Hướng đến việc triển khai thành công quy định EPR tại Việt Nam

Hướng đến việc triển khai thành công quy định EPR tại Việt Nam

Sáng 26/10, tại TP.HCM Liên minh tái chế bao bì Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Hướng đến việc triển khai thành công quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuấ (EPR) tại Việt Nam”.

Hội thảo do ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch PRO Việt Nam chủ trì. Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Đình Thọ – Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT); ông Hoàng Mạnh Hà – Tổng Biên tập Báo TN&MT, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh hướng đến NetZero Carbon; bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM; cùng đại diện các công ty môi trường đô thị, các chuyên gia trong lĩnh vực tái chế rác thải và đại diện của một số tổ chức phi chính phủ.

tm-img-alt
Quang cảnh hội thảo

Theo ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PROVN ), Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tại Đông Nam Á áp dụng công cụ EPR như một quy định bắt buộc của Luật Bảo vệ Môi trường. Đây là một bước tiến rất dài và là một nỗ lực đáng kể của Quốc gia trong việc giữ gìn nguồn tài nguyên cho thế hệ mai sau.

Ông Nguyễn Hữu Tiến – chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) – lấy bài học ví dụ từ Đài Loan khi nơi này này đã tái chế gần 70% rác thải và triển khai thành công EPR.

Theo ông Tiến, EPR tại Đài Loan dựa vào 4 trụ cột chính hoạt động gồm: Chính quyền, cư dân, quỹ tái chế, nhà tái chế.

Tại Việt Nam, hoạt động tái chế Việt Nam còn dựa chủ yếu vào lực lượng phi chính thức như đồng nát, ve chai, làng nghề tái chế…

“Từ thu gom tới tái chế cần một quy trình theo tiêu chuẩn. Chúng ta đang thiếu nghiêm trọng cơ sở hạ tầng tái chế đạt tiêu chuẩn EPR. Đặc biệt những nhà máy đủ khả năng tái chế các loại rác”, ông Tiến nhấn mạnh.

“Để giảm định mức tái chế cũng như thực hiện thành công EPR, các trụ cột, lực lượng cần cùng kết hợp chặt chẽ, liên kết, cùng thúc đẩy nhau tiến lên”, ông Tiến nói.

tm-img-alt
Các diễn giả chia sẻ tại hội thảo

Theo bà Nguyễn Thị Hoài Linh – giám đốc quốc gia tổ chức hành động vì môi trường và phát triển (ENDA) tại Việt Nam., hiện nay, lực lượng thu góm rác thải chính là các lực lượng phi chính thức (đồng nát, ve chai…). Lực lượng này phải làm việc trong môi trường độc hại, không được bảo vệ lẫn phúc lợi xã hội.

Theo bà Linh, dưới tác động của công cụ chính sách EPR, phế thải có thể bán với giá cao hơn. Bên cạnh đó, lực lượng không chính thức cũng có cơ hội nhận được hỗ trợ từ Quỹ bảo vệ môi trường từ công cụ EPR để cải thiện cuộc sống.

Tuy nhiên, bà Linh nhận định EPR sẽ thúc đẩy việc thành lập các công ty tái chế chuyên nghiệp cạnh tranh trực tiếp với các cơ sở tái chế tại và các làng nghề. Hơn nữa, các quy định EPR sẽ yêu cầu các cơ sở tái chế đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe theo quy định của pháp luật.

Để lực lượng phi chính thức đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn khắt khe trên vô cùng khó. Chính vì vậy, bà Linh cho hay cần được quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn lực lượng này trong thời gian tới.

Trong khuôn khổ Hội thảo, PRO Việt Nam cũng sẽ ký kết Biên bản Ghi nhớ với Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh (Green Media Hub) – thuộc Hội Nhà báo Việt Nam, với điều khoản: “cam kết cùng nhau phát triển các chiến lược truyền thông hiệu quả trong dài hạn, nhằm thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh tại Việt Nam, góp phần thực thi EPR hiệu quả”.

Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (Packing Recycling Organization Vietnam – PRO Việt Nam) là tổ chức tiên phong phi lợi nhuận được thành lập từ năm 2019, bao gồm những thành viên là các công ty Việt Nam và FDI hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, sản xuất bao bì, bán lẻ, tái chế và nhập khẩu, có cùng chung mong muốn góp phần vì một Việt Nam xanh, sạch, đẹp bằng việc thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn.

Thông qua việc làm cho quá trình thu gom và tái chế bao bì sản phẩm được thực hiện theo cách dễ tiếp cận hơn và bền vững hơn, PRO Việt Nam kỳ vọng vào năm 2030, tất cả bao bì do các thành viên trong liên minh đưa ra tiêu thụ trên thị trường đều sẽ được thu gom và tái chế.

Để hiện thực hóa khát vọng của mình, PRO Việt Nam hướng đến bốn mục tiêu chính: Nâng cao nhận thức người tiêu dùng về tái chế và phân loại rác; Làm vững mạnh hệ sinh thái thu gom bao bì sẵn có; Thúc đẩy các chương trình tái chế của nhà máy xử lý và sản xuất bao bì; Hợp tác với Chính phủ ủng hộ và phổ biến bộ nguyên tắc 3R (Reduce – Giảm thiểu, Reuse – Tái sử dụng và Recycle – Tái chế) trong bảo vệ môi trường, đặc biệt là Recycle – Tái chế, nhằm mang đến vòng đời thứ hai cho những bao bì đã qua sử dụng.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích