Phát triển loại ổ cứng thủy tinh giúp lưu trữ dữ liệu lên tới 10.000 năm
Tính thực tiễn của dự án được khẳng định khoảng bốn năm trước, hãng đã lưu trữ thành công bộ phim Superman lên một mảnh thủy tinh vuông 75×75 mm và dày 2 mm. Hãng cho biết ưu điểm của việc ghi dữ liệu lên kính là gần như không bị hư hại, có thể lưu tới 10.000 năm mà không cần sao chép lại để bảo quản. Trong khi đó, các ổ SSD hiện tại được chế tạo để tồn tại trong khoảng 5-10 năm.
Theo các nhà nghiên cứu của Microsoft lưu trữ dữ liệu trong kính bằng cách sử dụng tia laser femtosecond siêu nhanh để tạo ra voxel – phiên bản 3D của pixel. Microsoft dùng các kính hiển vi được điều khiển bằng máy tính để đọc và giải mã voxel. Một ưu điểm khác của ổ cứng thủy tinh là hệ thống lưu trữ không tiêu tốn điện năng, tấm kính được đặt trên kệ thay vì kết nối với Internet theo thời gian thực. Khi người dùng muốn truy cập, các robot sẽ di chuyển đến khối kính chứa dữ liệu họ muốn và chuyển đến đầu đọc để giải mã và gửi đi. Hiện dự án Silica đã có thể lưu trữ vài TB dữ liệu, 1,75 triệu bài hát hay 3.500 bộ phim lên một tấm kính duy nhất.
Microsoft đang đưa ra ý tưởng xây dựng trung tâm dữ liệu với ổ cứng bằng kính trong tương lai, cũng như hệ thống robot để vận hành trung tâm này.
Đồng thời Microsoft cho biết dự án Silica hiện đạt bước tiến lớn so với 4 năm trước, nhưng công nghệ này vẫn còn 3-4 giai đoạn phát triển trước khi được thương mại hóa. Dự án được đánh giá có rất nhiều tiềm năng nhưng chi phí ban đầu rất cao, phần lớn dành cho việc ghi dữ liệu lên kính. Tuy nhiên, chi phí bảo trì sẽ rẻ hơn nhiều so với các trung tâm lưu trữ hiện tại.
Đến nay, Tập đoàn Elire đã, đang hợp tác với Microsoft để khai thác công nghệ này cho “Global Music Vault” ở Svalbard, Na Uy. Công ty này đặt mục tiêu tạo ra một kho lưu trữ lâu dài không chỉ chịu được các xung điện từ và nhiệt độ khắc nghiệt mà còn thân thiện với môi trường. Nó sẽ cung cấp kho lưu trữ toàn diện về di sản âm nhạc, từ các vở opera cổ điển đến các bản hit hiện đại và các sáng tác bản địa.
Trong tương lai, công nghệ này dự kiến trở thành nền tảng của trung tâm lưu trữ Azure toàn cầu. Người dùng OneDrive có thể lưu toàn bộ ảnh và video cá nhân lên mà không sợ bị hư hại. Tuy nhiên dự án này cũng có hạn chế, sau khi dữ liệu được ghi sẽ không thể được sửa đổi. Điều này làm nó phù hợp hơn cho việc lưu trữ dữ liệu lịch sử hoặc khoa học.
Duy Trinh (t/h)