Bảo hiểm xã hội Việt Nam ra mắt ứng dụng VssID phiên bản tiếng Nhật

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết: BHXH Việt Nam đã đưa vào sử dụng ứng dụng VssID-BHXH số từ năm 2020. Đây là bước đột phá ứng dụng công nghệ thông tin cung cấp dịch vụ công trong quá trình chuyển đổi số của BHXH Việt Nam theo lộ trình xây dựng Chính phủ số Việt Nam.

VssID là ứng dụng giao dịch điện tử trên nền tảng thiết bị di dộng dành cho cá nhân giúp người dân dễ dàng tra cứu thông tin, tham gia và thụ hưởng chế độ BHXH, BHYT với nhiều tiện ích giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Với mong muốn giới thiệu và lan tỏa hiệu quả sản phẩm số này tới các doanh nghiệp Nhật Bản, BHXH Việt Nam đã thiết kế, xây dựng và ra mắt VssID phiên bản tiếng Nhật.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam ra mắt ứng dụng VssID phiên bản tiếng Nhật
Các đại biểu tham gia nhấn nút khai trương ứng dụng VssID-BHXH số phiên bản tiếng Nhật.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tính đến tháng 9/2023, cả nước có hơn 32 triệu người đăng ký, cài đặt và sử dụng VssID để tra cứu thông tin và thực hiện các giao dịch điện tử với cơ quan BHXH, trong đó có nhiều người lao động Việt Nam đang làm việc tại các doanh nghiệp Nhật Bản.

“Tôi hy vọng các bạn sẽ hài lòng với sản phẩm số hóa này của BHXH Việt Nam và rất mong sẽ nhận được ý kiến góp ý để tiếp tục hoàn thiện tính năng, tiện ích của VssID nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp Nhật Bản”, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chia sẻ tại Hội nghị đối thoại.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Thế Mạnh – Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam; ông Yamada Takio – Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam; ông Nguyễn Minh Vũ – Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao; ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; ông Đào Việt Ánh – Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã nhấn nút, khai trương ứng dụng VssID phiên bản tiếng Nhật.

Đây là một trong những hoạt động thiết thực, ý nghĩa chào mừng kỷ niệm tròn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản (1973 – 2023).

BHXH Việt Nam cho biết, hiện toàn ngành đang phục vụ hơn 2.100 doanh nghiệp FDI Nhật Bản với số thu chiếm hơn 13% trên tổng số thu BHXH khối doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, các chuyên gia và người lao động Nhật Bản đang làm việc tại Việt Nam cũng chiếm một tỷ lệ tương đối lớn so với tổng số người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã nỗ lực triển khai các giải pháp đồng bộ về ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, đến nay đã cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia của Chính phủ; chuyển đổi số nhanh chóng trong từng khâu nghiệp vụ giúp doanh nghiệp, người dân, người lao động tiếp cận và thụ hưởng đầy đủ, dễ dàng các quyền lợi với tinh thần cải cách nhất.

Cùng đó, BHXH Việt Nam đã đưa vào sử dụng ứng dụng VssID-BHXH số, giao dịch trên nền tảng thiết bị di động cho cá nhân và ra mắt phiên bản tiếng Nhật.

Ngoài việc bổ sung, cập nhật và ngày càng hoàn thiện tính năng đa ngôn ngữ, ứng dụng VssID-BHXH số đã được bổ sung, cập nhật các tính năng mới như: Đã cung cấp 7 Dịch vụ công trực tuyến trên ứng dụng. Triển khai việc sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID-BHXH số để khám chữa bệnh BHYT thay cho thẻ BHYT. Cung cấp thông tin về thời gian đã đóng của các đơn vị sử dụng lao động để người lao động chủ động nắm bắt thông tin, bảo vệ quyền lợi của bản thân. Cung cấp tính năng đăng nhập ứng dụng VssID-BHXH số bằng tài khoản định danh điện tử VNeID giúp người lao động thuận tiện hơn trong việc sử dụng ứng dụng.

Việc BHXH Việt Nam thiết kế, xây dựng và cho ra mắt ứng dụng VssID-BHXH số phiên bản tiếng Nhật thể hiện mong muốn giới thiệu và lan tỏa hiệu quả sản phẩm số này tới các doanh nghiệp Nhật Bản. Đồng thời, nhằm giúp các bạn Nhật Bản có cơ hội tiếp cận và trải nghiệm các tính năng, tiện ích của ứng dụng VssID-BHXH số, từ đó tạo sự lan tỏa rộng khắp đến các cấp quản lý và người lao động trong các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

B.D

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích