4 hiểu lầm phổ biến về bảo vệ môi trường: Chúng ta có thể làm gì?

4 hiểu lầm phổ biến về bảo vệ môi trường: Chúng ta có thể làm gì?

Bạn có đang hiểu sai về bảo vệ môi trường? Có phải sản phẩm thân thiện với môi trường đều là sản phẩm bền vững?

tm-img-alt
Nguồn: Pexels

Tái chế là biện pháp toàn diện nhất

Các bạn trẻ thường nghĩ tái chế là biện pháp tối ưu nhất để giảm thiểu được các vấn đề ô nhiễm môi trường. Nhiều trào lưu như “Gom 10 vỏ chai nước được tặng 1 chai nước mới” hay “Biến đồ nhựa thành đồ gia dụng” vô tình khiến mọi người suy nghĩ rằng tái chế là quy trình quan trọng nhất các hoạt động bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, theo Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ: Chỉ 32,1% rác thải được tái chế vào năm 2018. Một sản phẩm phải trải qua nhiều quy trình và công nghệ phức tạp mới có thể tái chế và đưa ra thị trường. Điều đó nghĩa là nếu chỉ áp dụng quy trình tái chế là không đủ để cải thiện tình hình rác thải.

Theo mô hình 3R: Reduce – Recycle – Reuse (Giảm thiểu – Tái chế – Tái sử dụng), chúng ta có thể bảo vệ môi trường thông qua những hành động khác như: Giảm thiểu rác thải thực phẩm, rác thải nhựa bằng việc hạn chế sử dụng bao bì dùng một lần, không lãng phí thức ăn…

tm-img-alt
Phân loại rác cũng là một phương pháp đơn giản và thiết thực để bảo vệ môi trường. Nguồn: Unsplash

Sản phẩm thân thiện với môi trường là sản phẩm bền vững

Các sản phẩm gắn nhãn eco – friendly (thân thiện với môi trường) là những sản phẩm có chiết xuất tự nhiên và được sản xuất dựa trên mục đích giảm thiểu tác động đến môi trường. Điều này khiến nhiều người tiêu dùng nghĩ rằng những sản phẩm thân thiện với môi trường cũng đồng thời là phẩm bền vững.

Trên thực tế, tính bền vững của một sản phẩm còn dựa trên rất nhiều tiêu chí khác như vòng đời, dấu chân carbon, độ bền, tuổi thọ và khả năng tái chế.

Ví dụ: Các doanh nghiệp đang có xu hướng sử dụng nhựa phân huỷ sinh học vì có khả năng phân huỷ nhanh hơn nhựa truyền thống.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu trên tạp chí Khoa học & Công nghệ Môi trường: Loại nhựa này chỉ phân huỷ trong điều kiện nhiệt độ cao và tiếp xúc lâu với tia UV. Trong điều kiện tiêu chuẩn, chúng có thể tồn tại nhiều năm và góp phần gây ô nhiễm môi trường.

Một phần nguyên nhân gây ra sự nhầm lẫn này còn do trào lưu tẩy xanh của các doanh nghiệp, gây ra sự nhầm lẫn giữa hai khái niệm sản phẩm bền vững và thân thiện với môi trường.

tm-img-alt
Sử dụng túi vải thay thế cho túi nylon dùng một lần để giảm thiểu rác thải nhựa. Nguồn: Pexels

Trước khi chọn mua một sản phẩm, bên cạnh cân nhắc đến thành phần, tính năng và giá tiền, bạn nên ưu tiên chọn những sản phẩm có chứng nhận về tính bền vững của sản phẩm được công nhận bởi các bên thứ ba như Energy Star, Fair Trade và Cradle to Cradle.

Công nghệ có thể giải quyết mọi vấn đề

Công nghệ là một trong những yếu tố được kỳ vọng rất nhiều trong việc thay thế và giải quyết các vấn đề môi trường. Tuy nhiên, điều này cũng có rất nhiều mặt hạn chế. Một giải pháp công nghệ hoàn chỉnh đòi hỏi phải đi kèm với thay đổi hành vi người tiêu dùng, chính sách nhà nước và tình hình kinh tế hiện tại.

Theo nghiên cứu về môi trường của tạp chí Nature: Mặc dù tiến bộ công nghệ có thể giảm thiểu lượng khí thải, nhưng để đạt được sự bền vững lâu dài đòi hỏi phải thay đổi hành vi, chính sách cải cách và hợp tác toàn cầu để giải quyết vấn đề một cách toàn diện.

Ví dụ: Xe điện thường được xem là thân thiện với môi trường vì không thải ra khí thải ô nhiễm, nhưng quy trình sản xuất pin và nguồn điện vẫn gây tác động ít nhiều đến các tài nguyên thiên nhiên. Sử dụng phương tiện giao thông công cộng có thể là một lựa chọn bền vững hơn vì giúp giảm thải lượng carbon và hạn chế quy trình sản xuất sử dụng nhiều nguyên liệu tự nhiên.

Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ của những đất nước phát triển

Đối với những quốc gia đang phát triển, yêu cầu cấp bách nhất được cho là phát triển nền kinh tế, giáo dục, tạo ra thu nhập và việc làm cho người dân. Tuy vậy, môi trường cũng là một vấn đề đáng để ưu tiên.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới: Hơn 90% dân số thế giới hít thở không khí ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe và phúc lợi kinh tế trên toàn cầu. Điều này chứng tỏ việc bảo tồn nguồn nước và hạn chế ô nhiễm không khí là vấn đề của tất cả các quốc gia trên thế giới.

Gen Z có thể làm gì cho môi trường?

Bằng cách định nghĩa lại những quan điểm sai lầm về bảo vệ môi trường, tăng cường khả năng nhận thức đi kèm với hành động tức thời, gen Z là thế hệ được kỳ vọng rất nhiều trong việc tạo ra một môi trường thiên nhiên bền vững và lành mạnh:

Ưu tiên các sản phẩm bền vững: Hạn chế sử dụng thời trang nhanh hay các loại bao bì dùng một lần. Thay vào đó, tái sử dụng lại tủ quần áo và thay các loại chai nhựa, túi nilon bằng bình nước, hộp thuỷ tinh hoặc túi vải cá nhân để đựng thực phẩm.

tm-img-alt
Các bạn trẻ nhóm tình nguyện Nghệ An xanh cùng nhau dọn rác dưới lòng sông. Nguồn: Môi trường và Đô thị

Nâng cao nhận thức của cộng đồng: Sự phát triển mạnh mẽ của nền tảng mạng xã hội cho phép người dùng tiếp cận với rất nhiều thông tin. Việc thường xuyên chia sẻ những tin tức, vấn đề về môi trường sẽ giúp nâng cao nhận thức của mọi người xung quanh về các vấn đề này.

Bảo vệ môi trường từ lâu đã không còn là vấn đề của các tổ chức hay doanh nghiệp, mà là trách nhiệm của mỗi cá nhân và cộng đồng. Chỉ với những thay đổi nhỏ trong sinh hoạt hằng ngày, bạn đã góp phần cho sự thay đổi tích cực của môi trường sống xung quanh mình. Tham khảo: Vietcetera

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích