Bắc Kạn: Đề nghị Trung ương hỗ trợ khẩn cấp chống sạt lở bờ sông suối, sạt lở đất khu dân cư

(Xây dựng) – Nhằm nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng người dân và hạ tầng kinh tế – xã hội, mới đây, tỉnh Bắc Kạn đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai xem xét, ưu tiên hỗ trợ kinh phí khoảng 337 tỷ đồng.

Bắc Kạn: Đề nghị Trung ương hỗ trợ khẩn cấp chống sạt lở bờ sông suối, sạt lở đất khu dân cư
Sạt lở đe dọa nhiều hộ dân tại tổ 1, thị trấn Đồng Tâm, huyện Chợ Mới.

Với địa hình chia cắt mạnh, Bắc Kạn là tỉnh miền núi thường xuyên chịu tác động cực đoan từ thời tiết, nhất là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ. Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn cho thấy: Năm 2022, thiên tai đã làm chết 3 người, bị thương 7 người; 877 nhà bị hư hỏng; 2.012,7ha cây trồng và 70ha ao nuôi nhỏ bị thiệt hại; 1.687 con gia súc, gia cầm bị chết; 54 công trình thủy lợi bị hư hỏng; đường giao thông bị 437.890m3 đất đá sạt lở. Tổng thiệt hại ước tính khoảng hơn 112,6 tỷ đồng.

Trong 8 tháng đầu năm 2023, Bắc Kạn có 12 đợt mưa, gió lốc, sét và hạn hán kéo dài do nắng nóng và mưa ít. Thiên tai đã làm chết 2 người; hư hỏng 227 nhà; thiệt hại về nông, lâm nghiệp khoảng 6.172ha (riêng hạn hán, nắng nóng đã làm thiệt hại hơn 5.846ha cây trồng của nhân dân); 6 công trình thủy lợi bị hư hỏng nặng; hơn 78.374m3 đất, đá sạt lở, bồi lấp lên các tuyến giao thông. Tổng thiệt hại trong 8 tháng đầu năm do mưa lũ ở Bắc Kạn lên tới hơn 51 tỷ đồng.

Thiệt hại lớn, nhưng trong những tháng qua, Bắc Kạn mới chỉ phân bổ kinh phí khắc phục hậu thiên tai, bảo đảm giao thông bước 1 trên 14 tuyến đường tỉnh Bắc Kạn với tổng số tiền hơn 8 tỷ đồng.

Ngoài ra, tỉnh cũng triển khai nguồn vốn Trung ương hỗ trợ 40 tỷ đồng, từ nguồn dự phòng ngân sách để khắc phục hậu quả thiên tai của 10 tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, con số này cũng chưa đáp ứng nổi do tổng số thiệt hại do thiên tai gấp hơn 3 lần. Với việc không có kinh phí khắc phục, xử lý các nguy cơ sạt lở từ xa đã dẫn tới tại Bắc Kạn rất nhiều công trình, dự án có nguy cơ thiệt hại thì cứ tăng dần.

Tháng 7/2023, UBND tỉnh Bắc Kạn đã phải ra Quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với khu vực sạt lở đất tại tổ 1, do phía sau nhà của hàng chục hộ dân, xuất hiện chiều dài sạt trượt khoảng 200m, trong đó 70m có 3 điểm có nguy cơ trượt lớn là điểm xung yếu, cũng là điểm cuối của đoạn sạt trượt, còn lại 130m có nguy cơ sạt trượt cao và xuất hiện 2 điểm có nguy cơ sạt trượt.

Hiện, Bắc Kạn còn có khoảng 2.300 hộ dân trong khu vực tiềm ẩn nguy cơ cao về thiên tai ở 460 điểm có nguy cơ thiên tai. Tỉnh đã phê duyệt Dự án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch bố trí dân cư, giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2025 để triển khai 79 dự án bố trí ổn định dân cư cho 2.609 hộ dân với tổng vốn hơn 600 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, Bắc Kạn mới chỉ bố trí được vài chục tỷ đồng xây dựng 6 dự án bố trí dân cư tập trung, 5 phương án bố trí dân cư xen ghép, ổn định chỗ ở cho khoảng 300 hộ dân.

Tuy nhiên, nguồn dự phòng ngân sách tỉnh để thực hiện nhiệm vụ khắc phục các công trình phòng, chống thiên tai thời gian vừa qua và trong thời gian tới là rất khó khăn, ngân sách địa phương không đáp ứng nhu cầu thực tế. Trong khi sạt lở ảnh hưởng dân cư, công trình hạ tầng dân sinh; sạt lở bờ sông suối diễn biến phức tạp do thiên tai từ nhiều năm nay tiếp tục gây ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn tính mạng, sinh kế của nhân dân, cơ sở hạ tầng của địa phương.

Trước tình hình khó khăn về việc bố trí nguồn kinh phí đầu tư các công trình phòng, chống thiên tai, mới đây, UBND tỉnh Bắc Kạn đã báo cáo, đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai xem xét, ưu tiên hỗ trợ kinh phí để sớm ổn định đời sống nhân dân. Theo đó, tỉnh Bắc Kạn đề nghị Trung ương hỗ trợ xử lý khẩn cấp chống sạt lở bờ sông, suối, sạt lở đất khu dân cư tại 8 điểm nguy cơ sạt lở cao với tổng kinh phí khoảng 337 tỷ đồng, gồm: Khắc phục hậu quả thiên tai khu vực sạt lở đất tại tổ 1, thị trấn Đồng Tâm, huyện Chợ Mới; Kè chống xói lở Nà Chỏm – Quan Nưa, xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn; Kè chống sạt lở bờ sông Chu, sông Cầu đoạn qua thị trấn Đồng Tâm, huyện Chợ Mới; Kè chống sạt lở khu dân cư thôn Chi Quảng B, thị trấn Phủ Thông và bờ sông Bản Lạnh, xã Tân Tú, huyện Bạch Thông; Kè Bản Chang, thôn Nà Bjoóc, xã Phương Viên, huyện Chợ Đồn; Sửa chữa hồ đập Khuổi Cuộn, xã Nông Hạ, huyện Chợ Mới; Xây kè bờ suối thôn Nà Khoang đến thôn Nà Duồng, thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn và Kè chống sạt lở thôn Nà Mộ – Cốc Tèo, xã Cao Tân, huyện Pác Nặm.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích