Bình Định: Không để bất cứ doanh nghiệp nào khai thác khoáng sản trái phép ở khu vực núi Hòn Chà
(Xây dựng) – Đây là lời khẳng định của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn sau khi đi kiểm tra thực tế tình trạng khai thác đá trên núi Hòn Chà và yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh trả lời tất cả các vụ việc có liên quan và làm rõ trách nhiệm trong việc núi Hòn Chà bị khai thác khoáng sản trái phép.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn đi kiểm tra thực tế tình trạng khai thác đá trên núi Hòn Chà. |
Nhiều năm nay, núi Hòn Chà thuộc khu vực 5, phường Trần Quang Diệu, thành phố Quy Nhơn được ví như “pháo đài” khoáng sản bị khai thác trái phép. Việc khai thác này diễn ra rầm rộ, hoạt động công khai cả ban ngày lẫn ban đêm với tính chất phức tạp.
Đối tượng tham gia khai thác đá trên núi Hòn Chà là doanh nghiệp cùng người dân lao động, mạnh ai nấy làm và khai thác khoáng sản tài nguyên quốc gia như tài sản riêng nhà mình, trong khi không có mỏ đá nào được UBND tỉnh Bình Định cấp Giấy phép khai thác khoáng sản.
Hệ lụy của việc khai thác khoáng sản trái phép trên núi Hòn Chà là núi bị sạt lở, nhất là vào thời điểm mùa mưa bão; tình trạng ô nhiễm môi trường bởi bụi đá và cây xanh trên núi bị “cạo trọc” trơ lại chỉ có đá và đá. Những mầm chồi xanh hay cây già trên núi đã không có nữa mà thay vào đấy là hình ảnh công trường khai thác khoáng sản với khối lượng đất, đá lởm chởm, ngổn ngang cùng tiếng gầm rú của máy khoan, máy đào, máy cắt và cả tính mạng của người thợ đá trong điều kiện lao động không an toàn.
Núi Hòn Chà tan hoang bởi nạn khai thác đá trái phép. |
Trước thực trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn đi kiểm tra phương án đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão và giải quyết tình trạng khai thác khoáng sản tại khu vực núi Hòn Chà.
Báo cáo với Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND thành phố Quy Nhơn cho biết, điểm sạt lở nằm trong khu vực núi Hòn Chà có diện tích 9.714m2 đất. Trước đây, UBND tỉnh có chủ trương cho Công ty TNHH Xuân Nguyên thuê để mở rộng Nhà máy chế biến đá Granite. Sau đó, UBND tỉnh thu hồi vì quá trình thực hiện việc khai thác tận thu đá để mở rộng mặt bằng ảnh hưởng đến môi trường, đời sống của nhân dân trong khu vực. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp không đồng tình với quyết định của UBND tỉnh và đang khiếu kiện. Thời gian qua, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép ở khu vực nói trên vẫn diễn biến phức tạp, Công ty TNHH Xuân Nguyên không phối hợp ngăn chặn tình trạng này.
Tại buổi kiểm tra, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn bày tỏ lo ngại khi chứng kiến nhiều diện tích núi Hòn Chà bị khai thác nham nhở, đất đá có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Lo ngại nhất là Nhà máy chế biến đá Công ty TNHH Xuân Nguyên nằm cách điểm có nguy cơ sạt lở đất khoảng 20m. Trường hợp mưa lớn, nước mang theo đất đá sẽ đổ dồn xuống nhà máy của doanh nghiệp này.
Do vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh trả lời tất cả các vụ việc có liên quan và làm rõ trách nhiệm trong việc núi Hòn Chà bị khai thác trái phép. Cùng đó, giao cho Công ty TNHH Xuân Nguyên quản lý khu vực núi Hòn Chà, không cho các đối tượng vào khai thác trái phép.
Tình trạng sạt lở trên núi Hòn Chà do khai thác khoáng sản trái phép. |
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn khẳng định: Quan điểm của tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh bền vững, nhưng việc doanh nghiệp khai thác phải thực hiện nghiêm, tuân thủ đúng theo quy định của Nhà nước, nghĩa là doanh nghiệp khai thác tận thu khoáng sản phải có đầy đủ cơ sở pháp lý, đúng trữ lượng đã được cấp phép, cũng như quá trình khai thác phải đảm bảo môi trường, an toàn cho người dân và doanh nghiệp; đồng thời thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn lưu ý 2 vấn đề đối với các doanh nghiệp đang hoạt động tại khu vực này: Thứ nhất, yêu cầu doanh nghiệp cần cân nhắc việc khai thác hiện nay có đủ đảm bảo an toàn, nhất là mùa mưa bão sắp tới dễ dẫn đến tình trạng sạt lở núi. Nếu quá trình tự kiểm tra và các cơ quan kiểm tra thấy có tình trạng mất an toàn thì yêu cầu tạm dừng khai thác, kiểm tra rồi tiếp tục. Thứ hai là từ việc kiểm tra giúp UBND tỉnh đánh giá lại tình trạng khai thác khoáng sản trên địa bàn để từ đó có định hướng phù hợp.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo cho Công ty TNHH Xuân Nguyên phải phối hợp với ngành chức năng, chính quyền địa phương xây dựng nhanh chóng đưa ra phương án phòng chống sạt lở đất đá tại khu vực nói trên đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão và quy trách nhiệm cho Công ty nếu có vấn đề xảy ra.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Quy Nhơn xây dựng phương án phòng chống sạt lở, đồng thời phối hợp với cơ quan Công an tăng cường kiểm tra, giám sát, không để bất cứ doanh nghiệp nào khai thác khoáng sản trái phép ở khu vực núi Hòn Chà, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn khẳng định: Nếu tiếp tục để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép gây sạt lở thì Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Quy Nhơn phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh. Việc khai thác khoáng sản tại khu vực núi Hòn Chà trong tương lai phải đảm bảo hài hòa giữa lợi ích kinh tế và gìn giữ môi trường cũng như cuộc sống của người dân. Vì vậy, về lâu dài cần tiến hành rà soát quy hoạch, phân loại và lựa chọn doanh nghiệp tuân thủ theo pháp luật để cấp phép khai thác.
Nguồn: Báo xây dựng