Bắc Giang: Gỡ khó cho các dự án khu đô thị, khu dân cư mới tại huyện Lạng Giang

(Xây dựng) – Nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án khu đô thị, khu dân cư (KĐT, KDC) mới được nêu ra trong buổi làm việc giữa Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương và các cơ quan, doanh nghiệp đang triển khai dự án tại huyện Lạng Giang ngày 25/10.

Bắc Giang: Gỡ khó cho các dự án khu đô thị, khu dân cư mới tại huyện Lạng Giang
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang làm việc với đại diện huyện Lạng Giang và các chủ đầu tư KĐT, KDC mới (Ảnh BGP).

Với 32 dự án KĐT, KDC mới và tổng diện tích hơn 450ha, tổng vốn đầu tư hơn 5,3 nghìn tỷ đồng, huyện Lạng Giang đang là một trong những địa phương dẫn đầu toàn tỉnh Bắc Giang trong việc triển khai xây dựng các KĐT, KDC mới. Tuy nhiên, quá trình thực hiện các dự án này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó đáng chú ý là các vướng mắc về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB).

Theo báo cáo tại buổi làm việc, dự án KĐT mới phía Tây thị trấn Vôi được thực hiện từ năm 2015 và kéo dài đến hết tháng 12/2023 (được phân kỳ làm 3 giai đoạn). Ngay sau khi dự án được chấp thuận đầu tư, UBND huyện tập trung tổ chức bồi thường GPMB và bàn giao đất thực hiện dự án. Tuy nhiên đến nay, công tác bồi thường GPMB thực hiện giai đoạn 2, giai đoạn 3 chưa được giải quyết do chưa nhận được sự đồng thuận của một số hộ dân.

KĐT mới phía Đông thị trấn Vôi là dự án đối ứng của dự án xây dựng đường trục thị trấn Vôi. Thời gian thực hiện từ năm 2020-2023 (được gia hạn lần 1 đến hết tháng 12/2025), quy mô 56,05ha với tổng mức đầu tư khoảng 624,7 tỷ đồng. Ngay khi dự án được chấp thuận đầu tư, UBND huyện thường xuyên tổ chức hội nghị kiểm điểm tiến độ xây dựng và công tác bồi thường GPMB để kịp thời tháo gỡ vấn đề phát sinh. Đến nay, đã hoàn thành GPMB 55,27/56,05ha, giao đất được 54,35/56,05 ha, nhà đầu tư đã thi công cơ bản xong các hạng mục chính trên phần diện tích đã được giao đất (khoảng 90,2% khối lượng toàn dự án), còn 1,7ha chưa GPMB xong.

Dự án KDC Nghĩa Hòa, xã Nghĩa Hòa, huyện Lạng Giang (là dự án đối ứng của Dự án xây dựng đường trục Cụm công nghiệp Nghĩa Hòa – Khu trung tâm thị trấn Kép mở rộng) có thời gian thực hiện dự án từ năm 2019-2024, quy mô diện tích 11,36ha với tổng mức đầu tư khoảng 134,15 tỷ đồng. Đến nay đã hoàn thành GPMB và giao đất một phần dự án với diện tích 10,64/11,36ha (đã thi công đạt 65% khối lượng hoàn thành trên phần đất đã giao cho nhà đầu tư). Đối với diện tích còn lại đã hoàn thành xong công tác GPMB, nhà đầu tư đã hoàn thiện hồ sơ chuyển mục đích và giao đất trình thẩm định, dự kiến xong trong tháng 11/2023.

Dự án KDC thôn Hạ, xã Nghĩa Hòa, huyện Lạng Giang (là dự án đối ứng của Dự án xây dựng đường trục Cụm công nghiệp Nghĩa Hòa – Khu trung tâm thị trấn Kép mở rộng), thời gian thực hiện dự án từ năm 2019-2024, quy mô diện tích 12,65ha với tổng mức đầu tư khoảng 141,3 tỷ đồng, đã hoàn thành công tác GPMB và giao đất dự án với diện tích 12,65/12,65ha. Đến nay, nhà đầu tư đã hoàn thành xong việc thi công và đang lập hồ sơ quyết toán dự án theo quy định.

Dự án KDC thôn Mầu, xã Thái Đào, huyện Lạng Giang (là dự án đối ứng của Dự án nâng cấp, cải tạo ĐT.292 trên địa bàn huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang), thời gian thực hiện dự án từ năm 2021-2028, quy mô diện tích 11,3ha với tổng mức đầu tư khoảng 174,93 tỷ đồng, đã hoàn thành công tác GPMB và giao đất dự án với diện tích 11,2 ha/11,3ha. Đến nay, nhà đầu tư đã thi công xong toàn bộ dự án.

Ngoài ra, một số dự án khác vướng mắc về đấu nối hạ tầng giao thông, xử lý tài sản trên đất; điều chỉnh ranh giới thực hiện dự án; quy hoạch chi tiết, quy hoạch chung không đồng bộ.

Tại buổi làm việc, đại diện huyện Lạng Giang đề xuất giải pháp về cưỡng chế, thu hồi đất đối với một số dự án thực hiện kéo dài, đồng thời khoanh vùng phần giáp ranh khu vực khó GPMB; bổ sung quy hoạch kết nối giao thông từ KĐT, KDC với các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ.

Riêng công tác quy hoạch, xây dựng, thu hút đầu tư, huyện đề nghị UBND tỉnh uỷ quyền cho huyện phê duyệt quy hoạch các khu chức năng đặc thù trên địa bàn các xã đã có trong quy hoạch chung với diện tích nhỏ hơn 100ha (trừ các khu, cụm công nghiệp).

Cơ quan chuyên môn về xây dựng cấp tỉnh: Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ủy quyền cho cơ quan chuyên môn về xây dựng cấp huyện thẩm định các dự án đầu tư công có tổng mức đầu tư đến 100 tỷ đồng theo thẩm quyền…

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương đánh giá: Với diện tích cần GPMB rất lớn, liên quan đến quyền lợi của nhiều người dân nên quá trình thực hiện còn những điểm nghẽn. Vì vậy, các phần chưa GPMB, huyện cần tiếp tục tuyên truyền, vận động để các hộ đồng tình ủng hộ.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương nhất trí đối với đề xuất, kiến nghị của huyện liên quan đến dự án KĐT mới phía Tây thị trấn Vôi, phía Đông thị trấn Vôi như: Khoanh lại một phần đất chưa GPMB, thi công hệ thống hạ tầng giao thông, thoát nước theo hiện trạng để sớm kết thúc dự án. Nếu người dân đồng thuận, UBND huyện sẽ bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách để đầu tư và hoàn thiện theo quy hoạch. Cải tạo, hoàn thiện một số tuyến đường hiện có theo thiết kế; tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết KĐT mới phía Đông thị trấn Vôi để cập nhật tính chất của các tuyến đường trong đồ án cho phù hợp với Quy hoạch chung thị trấn Vôi và Quy hoạch vùng huyện hiện nay…

Tuy nhiên, phần diện tích chưa GPMB, nhà đầu tư chưa làm được hạng mục theo kế hoạch thì sau này huyện phải làm bù bằng nguồn vốn khác. Việc kết thúc những dự án kéo dài là cần thiết để tập trung cho các nhiệm vụ khác.

Về điều chỉnh quy hoạch chi tiết, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang giao Sở Xây dựng rà soát toàn bộ các dự án để sớm tham mưu thực hiện. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cũng nhất trí uỷ quyền cho các địa phương song cần thực hiện vào thời điểm thích hợp. Trước mắt, huyện cần nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Đối với Đề án tập trung thu hút đầu tư các dự án thương mại, dịch vụ, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu thực hiện trên toàn tỉnh cho đồng bộ, hướng tới xây dựng nên các doanh nghiệp dịch vụ lớn, nộp thuế lớn cho tỉnh; có thể thực hiện thí điểm cách thức thu hút đầu tư trước khi áp dụng trên toàn tỉnh, bảo đảm đồng bộ, nhất quán.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích