“Địa điểm tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh” là Di tích Quốc gia
Ngày 29/10/1954, chuyến tàu cuối cùng rời bến Bắc Cao Lãnh chở đoàn quân tập kết ra Bắc; các chiến sỹ lên đường ra Bắc học tập và trở về chiến đấu giải phóng quê hương.
Tỉnh Đồng Tháp đón nhận Bằng Xếp hạng Di tích Lịch sử Quốc gia “Địa điểm Tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh.” (Ảnh: Nguyễn Văn Trí/TTXVN) |
Tối 29/10, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp tổ chức Lễ Đón nhận Bằng Xếp hạng Di tích Quốc gia “Địa điểm Tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh.”
Tại buổi lễ, ông Phan Văn Thắng – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã ôn lại lịch sử địa điểm chuyển quân ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh là nơi diễn ra cuộc đưa tiễn cán bộ, chiến sỹ và học sinh con em gia đình cách mạng; là nơi chuyên chở bộ đội, cán bộ, con em gia đình cách mạng từ bến Bắc Cao Lãnh ra Vũng Tàu, rồi từ Vũng Tàu chạy ba ngày đêm ra đến nơi đổ quân là Sầm Sơn (Thanh Hóa).
Theo Hiệp định Geneve, Nam Bộ có ba khu vực tập kết chuyển quân của Quân đội Nhân dân Việt Nam là Hàm Tân-Xuyên Mộc 80 ngày; Cao Lãnh-Đồng Tháp Mười 100 ngày và Mũi Cà Mau 200 ngày.
Thị trấn Cao Lãnh, tỉnh Long Châu Sa (thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp ngày nay) được chọn làm điểm tập kết chuyển quân ra miền Bắc trong 100 ngày.
Với tinh thần “Đi vinh quang, ở anh dũng,” tỉnh Long Châu Sa đã đón tiếp và đưa tiễn 13.508 cán bộ, chiến sỹ và con em miền Nam và quân tình nguyện xuống tàu tập kết ra Bắc, trong đó tỉnh Long Châu Sa có 2.563 người.
Ngày 29/10/1954, chuyến tàu cuối cùng rời bến Bắc Cao Lãnh chở đoàn quân tập kết ra Bắc. Các chiến sỹ lên đường ra Bắc học tập và trở về chiến đấu giải phóng quê hương.
Di tích Lịch sử Quốc gia “Địa điểm Tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh” được xây dựng bên bờ sông Tiền về phía bên phải bến phà Cao Lãnh, tại địa điểm cách bến phà Cao Lãnh 100m về phía thượng lưu, Phường 6, thành phố Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp).
Công trình được khởi công xây dựng từ tháng 9/2017 trên khuôn viên 12.000m2, ngay tại địa điểm diễn sự kiện tập kết năm 1954; có tổng mức đầu tư gần 49 tỷ đồng, gồm các hạng mục: Tượng đài, phù điêu, sân lễ đài, sân đường, hoa viên cây xanh, hồ nước, hệ thống cấp nước, cấp điện, chống sét… Đến ngày 29/10/2019, công trình được nghiệm thu và đưa vào sử dụng.
“Địa điểm Tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh” có ý nghĩa lịch sử, chính trị, văn hóa, ghi lại dấu ấn sự kiện tập kết chuyển quân ra Bắc năm 1954, là địa chỉ đỏ giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau nhất là thế hệ trẻ; là nơi tham quan, học tập, sinh hoạt truyền thống cho học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh; trong tương lai sẽ trở thành điểm tham quan du lịch nổi tiếng, điểm dừng chân của tuyến du lịch thủy nội địa và quốc tế.
Dịp này, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp tặng quà và hoa cho 140 cán bộ, chiến sỹ, thân nhân người tập kết ra Bắc tham dự buổi lễ nhận Bằng Xếp hạng Di tích Lịch sử Quốc gia “Địa điểm Tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh.”./.
Nguồn: Báo xây dựng