Ninh Thuận: Đưa năng suất thành động lực phát triển các ngành, lĩnh vực
Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch là đưa năng suất trở thành động lực phát triển quan trọng trong các ngành, lĩnh vực, thông qua ứng dụng thành tựu mới của khoa học, công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất tiên tiến, kết hợp với nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, phù hợp xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp (cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh, cấp cơ sở), hỗ trợ doanh nghiệp trong nghiên cứu, đổi mới, chuyển giao và ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất; xây dựng, triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, kế hoạch nâng cao năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng và sản phẩm OCOP.
Cụ thể, đến năm 2025, phấn đấu đạt mục tiêu tăng năng suất lao động bình quân 6,5 đến 7%/năm, cùng với phát triển, mở rộng các hoạt động kinh tế, dự báo số lao động tăng từ 3-4%, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hàng năm 10-11%/năm. Góp phần đạt mục tiêu đóng góp của khoa học công nghệ thông qua các yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) đạt mức 44-45% trong tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh. Có khoảng 02-05 doanh nghiệp vừa và nhỏ của tỉnh xây dựng và triển khai dự án, mô hình điểm áp dụng đồng bộ các giải pháp về cải tiến năng suất chất lượng; thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nâng cao năng suất.
Trên 150 lượt người của các Sở, ngành, doanh nghiệp, phân hiệu trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hợp tác xã,… được đào tạo, tập huấn kiến thức về các giải pháp nâng cao năng suất, chuyển đổi số, sản xuất thông minh, giao thông thông minh, đô thị thông minh, góp phần tạo nguồn nhân lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hình thành ít nhất 01 câu lạc bộ cải tiến năng suất tại phân hiệu trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần gắn kết hoạt động nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng, thực hành về năng suất với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động.
Ninh Thuận phấn đấu đến năm 2025 đạt mục tiêu tăng năng suất lao động bình quân 6,5 đến 7%/năm. (Ảnh minh họa)
Đến năm 2030, phấn đấu đạt mục tiêu tăng năng suất lao động bình quân trên 7%/năm. Góp phần đạt mục tiêu đóng góp của khoa học công nghệ thông qua các yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) đạt mức trên trung bình của cả nước. Có khoảng 05-10 doanh nghiệp vừa và nhỏ của tỉnh xây dựng và triển khai dự án, mô hình điểm áp dụng đồng bộ các giải pháp về cải tiến năng suất chất lượng; thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nâng cao năng suất.
Trên 500 lượt người của các Sở, ngành, doanh nghiệp, phân hiệu trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hợp tác xã,… được đào tạo, tập huấn kiến thức về các giải pháp nâng cao năng suất, chuyển đổi số, sản xuất thông minh, giao thông thông minh, đô thị thông minh, góp phần nhằm tạo nguồn nhân lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó phát triển 05-10 chuyên gia đạt tiêu chuẩn chuyên gia năng suất.
Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, thứ nhất, rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động nâng cao năng suất chất lượng; thúc đẩy năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: Nghiên cứu vận dụng các chính sách hỗ trợ, quản lý cơ chế tài chính của Trung ương ban hành để xây dựng, ban hành một số cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng thử nghiệm tiến bộ công nghệ, chuyển đổi số, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất mới,… ứng dụng nhanh, hiệu quả các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại địa phương.
Áp dụng Bộ chỉ tiêu đo lường năng suất gắn với hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của quốc gia vào các cấp, các ngành, lĩnh vực của tỉnh và doanh nghiệp. Đồng thời xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng bộ chỉ tiêu này để đánh giá đóng góp của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào tăng năng suất chất lượng trên địa bàn tỉnh và doanh nghiệp. Xây dựng cơ sở dữ liệu về năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại địa phương. Tham gia kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu về năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia để chia sẻ thông tin, dữ liệu về ứng dụng các tiến bộ công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất mới, tiên tiến, chuyên gia năng suất, năng suất quốc gia, năng suất doanh nghiệp.
Thứ hai, phát triển các hoạt động nghiên cứu, tư vấn, đào tạo và tổ chức hỗ trợ hoạt động năng suất: Xây dựng, triển khai các nội dung nghiên cứu và tư vấn về năng suất; Triển khai các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng kiến thức để nâng cao năng suất; Tăng cường năng lực tổ chức hỗ trợ hoạt động năng suất chất lượng.
Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng; hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, tạo đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng: Gắn kết chặt chẽ nội dung về năng suất với thực hiện Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia; Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao; Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia; Chương trình phát triển thị trường khoa học, công nghệ và các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế – xã hội, phát triển ngành, lĩnh vực nhằm góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; Ưu tiên bố trí nguồn vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ: Nghiên cứu cải tiến, đổi mới công nghệ; nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm mới có thể tạo đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp; Tìm kiếm, chuyển giao công nghệ, mô hình mới tạo đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, hàng hóa.
Xây dựng các mô hình điểm về cải tiến năng suất, chất lượng; thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nâng cao năng suất trong doanh nghiệp: Hỗ trợ 05 doanh nghiệp triển khai các giải pháp nâng cao năng suất, năng suất xanh, hướng tới mục tiêu kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.
Xây dựng các dự án điểm về cải tiến năng suất, chất lượng tại bệnh viện, phòng khám; áp dụng các công cụ, hệ thống quản lý tiên tiến tại các trường học trên địa bàn tỉnh làm tiền đề nhân rộng: Hỗ trợ áp dụng các công cụ, hệ thống quản lý tiên tiến tại ít nhất 07 bệnh viện, phòng khám trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công tác khám chữa bệnh. Hỗ trợ áp dụng công cụ 5S tại ít nhất 10 trường học, góp phần rèn luyện tinh thần trách nhiệm và tính kỷ luật cho học sinh, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác giáo dục đào tạo.
Xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất chất lượng cơ bản; đẩy mạnh áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng đặc thù cho ngành, lĩnh vực; tiêu chuẩn về hệ thống quản lý mới được công bố. Áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, năng suất xanh; áp dụng tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, quy chuẩn kỹ thuật; áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa. Ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để thiết lập, tối ưu hóa, hiện đại hóa hệ thống quản trị doanh nghiệp; áp dụng tiêu chuẩn, công cụ hỗ trợ cho chuyển đổi số tiến tới sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh. Thực hiện chứng nhận sản phẩm, hàng hóa, chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, môi trường, năng lượng, an toàn, sức khỏe nghề nghiệp và chứng nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế.
Thứ tư, đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền về năng suất, chất lượng: Đẩy mạnh và phổ biến rộng rãi các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, nhất là các công cụ hỗ trợ cho chuyển đổi số tiến tới sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh, năng suất xanh vào doanh nghiệp; Tổ chức, triển khai các hình thức thông tin, truyền thông để phổ biến, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về nâng cao năng suất, chất lượng; Trao đổi, học tập kinh nghiệm các địa phương triển khai có hiệu quả Chương trình nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Tôn vinh, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng.
Thứ năm, tăng cường các hoạt động hợp tác: Tăng cường hợp tác với các tổ chức năng suất trong và ngoài nước để tiếp thu và cập nhật các phương pháp mới, kinh nghiệm, kỹ thuật gia tăng năng suất chất lượng; Vận động, khuyến khích doanh nghiệp tham gia các dự án hợp tác nghiên cứu về giải pháp nâng cao năng suất chất lượng, các chương trình đào tạo, tư vấn, quảng bá và phát triển chuyên gia năng suất chất lượng với các tổ chức quốc tế.
An Hạ