Hạ tầng đô thị liên quan như thế nào đến sức khỏe của người dân?
Hạ tầng đô thị liên quan như thế nào đến sức khỏe của người dân?
Các chính sách về ô nhiễm không khí thường tập trung quá nhiều vào các giải pháp kỹ thuật và bỏ lỡ những lợi ích sức khỏe của việc chuyển từ sử dụng ô tô cá nhân sang phương tiện giao thông công cộng, đi xe đạp và đi bộ.
“Có một gánh nặng lớn và có thể phòng ngừa được đối với sức khỏe hô hấp, bắt nguồn từ quy hoạch giao thông và đô thị hiện nay. Sức khỏe và phúc lợi của con người phải là cốt lõi của việc lập kế hoạch và hoạch định chính sách” – theo Tiến sĩ Haneen Keris, Đại học Cambridge, đồng tác giả của một nghiên cứu đánh giá về chủ đề quy hoạch đô thị và sức khỏe.
Nghiên cứu của nhóm Keris, được công bố trên Lancet Respiratory Medicine, cho thấy giải pháp quy hoạch vùng phát thải thấp (LEZ) đang được triển khai ở Anh và nhiều nước châu Âu giúp cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí. Hiện nay có hơn 320 vùng LEZ trong các đô thị châu Âu. Đây là các vùng cấm hoặc hạn chế sử dụng các phương tiện phát thải, trong khi ưu tiên khả năng di chuyển và tiếp cận phương tiện công cộng của người đi bộ. Ở các khu vực này của London, ô nhiễm đã giảm 6-9% và ở các khu vực ưu tiên cho người đi bộ của Barcelona, ô nhiễm đã giảm đến 25%.
Trong khi đó, một nghiên cứu đánh giá khác được thực hiện bởi viện nghiên cứu ISGlobal có trụ sở tại Barcelona đã phát hiện 5 trên 8 nghiên cứu về LEZ cho thấy người tham gia sống tại các khu vực này có mức giảm rõ rệt các vấn đề về tim và tuần hoàn. Các vấn đề được phân tích bao gồm nhập viện, tử vong do đau tim và đột quỵ, huyết áp. Trong 5 nghiên cứu xem xét sức khỏe phổi, có 2 nghiên cứu cho thấy có sự cải thiện.
“Các chính sách về ô nhiễm không khí thường tập trung quá nhiều vào các giải pháp kỹ thuật và bỏ lỡ những lợi ích sức khỏe của việc chuyển từ sử dụng ô tô cá nhân sang phương tiện giao thông công cộng, đi xe đạp và đi bộ” – Giáo sư Mark Nieuwenhuijsen, người đứng đầu nghiên cứu đánh giá của ISGlobal, cho biết.
Một nghiên cứu kéo dài 5 năm trên 260.000 người đi làm ở Anh phát hiện ra rằng những người đạp xe đi làm khỏe mạnh hơn và sống lâu hơn những người đi làm bằng ô tô. Cùng với những người đi bộ đi làm, những người đi làm bằng xe đạp cũng có tỷ lệ mắc bệnh tim thấp hơn.
Việc đầu tư tiền công vào các dịch vụ tiện ích địa phương như cửa hàng, trường học, chăm sóc sức khỏe và không gian công cộng như công viên, quán rượu và nhà hàng có thể tạo cơ hội đi bộ, đạp xe hoặc sử dụng phương tiện giao thông công cộng cho những việc chúng ta làm hàng ngày. Đây là trung tâm của khái niệm “thành phố 15 phút” và là hình mẫu cho các làng, thị trấn và thành phố trước nửa sau thế kỷ 20.
“Việc tạo ra môi trường đô thị nơi mọi thứ thiết yếu đều nằm trong khoảng cách 15 phút đi bộ hoặc đi xe đạp sẽ thúc đẩy hoạt động thể chất. Điều này làm giảm những rủi ro liên quan đến lối sống ít vận động và nâng cao chất lượng không khí” – Giáo sư Carlos Moreno tại Đại học Paris 1 Panthéon-Sorbonne, người không tham gia vào các nghiên cứu nói trên, giải thích khái niệm “thành phố 15 phút”.
Theo Moreno, cách thiết kế này cũng nâng cao chất lượng cuộc sống và phúc lợi nhưng thường vướng vào tranh cãi chính trị.
“Vấn đề thường là thiếu tầm nhìn chung về một thành phố tốt hơn. Người dân nghĩ rằng những hạn chế giao thông và các khoản chi phí do hội đồng thành phố đặt ra là để làm phiền họ. Chúng ta cần nhiều sự đồng sáng tạo và gắn kết hơn để thực hiện tầm nhìn về các thành phố bền vững, đáng sống và lành mạnh”, Nieuwenhuijsen nói.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị