Hoàn thiện ý kiến góp ý xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TC&QCKT

Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Hà Minh Hiệp, lãnh đạo các đơn vị thuộc Tổng cục, cùng đại diện các Sở, ban, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức liên quan.

Phát biểu khai mạc hội thảo, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Hà Minh Hiệp cho biết, Luật TC&QCKT được Quốc hội ban hành từ năm 2006, đến nay đã trải qua hơn 17 năm triển khai. Trong quá trình đánh giá về chính sách xây dựng sửa đổi Luật, cơ quan soạn thảo cũng xác định được một số chính sách rất quan trọng làm định hướng cho việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.

Với mục tiêu để hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hoàn thiện thêm một bước nữa, không chỉ về mặt số lượng mà còn về chất lượng, đồng thời hướng tới tiếp cận quốc tế, trong chiến lược Tổng cục vừa trình Thủ tướng Chính phủ cũng xác định được một số mục tiêu rất quan trọng. Buổi hội thảo ngày hôm nay sẽ tiếp nhận thêm những ý kiến góp ý, đưa ra một số định hướng, mục tiêu vào hồ sơ sửa Luật.

Trong đó, thứ nhất là tăng cường các tiêu chuẩn phát triển bền vững, đây là mục tiêu rất quan trọng của ISO và các nước trong khu vực, Việt Nam cũng hướng đến Net – Zero. Thứ hai là Ban kỹ thuật, chuyên gia tham gia Ban kỹ thuật có thể huy động được lực lượng tham gia cùng nhau xây dựng tiêu chuẩn. Thứ ba là mong muốn tiêu chuẩn hướng đến các sản phẩm, dịch vụ cụ thể của doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là địa phương, các Bộ, ngành, trong đó sản phẩm quốc gia của các Bộ, ngành, sản phẩm chủ lực và trọng điểm của địa phương.

“Trước đây chúng ta vẫn nghĩ tiêu chuẩn và công nghệ là hai vấn đề tách biệt, công nghệ là “knowhow”, còn tiêu chuẩn là những cái được công bố, tuy nhiên hiện nay ngay cả Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) và các tổ chức như UL cũng đã xóa nhòa những suy nghĩ đó. Các tiêu chuẩn cho IoT, AI, tiêu chuẩn cho công nghệ và các vấn đề trách nhiệm của AI,… có thể thấy đi rất sâu vào tiêu chuẩn để hỗ trợ thúc đẩy phát triển công nghệ.

Đây là sự thay đổi rất lớn và nếu chúng ta áp dụng Luật TC&QCKT theo cách thức cũ thì chỉ tiếp cận sản phẩm, dịch vụ, chưa hướng đến phát triển toàn diện. Đây cũng là một số mục tiêu mà Tổng cục đặt ra trong quá trình biên tập dự thảo Luật sửa đổi. Có thể thấy, Tổ công tác và Tổng cục đã hết sức cố gắng tiếp thu, biên tập các ý kiến, Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung cũng được đăng tải công khai và gửi lấy ý kiến rộng rãi các Bộ, ngành, địa phương”, Quyền Tổng cục trưởng nhấn mạnh.

Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Hà Minh Hiệp phát biểu khai mạc Hội thảo.

Trình bày Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TC&QCKT, Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn Nguyễn Văn Khôi cho hay, Luật TC&QCKT (sửa đổi) được xây dựng dựa trên các quan điểm chỉ đạo sau.

Thứ nhất, thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh. Nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và hiệu quả hợp tác quốc tế; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam.

Thứ hai, xây dựng khung pháp lý nhằm triển khai hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp, đảm bảo thống nhất trong việc áp dụng pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp, góp phần tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng.

Thứ ba, bảo đảm tính khả thi khi áp dụng trên thực tiễn và sự đồng bộ của hệ thống pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đánh giá sự phù hợp.

Thứ tư, nội luật hóa quy định tại các cam kết quốc tế trong FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp theo tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 05/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương về “Thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị – xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”.

Theo kết quả rà soát và quá trình tổng kết thi hành Luật TC&QCKT thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất sửa đổi các nội dung sau đây trong dự thảo Luật TC&QCKT để thống nhất, đồng bộ với các Luật có liên quan. 

Thứ nhất, sửa đổi nội dung liên quan đến trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, ban hành QCVN cho đối tượng bí mật nhà nước để đồng bộ với Luật Dự trữ quốc gia; Thứ hai, sửa đổi, bổ sung quy định về hoạt động đánh giá sự phù hợp đảm bảo đồng bộ với Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa; Thứ ba, sửa đổi quy định về hoạt động xuất bản, phát hành TCVN, QCVN để đồng bộ với Luật Khoa học và Công nghệ.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định chủ trì phiên thảo luận tại Hội thảo.

Riêng đối với các Luật đã có trong chương trình sửa đổi, bổ sung giai đoạn 2022-2024 cần rà soát để sửa đổi, bổ sung đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; đối với các Luật chưa có thì đề nghị sửa đổi trong các giai đoạn tiếp theo 2025-2026.

Trong đó, Luật An toàn thực phẩm cần sửa đổi nội dung liên quan đến công bố sản phẩm tại các văn bản hướng dẫn luật. Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và Chữa cháy cần sửa đổi nội dung liên quan đến nguyên tắc áp dụng tiêu chuẩn quốc gia (TCVN).

Hội thảo đã tiếp nhận nhiều ý kiến đóng góp, góp ý từ đại diện các Sở, ban, ngành, hiệp hội, địa phương. Đây cũng là cơ sở để cơ quan soạn thảo hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TC&QCKT.

Đại diện các Sở, ban, ngành, hiệp hội đưa ra ý kiến góp ý tại Hội thảo.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định khẳng định: “Sửa đổi Luật TC&QCKT là công việc rất khó khăn, nó tác động rất lớn tới các ngành, lĩnh vực và nền kinh tế – xã hội. Hội thảo đã tiếp nhận rất nhiều ý kiến đầy tâm huyết, mang hơi thở cuộc sống và đây là nền tảng để Bộ Khoa học và Công nghệ tổng hợp, báo cáo Chính phủ và có dự thảo Luật trình Quốc hội.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là điểm khởi đầu, chúng tôi rất mong trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được ý kiến từ các Bộ, ngành địa phương, các hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học,… để chúng ta có dự thảo Luật mang lại tác động tích cực cho sự phát triển kinh tế – xã hội đất nước”.

Hà My

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích