Hải Dương: Tăng cường công tác quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn.

Hải Dương: Tăng cường công tác quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn.

Ngày 23/10, UBND tỉnh Hải Dương có Quyết định số 3970/UBND-VP gửi các sở, ngành và địa phương về việc tăng cường công tác quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh.

Sau khi Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương nhận được Công văn số 8797/BTNMT-KSVN ngày 16 tháng 10 năm 2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc tăng cường công tác quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh đã ra văn bản chỉ đạo một số nội dung sau:

Yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau: Nghiêm túc thực các quy định của pháp luật trong lĩnh vực thăm dò, khai thác khoáng sản và các chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh; Quán triệt các nội dung của Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.

tm-img-alt
Hải Dương tăng cường công tác quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh. (ảnh: Thế Lợi)

Trong đó, tập trung kiểm tra, rà soát về: (i) việc đăng ký tên, loại phương tiện, thiết bị được sử dụng để khai thác, vận chuyển cát, sỏi; (ii) việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và lưu trữ dữ liệu, thông tin về vị trí, hành trình di chuyển của phương tiện, thiết bị sử dụng để khai thác, vận chuyển cát, sỏi; (iii) kiểm tra về yêu cầu đối với bến, bãi tập kết cát, sỏi lòng sông, việc lắp đặt trạm cân, camera để giám sát khối lượng cát, sỏi mua – bán tại bến bãi; yêu cầu về phương tiện vận chuyển cát, sỏi trên sông; (iv) về yêu cầu đối với hoạt động kinh doanh và sử dụng cát, sỏi lòng sông, việc tuân thủ các quy định về đảm bảo nguồn gốc hợp pháp của khoáng sản được sử dụng trong các công trình; (v) kiểm tra, giám sát về thời gian được phép khai thác, việc thực hiện các quy định pháp luật trong báo cáo đánh giá tác động của hoạt động khai thác đến việc bảo đảm sự ổn định của bờ sông, các vùng đất ven sông; bảo đảm sự lưu thông dòng chảy, khả năng tiêu, thoát lũ, xói lòng dẫn, xói lở bờ, bãi sông, suy giảm mực nước sông trong mùa cạn, bảo tồn các hệ sinh thái liên quan; (vi) kiểm tra, giám sát việc thống kê, kiểm kê sản lượng khoáng sản khai thác thực tế theo hướng dẫn tại Thông tư số 17/2020/TTBTNMT ngày 24/12/2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường; (vii) bố trí điều phối sản lượng khoáng sản khai thác cho các dự án giao thông trọng điểm trong khu vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường: Tiếp tục rà soát số liệu về công tác quản lý khoáng sản cát, sỏi lòng sông (công tác quy hoạch, cấp phép thăm dò, khai thác; tài nguyên trữ lượng đã cấp/đã khai thác/trữ lượng còn lại; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm (số vụ việc, hành vi vi phạm, số tiền phạt,…); kiến nghị các biện pháp quản lý tiếp theo, báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường (qua Cục Khoáng sản Việt Nam) để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công suất khai thác của các mỏ cát, sỏi trên địa bàn.

Việc cấp phép khai thác tuân thủ theo quy định pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021, bảo đảm không ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, phòng chống sạt lở và tai biến địa chất, bảo đảm đa dạng sinh học và bảo vệ rừng; bảo đảm quốc phòng – an ninh; an toàn giao thông cũng như cho các công trình thuộc Dự án đường cao tốc. Việc khai thác cát, sỏi không làm thay đổi dòng chảy, không gây sạt lở lòng, bờ, bãi sông. Yêu cầu tổ chức, cá nhân khai thác phải thiết lập hệ thống và thực hiện quan trắc, giám sát tác động xói lở lòng, bờ sông theo quy định; chịu trách nhiệm trong việc đảm bảo các yêu cầu về an toàn, bảo vệ môi trường trong khai thác, không làm thay đổi dòng chảy, không gây sạt lở lòng, bờ, bãi sông.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích