệp, đơn vị của ngành Nông nghiệp Hải Phòng tiết kiệm chi phí sản xuất, dễ dàng quản lý, vận hành, hiệu quả kinh tế thì tăng cao.

Những năm gần đây, hướng đến mô hình chăn nuôi hiện đại, hiệu quả và bền vững, ngành Nông nghiệp Hải Phòng đã và đang định hướng hỗ trợ nông dân thay đổi tư duy trong chăn nuôi, tiếp cận các giải pháp công nghệ, khoa học kỹ thuật mới để thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Từ đó, góp phần thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Tiêu biểu, đầu năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Phòng đã “chọn mặt gửi vàng”, lựa chọn Hợp tác xã Sản xuất Kinh doanh và Dịch vụ chăn nuôi Duy Nhất (HTX Duy Nhất) có địa chỉ tại thôn Đốc Hậu, xã Toàn Thắng, huyện Tiên Lãng để tiên phong triển khai ứng dụng công nghệ tự động hóa, công nghệ số trong sản xuất và giám sát môi trường nuôi dưỡng, quản lý sức khỏe vật nuôi.

Theo đó, các thành viên Hợp tác xã Duy Nhất được tham gia đào tạo tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi gà sinh sản theo VietGAHP, hướng dẫn kỹ thuật vận hành hệ thống IOT cả về lý thuyết và thực hành.

tm-img-alt
 Sản phẩm trứng gà áp dụng công nghệ chuyển đổi số tự động hóa giám sát, quản lý, chăm sóc sức khỏe vật nuôi. Ảnh: Đinh Huyền.

Thông tin với phóng viên, anh Nguyễn Quang Vình (Giám đốc Hợp tác xã Duy Nhất) kể lại, những ngày đầu tiên, ai cũng bỡ ngỡ trong việc vận hành thiết bị tự động công nghệ số vào chăn nuôi gà đẻ trứng. Song, chỉ sau 1 tuần đi vào hoạt động, mỗi thành viên đều thành thạo các thao tác vận hành trên điện thoại thông minh.

Khi áp dụng công nghệ này, hệ thống máy móc xung quanh trang trại được gắn cảm biến bao quát toàn bộ khu vực chuồng nuôi và được kết nối internet. Người nuôi hoàn toàn có thể quản lý vận hành, điều khiển hệ thống thiết bị chỉ bằng điện thoại cầm tay, như điều tiết quá trình ăn, uống, theo dõi tình trạng sức khỏe của đàn gà mà không phải trực tiếp vào chuồng như trước đây.

Hệ thống cảm biến nhiệt độ trong trại gà có khả năng tự động điều chỉnh tốc độ quay hoặc số lượng quạt hút gió hoạt động, đảm bảo cho nhiệt độ, độ ẩm không khí của chuồng gà luôn ổn định ở ngưỡng (đã cài đặt trước), phù hợp với trường giai đoạn phát triển của gà nhằm tạo môi trường sống thuận lợi để gà phát triển đồng đều.

Ví dụ, khi nhiệt độ trong phòng lớn hơn cài đặt hệ thống quạt thông gió, phun sương làm mát hoạt động để giảm nhiệt độ phù hợp với vật nuôi. Trường hợp trại gà mất điện, hệ thống ATS được kích hoạt, tự đề nổ máy phát điện để hệ thống trại trở lại hoạt động bình thường. Đến khi có điện lưới thì hệ thống lại tự động đảo chiều, cấp điện trở lại.

Đáng chú ý hệ thống cho ăn tự động có vai trò hỗ trợ các trang trại theo dõi, chăm sóc gà đẻ trứng hiệu quả. Mặt khác, giúp chủ trang trại tiết kiệm chi phí thuê nhân công và “hệ thống cho ăn theo định lượng” còn giúp chủ trang trại tránh lãng phí thức ăn cho gà.

Theo anh Vình, đây là sự đột phá trong việc quản lý và vận hành việc chăm sóc vật nuôi, tiết kiệm được nhân công lao động, điện năng sử dụng. Tự động điều khiển đảm bảo môi trường nhiệt độ, độ ẩm, không khí lý tưởng giúp hạn chế được mầm bệnh xâm nhập vào chuồng nuôi. Bản thân người chăn nuôi ít phải tiếp xúc trực tiếp với vật nuôi nên sức khỏe cũng tốt hơn.

Từ đó, vật nuôi sinh trưởng khỏe mạnh, sản xuất trứng đều đặn hơn, cho số lượng ổn định ở mức cao hơn thông thường, chất lượng trứng cũng vì thế mà tăng lên, được nhiều thương lái chủ động tìm đến thu mua. Những năm trước, số lượng 12.000 con gà chỉ cho ra trên, dưới 9.100 trứng thương phẩm. Từ khi áp dụng mô hình chăn nuôi gà sinh sản ứng dụng công nghệ tự động hóa (tháng 4/2023) đến nay, mỗi ngày, Hợp tác xã Duy Nhất đều đặn thu được 9.600 trứng.

tm-img-alt
Nông dân xã Đông Sơn (Thuỷ Nguyên) thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp theo đề án hỗ trợ cơ giới hoá

Trước đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng đã hỗ trợ hàng trăm doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ứng dụng thành công công nghệ cao, công nghệ thông tin vào trồng trọt, chăn nuôi giết mổ gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản. Điển hình, công ty CP giống gia cầm Lượng Huệ (có địa chỉ tại thôn Hoàng Lâu, xã Hồng Phong, huyện An Dương) đã đưa được dây chuyền giết mổ công nghiệp, hiện đại vào hoạt động.

Cùng với đó là hệ thống ấp nở trứng gia cầm bằng máy ấp đa kỳ (tổng 40 máy, công suất 120.000 trứng/máy). Việc quản lý, theo dõi giết mổ của công ty cũng được vận hành thông minh bằng máy tính và phần mềm bán hàng. Hay công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp WinEco (xã Tân Liên, huyện Vĩnh Bảo) áp dụng công nghệ nhà kính cùng hệ thống tưới tự động trong sản xuất rau các loại, quy mô lên đến 214,8 ha.

tm-img-alt
Sản phẩm rau sạch của WinEco có thể ăn trực tiếp tại nông trường.

Tính đến nay, trên địa bàn thành phố Hải Phòng có 12 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng quy mô diện tích 489,6ha, kinh phí đầu tư 3.124 tỷ đồng.

Được biết, hiện có một số doanh nghiệp đã xin chủ trương đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lên đến 200ha như công ty TNHH TM và DV Hiền Lê (Hưng Nhân, Vĩnh Bảo) với Dự án Tổ hợp sản xuất, chế biến công nghiệp-nông nghiệp sạch kỹ thuật cao. Ngoài ra, có nhiều tổ chức, cá nhân chủ động đầu tư, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp./.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích