Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Chính sách tiền lương mới rất tiến bộ, công bằng
Ngày 24/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội. Trong đó, vấn đề cải cách tiền lương được nhiều đại biểu quan tâm.
Xóa bỏ mức lương cơ sở và trả theo vị trí việc làm
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung (Đoàn Thanh Hóa) cho rằng, những năm qua, việc tăng lương cơ sở 7% thực ra là bù vào trượt giá, chưa phải cải cách tiền lương.
Đến thời điểm này đã chín muồi để thực hiện lộ trình cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 Trung ương khóa 12 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, thời điểm này đã chín muồi để thực hiện lộ trình cải cách tiền lương |
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho rằng, đi cùng cải cách tiền lương khu vực công thì phải cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp nhà nước, cũng như điều chỉnh phù hợp lương với đối tượng hưu trí và các đối tượng khác.
Với khu vực công, quan trọng nhất là xóa bỏ mức lương cơ sở và trả lương theo vị trí việc làm. Ở khu vực doanh nghiệp nhà nước, đề nghị cải cách lương ở khu vực này với các nội dung người quản lý ăn lương cùng lao động, khi lợi nhuận cao thì cả hai hưởng cao, khắc phục thực trạng hiện nay có tình trạng doanh nghiệp thua lỗ, công nhân không có thu nhập nhưng “người quản lý lương rất cao”, vì họ hưởng bảng lương hoàn toàn khác với người lao động.
Đồng thời, Nhà nước không can thiệp vào thang bảng lương, doanh nghiệp có toàn quyền ban hành, Nhà nước chỉ quy định mức lương tối thiểu áp dụng với người lao động.
Tăng lương phải đi kèm kiềm chế lạm phát
Cùng đề cập đến việc tăng lương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) cho rằng, vấn đề tăng lương là điểm nhấn trong năm 2024.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng có 2 điểm cần lưu ý. Một là kiềm chế lạm phát trong bối cảnh tăng lương. Vì mỗi lần điều chỉnh lương, kể cả lương của những người đã nghỉ hưu thì đều có những tác động tiêu cực về mặt lạm phát, giá cả tăng cao. Theo báo cáo của Tổng cục thống kê thì chỉ riêng 4 tháng năm 2023 đã có 31% các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi giá cả tăng cao.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai đề nghị tăng lương phải đi kèm với kiềm chế lạm phát. |
“Tăng lương mà không kèm theo những biện pháp kiềm chế lạm phát thì ý nghĩa của việc tăng lương sẽ không được bảo đảm”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách nói.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh ngân sách còn chừng mực thì việc tăng lương là một sự cố gắng nhưng phải mang tính thực chất, không cào bằng. “Hiện nay theo quy định Nghị quyết 27, khi tăng lương thì sẽ không còn những khoản phụ cấp khác, Chính phủ phải hết sức lưu ý để làm sao khi không còn phụ cấp khác thì thu nhập của những người hiện nay đang có phụ cấp không bị ảnh hưởng”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nói.
Ngoài ra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng cho rằng, đi cùng với việc tăng lương thì cần quyết liệt hơn trong việc tinh giản biên chế, để bộ máy làm sao phải mang tính hiệu quả.
Chính sách tiền lương mới rất tiến bộ
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhìn nhận việc cải cách tiền lương là điểm nhấn và là dấu ấn của Quốc hội, vừa mang tính lịch sử, vừa mang tính thời sự, tạo ra một tâm trạng vui tươi, phấn khởi trong xã hội cũng như trong đội ngũ công chức, viên chức.
Để có nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương – đây là sự nỗ lực vượt bậc của tất cả các cấp, các địa phương trong thời gian qua, trong đó phải kể đến nỗ lực trong việc tạo nguồn lực để cải cách chính sách tiền lương. Khi bắt đầu ban hành Nghị quyết số 27, tình hình đất nước rất khó khăn, phải “thắt lưng buộc bụng”. Cùng đó, trong những năm qua, do tác động của đại dịch Covid-19, rồi hệ lụy từ sự tác động kép của tình hình thế giới cũng như trong nước, nền kinh tế đất nước cũng gặp vô cùng khó khăn.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhìn nhận việc cải cách tiền lương là điểm nhấn và là dấu ấn của Quốc hội. |
“Chúng ta phải quyết tâm có đủ nguồn cho cải cách chính sách tiền lương; như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo là đã trích lập được 560.000 tỷ đồng để phục vụ cho cải cách tiền lương trong 3 năm 2024 đến đến 2026. Đây là sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị.
Ngoài ra, chúng ta cũng đã rất nỗ lực trong việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy và tinh gọn biên chế. Đây là một cuộc cách mạng trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế từ trước đến nay” – Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, cải cách chính sách tiền lương là một tư duy đột phá, hoàn toàn phù hợp với xu thế của thế giới hiện nay và phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong đó, chúng ta xác định trả lương theo vị trí việc làm, theo chức danh lãnh đạo, quản lý. Đây là một vấn đề mới và thay thế hoàn toàn bảng lương theo hệ số lương đã tồn tại từ năm 2004.
“Từ khi thành lập nước đến nay, qua 4 lần cải cách tiền lương, nhưng chưa lần nào đồng bộ, toàn diện, căn bản như này. Chính sách tiền lương mới rất tiến bộ, công bằng, thực sự hài hòa và hợp lý” – Bộ trưởng Bộ Nội vụ thông tin.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, điểm mới tiếp theo của cải cách chính sách tiền lương lần này là cơ cấu lại để tính tỷ lệ lương cơ bản (70%), tỷ lệ phụ cấp (30%); loại hết những cơ chế chính sách tiền lương đặc thù và bổ sung 10% lương cơ bản để thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thực hiện mục tiêu thưởng cho cán bộ, công viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Bộ trưởng cho biết, chế độ tiền lương mới cũng sẽ dẫn đến một vấn đề là có khoảng 36 đơn vị, ngành không còn được hưởng lương đặc thù. Tuy nhiên theo tinh thần Nghị quyết 27 thì những cơ quan có chính sách lương đặc thù sẽ được bảo lưu (không tăng thêm nhưng không giảm đi).
Khi cải cách tiền lương, ngành giáo dục, y tế sẽ thực hiện được mục tiêu tăng lương. Khi đó xã hội phấn khởi, viên chức, nhất là giáo viên, bác sĩ sẽ phấn khởi.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, hiện nay, chúng ta mới chuẩn bị nguồn cải cách tiền lương đến năm 2026, còn sau năm 2026 nếu không nỗ lực thì sẽ khó có thể thực hiện được. Do đó, để có nguồn thực hiện chính sách cải cách tiền lương bền vững, đảm bảo tốc độ tăng trưởng hàng năm, nhiệm vụ hàng đầu là tập trung để tạo nguồn lực tài chính bền vững.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng nhấn mạnh đến công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức. Bởi trong quá trình tăng lương sẽ có giai đoạn chuyển lương cũ sang lương mới theo vị trí việc làm thì không thể đồng bộ ngay được mà sẽ có những vấn đề phát sinh.
“Ngoài ra, cần tiếp tục sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế để giảm số người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Thời gian tới sẽ có cơ chế tốt hơn để giảm viên chức hưởng lương Nhà nước để có thêm nguồn thực hiện cải cách tiền lương” – Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói.
Nguồn: Báo lao động thủ đô