Trí tuệ nhân tạo – cú hích chuyển mình văn hóa đọc
Từ xu thế số hóa toàn cầu…
Trong bối cảnh phát triển rực rỡ nền Công nghiệp 4.0, số hóa, chuyển đổi số đang là xu thế chung trên thế giới. Theo nhiều tài liệu, “số hóa” (Digitizing) là quá trình hiện đại hóa, chuyển đổi các hệ thống truyền thống sang hệ thống kỹ thuật số (ví dụ như chuyển tài liệu từ dạng giấy sang các file mềm trên máy tính, truyền hình chuyển từ phát sóng analog sang phát sóng kỹ thuật số…). “Chuyển đổi số” (Digital Transformation) là khai thác các dữ liệu có được từ quá trình số hóa, rồi áp dụng các công nghệ để phân tích, biến đổi các dữ liệu đó và tạo ra các giá trị mới hơn. Số hóa như một phần của chuyển đổi số, là bước đầu quan trọng của cuộc cách mạng chuyển đổi số.
Ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 505/QĐ-TTg, lấy ngày 10/10 hằng năm là ngày Chuyển đổi số quốc gia của nước ta. Có thể thấy, “số hóa” là từ khóa được nhắc tới nhiều nhất hiện nay, từ các phương tiện truyền thông đến mạng xã hội hay đời sống thường ngày, trên tất cả các lĩnh vực.
Không nằm ngoài guồng quay đó, số hóa trong ngành xuất bản cũng được triển khai đẩy mạnh. Có thể nói, cuộc “đổ bộ” của số hóa trong ngành xuất bản về Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, bắt nguồn từ sự ra đời của Kindle – máy đọc sách điện tử vào tháng 11/2007 do Amazon phát hành.
Kindle như một tủ sách cá nhân thu gọn. Với Kindle, chúng ta có thể đọc báo, tạp chí, sách, tài liệu ở bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào cần và muốn, chỉ cần người dùng được phép duyệt, mua và tải xuống các tài liệu cần với định dạng file mềm. Kindle là một kênh phát hành sản phẩm sách/tài liệu đã được số hóa từ dạng bản cứng truyền thống (giấy) sang dạng bản mềm (file điện tử).
Chỉ vài năm sau khi Kindle ra đời, sản phẩm này đã xuất hiện tại Việt Nam. Nhất là từ năm 2014 tới nay, người tìm mua Kindle ngày càng nhiều, sản phẩm cũng phong phú hơn với các thương hiệu sản xuất khác nhau. Cho đến nay, Kindle đã trở thành một vật dụng thường ngày như Smartphone, quen thuộc đối với học sinh sinh viên, giới văn phòng và những người yêu việc đọc hoặc cần đọc ở khắp mọi nơi. Thay vì cầm theo cuốn sách, tài liệu cần đọc mỗi khi di chuyển tới bất cứ đâu, người đọc chỉ cần mang theo Kindle – tủ sách cá nhân thông minh và vô cùng tiện lợi.
Các app sách nói – một trợ thủ đắc lực
AI – “trí tuệ nhân tạo”, là một trong những từ khóa được tìm kiếm, nhắc tới nhiều nhất trong 2 năm qua. Người ta nói về việc chỉ từ một văn bản, AI sẽ thay con người chuyển đổi văn bản đó sang dạng âm thanh (audio) và bằng nhiều cách, AI sẽ đọc sách/tài liệu lên thay cho con người. Con người chỉ cần thu âm và phát lại đoạn audio đó. Đây cũng là một thành tựu đáng kể của trí tuệ nhân tạo góp phần hỗ trợ rất lớn cho con người nói chung và ngành xuất bản nói riêng.
Trong 2 năm nay, các công ty/doanh nghiệp chuyên về thu âm phát thanh “mọc lên” như nấm sau mưa. Trên các nền tảng mạng xã hội, website, những chương trình quảng cáo dày đặc về thông tin tuyển dụng các vị trí thu âm, phát thanh là minh chứng rõ ràng. Cùng lúc đó là sự ra đời của các ứng dụng (app) sách nói/Podcast. Các app sách nói đọc chuẩn tiếng Việt đang rất phổ biến có thể kể đến như: Fonos, YouTube, Spotify, Voiz FM, AudioAZ, Waka 4.0, LibriVox, Blinkist, Audible, TuneFM… đây là kho thư viện audio book với hàng ngàn cuốn sách đã được số hóa, từ sách giấy truyền thống sang dạng sách nói.
Các công ty tạo ứng dụng sách nói ký hợp tác với các đơn vị xuất bản phát hành là cơ hội cho nhiều độc giả có thể nghe sách nói có bản quyền trọn vẹn hơn. Như Voiz FM hợp tác với First News, Nhà xuất bản Văn học, Nhà xuất bản Kim Đồng, Bách Việt, Quảng Văn, Alphabooks, Nhã Nam,… và một số nhà xuất bản nước ngoài ở Anh, Mỹ, Nhật. Hay Fonos trở thành đối tác chiến lược của những đơn vị như Nxb Trẻ, Alphabooks, Thái Hà Books, Nhã Nam, Nhà xuất bản Kim Đồng, Nhà xuất bản Tri Thức, Đông A, Phanbook…
Theo ông Nguyễn Xuân Minh – Giám đốc Kế hoạch và Bản quyền Nhã Nam, ngay khi hai nhà đồng sáng lập Fonos là Oscar Jesionek và Xuân Nguyễn đến liên hệ làm việc, Nhã Nam đã có ấn tượng rất tốt về Fonos vì sự thận trọng, chỉn chu, kỹ lưỡng trong quá trình kiểm soát chất lượng sách. Ông hi vọng Nhã Nam và Fonos có thể trở thành đối tác lâu dài, góp phần phổ biến sách nói đến với cộng đồng những người yêu sách Việt Nam.
Không chỉ những người bận rộn mà bất cứ ai tại các địa phương có ít hiệu sách nhưng vẫn luôn muốn tìm hiểu, cập nhật tri thức thì sách nói là trợ thủ đắc lực.
Bà Khúc Thị Hoa Phượng – Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam đánh giá cao sự góp mặt của các app sách nói vào việc lan tỏa văn hóa đọc. Bà cho rằng, “nhờ điện thoại thông minh, những người yêu sách từ nông thôn đến thành thị, từ miền xuôi đến miền ngược, từ trẻ con đến người già đều có thể tiếp cận văn hóa đọc”.
Công việc của anh Nguyễn Dương (chuyên gia tài chính, Gia Lâm, Hà Nội) rất bận, không có thời gian cầm sách đọc say sưa như thời sinh viên nữa. Và từ ngày biết đến sách nói, anh đã có thể vừa nghe vừa nấu nướng, vừa nghe vừa tập thể dục…
“Mục đích sau cùng của việc đọc chẳng phải là bồi đắp tri thức, làm giàu vốn hiểu biết về thế giới này cũng như trau dồi tâm hồn, nhân cách đạo đức cá nhân đó sao? Nếu nói về văn hóa đọc trong thời đại công nghệ số, với tôi, chỉ đơn giản là chuyển đổi hình thức và theo kịp “số hóa” thôi chứ không làm giảm đi thói quen đọc ngày nào”, anh Dương chia sẻ.
Là CEO của một công ty chuyên về thiết kế, chị Thu Trang (Ba Đình, Hà Nội) liên tục phải di chuyển vì những chuyến công tác xa. Chị thích thú trước sự xuất hiện của các app sách nói và cho rằng sự phát triển của trí tuệ nhân tạo hỗ trợ việc tiếp thu tri thức rất nhiều: “Tôi có thể cập nhật cuốn sách mới ra dù đang ở sân bay đợi chuyến nhờ Kindle và Fonos. Tủ sách gia đình của tôi vẫn được bổ sung các đầu sách mới, nhưng chủ yếu dành cho các con đọc”.
Những người yêu sách, yêu việc đọc luôn là những người ham hiểu biết, ham tìm tòi tri thức. Khi họ cầm cuốn sách lên đọc, tạo nên những tác động lan tỏa văn hóa đọc. Nhưng trong thời đại công nghệ phát triển chóng mặt và con người bước vào guồng quay vội vã của thời đại, sự tiện dụng tối ưu thời gian mới là điều cần lưu tâm. Người thích đọc, ham đọc sẽ vẫn tìm mọi cách để cập nhật tri thức. Và họ đã biết vận dụng, hòa nhập vào nhịp sống ấy để thỏa mãn niềm đam mê của mình. Có thể nói rằng, vô hình chung, văn hóa đọc trong thời đại công nghệ số đang chuyển đổi hình thức từ cầm sách/tài liệu đọc sang nghe bản sách/tài liệu đã được đọc sẵn và nhiều hơn thế nữa.
Theo Người Hà Nội
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu