Ngừng lãng phí thực phẩm góp phần giảm biến đổi khí hậu
Ngừng lãng phí thực phẩm góp phần giảm biến đổi khí hậu
Trong khi trên thế giới còn rất nhiều người bị đói thì hàng năm có khoảng 30%-40% thực phẩm bị lãng . Điều này không chỉ gây lãng phí tài nguyên, công sức vất vả nhọc nhằn mà người nông dân bỏ ra mà còn ảnh hưởng đến môi trường.
Lãng phí thực phẩm là vấn nạn mà cả thế giới đang quan tâm, bởi vì thức ăn thừa không chỉ là một trong những nguyên nhân gây phát thải khí nhà kính, gia tăng tình trạng biến đổi khí hậu mà còn là sự lãng phí tài nguyên thiên nhiên, gián tiếp ảnh hưởng đển da dạng sinh học. Tại các nước đang phát triển như Việt Nam, tại bất cứ nhà hàng, quán ăn, một buổi tiệc lớn hay một bữa ăn nhỏ ngay tại gia đình, người ta cũng dễ dàng bắt gặp cảnh tượng thức ăn thừa bị bỏ đi trong khi thực trạng là nguồn lương thực thực phẩm vẫn đang mất mát bắt nguồn từ tình trạng yếu kém của hạ tầng, kỹ thuật trong sản xuất và đóng gói.
Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc cho biết trong các khu vực công nghiệp khoảng 300 triệu tấn thức ăn bị nhà sản xuất, hệ thống bán lẻ và người tiêu dùng vứt bỏ hàng năm có thể nuôi sống khoảng 870 triệu người bị đói trên toàn cầu. Mỗi năm thế giới lãng phí 1,3 tấn thực phẩm (tương đương với một phần ba sản lượng toàn cầu) trong khi mỗi ngày trên thế giới cứ 7 người thì có 1 người bị đói và hơn 20.000 trẻ em dưới 5 tuổi bị chết đói.
Nguyên nhân gây lãng phí khác nhau ở từng khu vực. Ở các nước đang phát triển, lãng phí chủ yếu xảy ra trong quá trình sản xuất và lưu trữ thực phẩm, chiếm 54% toàn thế giới. Con số này ở các nước phát triển là 46%. Tuy nhiên, các nước phát triển lãng phí thức ăn chủ yếu trong quá trình phân phối và tiêu thụ.
Lãng phí thức ăn không chỉ gây ảnh hưởng xấu tới con người mà còn khiến môi trường bị hủy hoại. Thức ăn bị bỏ đi sẽ trở thành rác thải. Khi chúng phân hủy sẽ tạo ra khí metan, một trong những khí gây hiệu ứng nhà kính, làm biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó lãng phí thực phẩm chính là lãng phí tài nguyên đất, nguồn nước cũng như các chất hóa học được sử dụng như phân bón, thuốc trừ sâu, nhiên liệu trong quá trình sản xuất, vận chuyển. Trên thực tế, việc sản xuất lương thực trên toàn cầu chiếm 25% diện tích đất lưu trú, tiêu tốn khoảng 70% lượng nước ngọt, góp 80% vào nạn chặt phá rừng và 30% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Do đó, đây là nguyên nhân lớn nhất của sự mất đa dạng sinh học và thay đổi loại hình sử dụng đất.
Theo một báo cáo lần đầu tiên định lượng khí thải nhà kính, thực phẩm bị bỏ đi tại các bãi rác sau khi phân hủy trở thành nguồn phát thải khí mê-tan ngày càng lớn ở Mỹ. Cắt giảm chất thải từ thực phẩm là cách tốt nhất để giảm lượng khí thải làm nóng hành tinh này.
Các bãi chôn lấp “góp” khoảng 15% lượng khí thải mê-tan của Mỹ, nguồn đóng góp khí thải nhiều thứ ba, chỉ sau sản xuất nhiên liệu hóa thạch và chăn nuôi gia súc. Khí mê-tan ở bãi rác này được tạo ra từ quá trình phân hủy các chất hữu cơ, chẳng hạn như giấy và thực phẩm. Hơn một phần ba tổng số… thực phẩm sản xuất ở Mỹ không bao giờ được tiêu thụ và phần lớn thực phẩm lãng phí đó cuối cùng sẽ bị vứt ra bãi rác và tạo ra khí mê-tan.
Bà Shannon Kenny tại Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) và các đồng nghiệp đã ước tính lượng khí thải mê-tan do loại thực phẩm bị vứt bỏ tạo ra bằng cách sử dụng dữ liệu được thu thập từ hơn 2600 bãi rác chôn lấp suốt khoảng thời gian từ năm 1990 đến năm 2020. Họ đã mô hình hóa lượng khí mê-tan từ chất thải bằng cách xem xét một số yếu tố, gồm cả các loại bãi chôn lấp khác nhau và tốc độ phân hủy của các loại chất hữu cơ khác nhau.
Họ phát hiện ra rằng chỉ riêng trong năm 2020, thực phẩm bỏ đi tại các bãi chôn lấp của Mỹ đã thải ra lượng khí mê-tan đủ để gây ra hiệu ứng nóng lên toàn cầu tương đương với 55 triệu tấn carbon dioxide tác động lên hành tinh trong 100 năm – tương đương với 12 triệu ô tô chạy bằng xăng tạo ra trong một năm. Nhìn chung, chất thải thực phẩm chiếm gần 60% lượng khí thải mê-tan tại bãi rác, mặc dù chúng chỉ chiếm khoảng 1/4 tổng khối lượng chất thải hữu cơ.
Bà Kenny nói: “Con số thật đáng kinh ngạc. Khi bạn nói chuyện với các chuyên gia, họ sẽ nói tất nhiên đó là rác thực phẩm thải ra khí nhà kính. Nhưng những người vứt bỏ thực phẩm lại không hề biết điều đó”.
Báo cáo cũng cho thấy từ năm 1990 đến năm 2020, lượng khí thải từ thực phẩm bỏ đi đã tăng gần gấp ba lần, ngay cả khi tổng lượng khí thải mê-tan từ các bãi chôn lấp đã giảm đáng kể nhờ hệ thống thu hồi khí mê-tan được triển khai rộng rãi. Các nhà nghiên cứu cho rằng sự gia tăng này là do lượng rác thải thực phẩm tăng lên chóng mặt, cũng như thực tế là hầu hết chất hữu cơ trong bãi chôn lấp đều phân hủy trước khi hệ thống thu hồi khí được lắp đặt, thường là khi bãi chôn lấp đã đầy.
Theo ông Liz Goodwin tại Viện Tài nguyên Thế giới phi lợi nhuận về môi trường ở Washington, DC đánh giá phát hiện này cho thấy tầm quan trọng rõ ràng của việc giảm lãng phí thực phẩm. Việc tiết kiệm thực phẩm không chỉ để hạn chế lượng khí thải mê-tan từ các bãi chôn lấp mà còn cắt giảm khí nhà kính và các tác động sử dụng tài nguyên liên quan đến sản xuất nguồn thực phẩm dư thừa đó.
Trong quá trình nghiên cứu, EPA đã cập nhật bảng xếp hạng các phương pháp tiếp cận thân thiện với môi trường nhất để xử lý rác thải thực phẩm. Họ nhận thấy rằng việc giảm chất thải ở mọi phần của chuỗi cung ứng và tái chế bất cứ thứ gì còn sót lại là hữu ích nhất. Sử dụng thức ăn dư thừa làm thức ăn chăn nuôi, ủ phân hoặc dùng để tạo ra khí sinh học cũng là những lựa chọn đáng xem xét, cho dù chúng chỉ mang lại lợi ích môi trường nhỏ.
Ngược lại, việc đốt thực phẩm, vứt xuống cống hoặc đưa vào bãi rác là những cách tồi tệ nhất để xử lý chất thải.
Các giải pháp chống lãng phí thực phẩm trên thế giới
Ông Qu Dongyu, Tổng Giám đốc FAO, cho rằng các nỗ lực nhằm giảm thiểu lãng phí thực phẩm chỉ thực sự hiệu quả khi toàn nhân loại nhận thức được vấn đề. Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh lãng phí thực phẩm là vấn đề không chỉ liên quan tới an ninh lương thực mà còn liên quan tới môi trường.
Nhiều chiến dịch cũng như các giải pháp về chống lãng phí thực phẩm đã được thực hiện trên thế giới. Một trong những giải pháp đó là dựa vào công nghệ.
Tại Vương quốc Anh, thiết bị Winnow Vision giúp thu thập kết quả đo khối lượng các thùng đựng rác thải thực phẩm và thông tin từ nhân viên nhà bếp về loại thức ăn đã vứt bỏ. Sau đó, thuật toán phân tích dữ liệu tiến hành đánh giá lượng thực phẩm đã bị lãng phí, trên cả phương diện chi phí và tác động đối với môi trường.
Các đầu bếp có thể sử dụng kết quả phân tích, có tính đến thực đơn của nhà hàng để điều hành hoạt động một cách hiệu quả hơn. Điều này cho phép các nhà hàng cắt giảm từ 40 – 70% lượng thực phẩm bị bỏ phí.
Một ứng dụng khác là “Too good to Go” cũng khá phổ biến để giảm tình trạng vứt bỏ đồ ăn thừa. Ứng dụng này kết nối các cửa hàng với những người muốn mua đồ ăn dư thừa hoặc sắp hết hạn. Có trụ sở tại Copenhague (Đan Mạch), công ty sở hữu bản quyền “Too good to Go” đã ký hợp đồng tại 11 quốc gia với sự tham gia của 25.000 nhà hàng và tiệm bánh. Đồ ăn được bán qua ứng dụng này có giá chỉ bằng 1/3 so với giá gốc. Đến nay, đã có 13 triệu người sử dụng ứng dụng “Too good to Go” để mua hàng giảm giá.
Tại Australia, Tổ chức Nghiên cứu khoa học và Công nghệ (CSIRO) đã thử nghiệm thành công biến súp lơ và bông cải xanh bỏ đi thành thuốc bổ. Nhu cầu về các chất bột và chất bổ sung giàu dinh dưỡng sẽ tạo ra thị trường mới cho các loại rau quả, giúp giải quyết vấn đề chất thải nông nghiệp, góp phần giải quyết được tình trạng bỏ phí như hiện nay.
Đi đầu trong cuộc chiến chống lãng phí thực phẩm không thể không nhắc đến Pháp. Hiện Pháp là nước ít lãng phí thực phẩm nhất thế giới. Đây cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng lệnh cấm các siêu thị vứt bỏ thức ăn không sử dụng mà thay vào đó mang ủng hộ các tổ chức từ thiện. Quy định trên có hiệu lực với tất cả siêu thị có diện tích từ 400m2 trở lên và nhà chức trách áp dụng mức phạt 3.750 euro nếu vi phạm.
Ngoài ra, Pháp cũng đang thúc đẩy mạnh mẽ sáng kiến “tủ lạnh đoàn kết”. Bắt đầu ở Paris, “tủ lạnh đoàn kết” nhanh chóng lan ra nhiều thành phố trên toàn nước Pháp, Đây là nơi các chủ nhà hàng để món ăn còn thừa hay những thực phẩm như sữa, các loại nước uống, trái cây, rau quả hay đồ hộp không bán hết cho ai có nhu cầu đều có thể lấy về dùng. Mô hình này không những làm giảm lãng phí thực phẩm mà còn chứa thông điệp ý nghĩa. Đó là giúp đỡ những người khó khăn để có những bữa ăn đầy đủ hơn.
Ngày Môi trường thế giới năm nay (5/6) đã chọn chủ đề “Think – eat – save” với ý nghĩa “Hãy nghĩ về môi trường trước khi tiêu thụ thực phẩm” nhằm nâng cao ý thức của mọi người, sử dụng thực phẩm một cách đúng mức, tránh lãng phí để không còn nạn đói trên toàn thế giới, ai cũng có đủ thức ăn và làm giảm tác động xấu tới môi trường.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị